Với sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và nhân dân, Lào Cai không chỉ đáp ứng yêu cầu tinh giản mà còn hướng tới xây dựng một đơn vị hành chính mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng.
Xây dựng hạ tầng kết nối dọc sông Hồng được lãnh đạo tỉnh Lào Cai xác định là một trọng những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Thời điểm hiện tại, Lào Cai đang dồn sức chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sáp nhập tỉnh. Lào Cai đã bám sát các nghị quyết, kết luận và thông tư của Trung ương, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Mục tiêu là xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, tạo dư địa phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường an ninh quốc phòng.
Tính đến ngày 28/2, Lào Cai đã hoàn thành sắp xếp, hợp nhất 6 Sở và cơ quan tương đương, bao gồm: Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Dân tộc và Tôn giáo. Đồng thời, Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy được sáp nhập. Cấp tỉnh giảm 5 Sở, 5 Giám đốc Sở và nhiều Trưởng phòng chuyên môn, đảm bảo hoạt động thông suốt.
Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành ngày càng hiện đại, xứng tầm Trung tâm kết nối giao thương của Việt Nam và ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Về nhân sự, 111 cán bộ đã tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi, trong đó có 4 Giám đốc Sở và 2 Phó Giám đốc Sở. Đến nay, 71 trường hợp đã được phê duyệt, bao gồm 38 người thuộc khối Đảng và 33 người thuộc khối Nhà nước. Động thái này không chỉ tinh gọn bộ máy mà còn mở đường cho lớp cán bộ trẻ kế cận, đảm bảo sự tiếp nối trong công việc.
Với vị trí chiến lược là cầu nối giữa Việt Nam, ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc, cùng lợi thế giao thông đa dạng và tài nguyên phong phú, tỉnh hướng tới tạo cực tăng trưởng mới cho khu vực. Hạ tầng đô thị loại II của thành phố Lào Cai được quy hoạch hiện đại với trục đường lớn 58m, các khu hành chính hợp khối khang trang.
Dự án Khu nhà ở xã hội Vạn Hòa, thành phố Lào Cai.
Về nhà ở xã hội, tỉnh đã quy hoạch 84ha tại 22 vị trí, đáp ứng nhu cầu dân cư khi sáp nhập. Dự án Khu nhà ở xã hội Vạn Hòa (760 căn hộ, quy mô gần 1.900 dân) dự kiến hoàn thành cuối năm 2025, cùng 5 dự án khác với diện tích 14,2ha.
Về y tế, Tòa nhà kỹ thuật cao của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai vừa khánh thành với 330 giường, nâng tổng quy mô lên 1.000 giường, dẫn đầu khu vực. Công trình với tổng mức đầu tư hơn 380 tỷ đồng này đáp ứng yêu cầu y tế kỹ thuật cao trong bối cảnh hội nhập.
Tòa nhà kỹ thuật cao của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai đáp ứng yêu cầu y tế kỹ thuật cao trong bối cảnh hội nhập.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm tạo nền tảng vững chắc cho quá trình sáp nhập tỉnh theo chủ trương của Trung ương. Với mục tiêu xây dựng một đơn vị hành chính mới hiệu lực, hiệu quả, Lào Cai không chỉ tập trung tinh gọn bộ máy mà còn chú trọng khai thác tiềm năng kinh tế, biến thách thức sáp nhập thành cơ hội phát triển bền vững.
Ông Vũ Lân, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai cho biết: Việc thu hút đầu tư không chỉ hỗ trợ quá trình sáp nhập mà còn đặt nền móng cho sự phát triển dài hạn, thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh Lào trở thành một cực tăng trưởng và Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc.
Theo đó, tỉnh Lào Cai quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động để khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Ông Vũ Lân, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai.
Để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, Lào Cai đã tập trung cải thiện mạnh mẽ chỉ số cơ sở hạ tầng (hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, điện và đô thị), trong đó có thể kể đến như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn mở rộng, dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Cảng hàng không Sa Pa... Đây là các dự án quan trọng giúp tăng cường năng lực kết nối Lào Cai với các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển và sân bay, giúp nâng cao năng lực sản xuất, tạo thuận lợi cho thương mại, du lịch, dịch vụ.
Ngày 31/3, khởi công xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc).
Ngoài ra, tỉnh đang tăng tốc xúc tiến đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Võ Lao - huyện Văn Bàn, Cụm công nghiệp Thống Nhất 1, đẩy nhanh tiến độ các hạ tầng khác như Cầu Bản Vược, đường Kim Thành - Ngòi Phát, tăng cường đầu tư vào hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý môi trường tại các khu công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới của thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà…
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, nhân sự và chính sách, Lào Cai đã sẵn sàng mọi điều kiện để tỉnh mới sau sáp nhập vận hành hiệu quả.
Với những chính sách, giải pháp như trên, trong những năm vừa qua tỉnh Lào Cai là nơi dừng chân của nhiều Tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư chiến lược lớn đến với tỉnh như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Geleximco, Bitexco, TNG, Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Phú Hưng, Công ty Cổ phần KOSY...
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, nhân sự và chính sách, Lào Cai đã sẵn sàng mọi điều kiện để tỉnh mới sau sáp nhập vận hành hiệu quả. Đây không chỉ là bước đi chiến lược mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về vị thế của tỉnh trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Sự đồng thuận từ người dân và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.
Nhi Nhi