Lào Cai đứng thứ 6 cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công

Lào Cai đứng thứ 6 cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công
4 giờ trướcBài gốc
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Lào Cai đạt 75,3% kế hoạch, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Ảnh minh họa: Hoàng Nhị - TTXVN
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 30/9/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Lào Cai đạt 75,3% kế hoạch, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước là 47,29%. Đây là một thành quả ấn tượng, khẳng định nỗ lực của địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.
Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Lào Cai đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm kích thích kinh tế. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, và thi công các công trình trọng điểm.
Nhiều công trình trọng điểm đã và đang được đẩy nhanh tiến độ bao gồm cải tạo nâng cấp Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát, cầu Phú Thịnh, cầu Bản Vược, các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, và các dự án đường giao thông nông thôn cùng nhiều hạ tầng kỹ thuật khác.
Đến nay, tỉnh Lào Cai đã được phân bổ nguồn vốn đầu tư công lên đến 6.503 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ giải ngân, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 95% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Việc này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trên toàn quốc tính đến ngày 30/9 mới chỉ đạt 42,96% kế hoạch và 47,29% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (47,75% kế hoạch và 51,38% kế hoạch Thủ tướng giao).
Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2024, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vượt mức bình quân chung cả nước. Một số đơn vị tiêu biểu trong việc giải ngân vốn tốt bao gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các tỉnh Long An, Hòa Bình, Tiền Giang và Thanh Hóa.
Bên cạnh các kết quả tích cực, vẫn còn 29/44 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (chưa phân bổ), hoặc giải ngân rất thấp như Ủy ban Dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1,35%), Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (4,11%), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,52%), và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (6,76%)...
Ngoài ra, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như TP. Hồ Chí Minh (21,29%), Phú Yên (22,38%), Bắc Ninh (24,48%), Kon Tum (25,62%) và Kiên Giang (26,93%). Việc các địa phương này có kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch cả nước nhưng chỉ mới giải ngân 21,29%; trong khi đó, TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch nhưng chỉ mới giải ngân 38,88%.
Lê Phương/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/lao-cai-dung-thu-6-ca-nuoc-ve-ty-le-giai-ngan-von-dau-tu-cong/349559.html