Lão nông miền Tây tiết lộ bí quyết trồng 'cây tỷ đô', đút túi 5 tỷ đồng/năm

Lão nông miền Tây tiết lộ bí quyết trồng 'cây tỷ đô', đút túi 5 tỷ đồng/năm
6 giờ trướcBài gốc
Trong căn nhà khang trang ở xã Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), ông Võ Văn Em (còn gọi Chín Em, 80 tuổi) treo đầy bằng khen của Thủ tướng, chủ tịch tỉnh, Hội Nông dân... Ông được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Xuất thân từ gia đình thuần nông, khi lập gia đình, ông được cha mẹ để lại cho vài công đất để canh tác. Vợ chồng ông chăm chỉ làm lúa, tích góp dần thuê thêm đất ruộng.
“Năm được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa, điều này khiến người làm nông như chúng tôi rất trăn trở”, ông nhớ lại.
Khát vọng vươn lên thoát nghèo thôi thúc ông. Năm 2014, ông Chín Em mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Khi đó, ông dành nhiều tháng để đến một số nhà vườn ở Tiền Giang học hỏi kinh nghiệm. “Vốn là dân làm ruộng, tôi nghĩ mình có thể làm tốt khi vừa học vừa làm”, ông Chín Em kể.
Với quyết tâm làm giàu từ nghề nông, lão nông Võ Văn Em mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sầu riêng. Ảnh: H.C
3ha đất lúa dần được chuyển sang trồng giống sầu riêng Ri6. Sau 4 năm, sầu cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng đạt gần 30 tấn, giá dao động từ 35.000-37.000 đồng/kg. Tiếp đà thành công, ông thuê thêm đất, mở rộng mô hình, trồng thêm giống Monthong.
Tuy nhiên, may mắn không mỉm cười với ông. Vụ thứ hai, sầu riêng tắc đầu ra, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Ông cùng các con chật vật mãi mới bán hết nông sản với giá rẻ bèo.
Thời điểm đó, ông Chín Em đưa ra quyết định táo bạo, chuyển toàn bộ 16ha đất sang trồng sầu riêng trái vụ.
“Nông dân mình cần cù, chịu khó học hỏi là một chuyện, nhưng cần phải có chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật thì mới thành công. Kỹ thuật trồng sầu riêng cơ bản đã khó hơn các giống cây ăn trái khác. Trồng sầu riêng cho trái vụ càng khó hơn".
Thương lái thu mua sầu riêng ở vườn ông Chín Em. Ảnh: T.T
Năng suất sầu riêng trái vụ giảm từ 10-15%, chi phí đầu tư cũng cao hơn nhưng bù lại giá cao gấp 2-3 lần, đặc biệt đầu ra rất thuận lợi, thương lái tìm đến tận vườn thu mua, ông lý giải.
Ông chủ vườn sầu riêng tiết lộ, quá trình siết nước, bón phân cho sầu riêng kéo dài từ tháng 4-7, cho thu hoạch từ tháng 11 và kéo dài đến tháng 2 năm sau. Khi xử lý ra hoa trái vụ cần tùy theo tình trạng cây. Sau khi thu hoạch, người trồng nên để cây phục hồi, cơi đọt khỏe mới tiến hành xử lý ra hoa.
"Nhất là những ngày mưa, cần theo dõi vườn cây sát sao. Khi cây xuất hiện tình trạng rụng bông, phải phun thuốc trong vòng vài giờ. Nếu qua ‘khung giờ vàng’, việc cứu cây sẽ rất khó", ông Chín Em nói.
Lão nông này cho hay, vụ sầu riêng năm 2023 ông bội thu. Vườn cho thu hoạch 30 tấn Ri6, giá 90.000 đồng/kg cùng 20 tấn Monthong, giá 120.000-130.000 đồng/kg, gia đình ông đút túi hơn 5 tỷ đồng.
Anh Tình cho hay sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng sầu riêng. Ảnh: T.T
Đồng hành cùng cha từ những ngày đầu, anh Võ Trung Tình (39 tuổi) nói rằng gia đình đang thuê thêm đất ở huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) để trồng sầu riêng và được Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang xem xét cấp vốn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho mô hình.
Diện tích vườn đã tăng lên gần 30ha với hơn 3.500 gốc, trong đó 800 gốc cho thu hoạch thường xuyên, năm nay dự kiến cho thu hoạch trên 100 tấn.
Nhà vườn cũng tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, thu nhập 8-9 triệu đồng/tháng.
Không giấu nghề, ông Chín Em thành lập hợp tác xã, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn cho các hộ dân trong vùng cùng vươn lên.
Trần Tuyên
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/lao-nong-mien-tay-tiet-lo-bi-quyet-trong-sau-rieng-dut-tui-5-ty-dong-nam-2396292.html