Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên
10 giờ trướcBài gốc
Hoài niệm một thời
Chúng tôi gặp ông Phan Xuân Định vào một ngày cuối năm khi ông vừa dắt đàn ngựa cho ăn ở bãi cỏ sau nhà. Ở tuổi U60, nhiều người bắt đầu có dấu hiệu chậm chạp khi dấu ấn thời gian đè nặng, nhưng ông Định vẫn vẻ phong trần và tác phong linh hoạt, nhanh nhẹn.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về đàn ngựa, đôi mắt ông bỗng sáng lên nhưng rồi lại phảng phất nét buồn khi nhắc về ký ức của một thời đã qua.
Khi còn là một cậu bé, ông Định đã bị những chú ngựa trên thảo nguyên mê hoặc. “Thấy người ta cưỡi ngựa, tôi mê lắm, chỉ ước được ngồi lên lưng ngựa. Đi đến đâu, cứ thấy có ngựa là tôi dừng lại ngắm nghía, xuýt xoa, lòng đầy ngưỡng mộ. Tôi ước mình có 1 con ngựa để chăm sóc, làm bạn, rồi cùng nó rong ruổi đó đây”-ông Định thổ lộ.
Ông Phan Xuân Định đã góp phần làm sống lại hình ảnh ấn tượng về đàn ngựa trên cao nguyên cùng người xà ích lãng tử, phong trần một thời. Ảnh: L.V.N
Khi 15-16 tuổi, ông Định đã đi làm để phụ cha kiếm tiền. Nhưng khi có tiền thì giá ngựa quá đắt. Kể cả khi cha ông đề nghị đổi tài sản trong nhà để chiều theo ý nguyện của con trai, chủ ngựa cũng không đồng ý. Lần ấy, 2 cha con ông thất thểu ra về trong sự hụt hẫng, thất vọng.
Phải đến thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi lập gia đình, ông Định mới mua được 1 con ngựa ở làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa. Con ngựa có bộ lông màu hồng rất đẹp và được đặt tên là “Ngựa hồng bướm”.
Con ngựa mới lớn và tương đối… cá tính. Do đó, ông Định đã phải mất một thời gian khá dài để huấn luyện và thuần hóa. Để có kinh nghiệm huấn luyện ngựa, ông phải đi khắp nơi để học hỏi. Từ trường đua Phú Thọ (TP. Hồ Chí Minh), Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) đến Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng)… ở đâu có tiếng vó ngựa là ở đó có dấu chân ông.
Trở về Gia Lai, sau khi huấn luyện thành công, ông Định cũng mang ngựa tham gia các giải đua. Ông nhớ như in cuộc đua ở Sân vận động Pleiku với hơn 30 chú ngựa tốt nhất được tuyển chọn từ Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa… Trên các khán đài, hàng ngàn khán giả hò reo cổ vũ cuộc đua. Sau đó, các ông bầu ngựa còn tổ chức một số giải đua tại thị xã Pleiku, mỗi giải đấu đều là sự kiện đáng nhớ với người dân phố núi.
Ông Định bồi hồi nhắc nhớ: “Thời ấy còn nhiều ngựa. Người dân ở Pleiku cũng mê môn này lắm nên đổ về xem rất đông. Với những người nuôi ngựa như chúng tôi, đó thực sự là những ngày hội, không chỉ để thi tài, mà là được phô diễn kỹ năng đã cùng ngựa tập luyện trong thời gian dài và chia sẻ kinh nghiệm. Thi đấu trong không khí sôi động, cuồng nhiệt mang lại cảm giác khó tả mà đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn không khỏi bồi hồi”.
Vì đam mê, ông Định cùng chú ngựa của mình đã tham gia chinh chiến tại nhiều cuộc đua ở Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa… cho đến khi các cuộc đua thưa vắng dần.
“Trước kia, ngựa còn được dùng để kéo xe, thồ hàng. Nhưng sau này, mọi người có điều kiện mua xe đạp, xe máy, xe tải… thì không cần đến ngựa nữa. Các đàn ngựa cỏ của người dân địa phương ở khu vực Hà Bầu (huyện Đak Đoa), Ia Ly (huyện Chư Păh)… cũng dần dần thưa vắng”-ông Định chia sẻ.
Gầy dựng đàn ngựa
Trong khi tiếng vó ngựa dần thưa vắng trong những buôn làng của vùng đất cao nguyên, ông Định vẫn âm thầm đi khắp nơi để gom những con ngựa tốt nhất. Từ giống ngựa cỏ, ngựa pha lai, ngựa Thái… hay ngay cả ngựa Mông-giống ngựa có nguồn gốc từ vùng Tây Bắc, ông đều tìm cách đưa về.
Vốn làm nghề mua bán bò, ông Định thường xuyên nghe ngóng tin tức về những vùng có ngựa mà tìm đến. Hễ nghe tin ở đâu có ngựa, lòng ông lại rộn ràng như những năm tháng tuổi trẻ. Tuy nhiên, vì đất đai hạn hẹp, chuồng trại không đủ lớn nên ông chỉ giữ được một số con ngựa nhất định.
Ông Phan Xuân Định luôn kiên trì và khéo léo khi chăm sóc ngựa. Ảnh: L.V.N
Hiện nay, gia đình ông Định đang sở hữu 7 con ngựa, trong đó có 1 con ngựa đực trưởng thành, 4 con ngựa mẹ và 2 con ngựa con. Theo ông Định, ngựa là loài rất dễ nuôi vì thức ăn khá đa dạng. Ngựa chăm chỉ gặm cỏ hơn bò và thường gặm khá sát đất nên không quá lo lắng về thức ăn. Thời tiết, khí hậu tại Gia Lai cũng rất thích hợp cho nhiều giống ngựa khác nhau có thể phát triển và sinh sản tốt.
Hàng ngày, ông thường dắt đàn ngựa ra bãi cỏ gần nhà và chỉ cần buộc con ngựa đầu đàn thì cả đàn sẽ chỉ gặm cỏ ở khu vực gần đó mà không đi xa, không gây ảnh hưởng tới những vườn tược xung quanh. Tuy nhiên, ngựa rất khó thuần hóa bởi có tập tính hoang dã khá cao, mỗi con lại có một đặc điểm, tính nết khác nhau. Vì vậy, người nuôi phải có tay nghề cũng như mất nhiều thời gian mới nắm bắt và huấn luyện thuần thục.
Ông Định chia sẻ: “Ngựa mới mua về đều giống như ngựa hoang, hầu hết chủ cũ thả rông, ít gần gũi chăm sóc. Tôi muốn mỗi con ngựa phải biết nghe lời, sử dụng nó để cưỡi hoặc kéo xe nên phải huấn luyện từ đầu.
Tùy con ngựa dễ tính hay khó tính mà mất khoảng 1 tuần hoặc vài tháng huấn luyện. Với những con ngựa khó tính, thật sự phải rất kỳ công, phải hiểu bản tính của nó để lúc cương, lúc nhu, giống như nuôi dạy con cái vậy. Nếu không kiên trì và khéo léo thì rất dễ bỏ cuộc”.
Thuần hóa ngựa là việc khó khăn nhất khi nuôi ngựa. Ảnh: Văn Ngọc
Về chuyện thuần hóa ngựa của chồng, bà Trần Thị Tiên chia sẻ: “Khi chưa thuần hóa, ngựa không chịu cho người lại gần. Ngay cả lúc ngồi lên lưng ngựa rồi, nó cũng vẫn nhảy lồng lộn, chân đá tứ tung, rất nguy hiểm.
Thấy chồng bị thương, bị ngã như vậy, tôi rất xót xa. Nhưng ông ấy không nản lòng mà kiên trì, bằng mọi cách để thuần hóa từng con ngựa một, khiến chúng trở nên ngoan ngoãn, nghe lời. Nuôi ngựa không kinh tế như nuôi bò, nhưng là đam mê từ thuở nhỏ của ông ấy nên gia đình ủng hộ hết mình”.
Huấn luyện được đàn ngựa, ông Định sắm yên, xe để thỏa đam mê là một xà ích, để ngày ngày, tiếng vó ngựa lại cộp cộp vang lên trên những tuyến đường của phố núi. Âm thanh ấy cùng với tiếng ngựa hí vang khiến ông và không ít người cùng thời như sống lại một thời trai trẻ.
Xe ngựa ông Định nhẩn nha chở khách trên các tuyến đường: Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Phó Đức Chính, Lê Văn Sĩ… Cũng có khi, xe ngựa được làm mẫu cho khung cảnh cao nguyên hùng vĩ của giới nhiếp ảnh. Dù thu nhập không đáng kể song nó góp phần tô điểm cho phố núi thêm thơ mộng, dệt nên những kỷ niệm đáng nhớ với nhiều người dân và du khách khi đến Pleiku.
Anh Nguyễn Thế Quang-thợ chụp ảnh tại TP. Pleiku-chia sẻ: “Thỉnh thoảng, tôi vẫn thuê ngựa của ông Định để chụp với mẫu. Hầu hết khách của tôi đều rất thích vì ngựa đẹp và lạ. Ngựa kết hợp với khung cảnh núi non hùng vĩ càng tôn lên vẻ đẹp của vùng đất cao nguyên này. Mong rằng ông Định giữ đàn ngựa và có thêm những chú ngựa thật đẹp để Pleiku mãi lưu lại hình ảnh đẹp trong lòng du khách”.
Mỗi năm, những con ngựa mẹ có thể sản sinh từ 3-4 con. Khi ngựa được khoảng 5-6 tháng, ông Định bán cho những người có cùng đam mê với giá khoảng 15 triệu đồng/con. Ông cũng đảm nhận việc chữa trị bệnh và chăm sóc ngựa sinh sản khi có nhu cầu. Với niềm đam mê cháy bỏng, ông Định đã góp phần làm sống lại hình ảnh ấn tượng về đàn ngựa trên cao nguyên cùng người xà ích lãng tử, phong trần một thời.
LÊ VĂN NGỌC
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/lao-xa-ich-va-dan-ngua-tren-cao-nguyen-post307015.html