Tuyến đường Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng được lắp đặt dải phân cách cứng để đưa vào hoạt động từ ngày 1-7. Ảnh: T.A
Hiệu quả về mặt an toàn
Nhằm cải thiện hạ tầng, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và giảm thiểu ùn tắc trên các tuyến giao thông huyết mạch, Hà Nội đang triển khai phương án phân làn phương tiện bằng dải phân cách cứng trên hai tuyến đường Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng.
Đây là hai tuyến đường vành đai có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông Thủ đô, kết nối các khu vực nội, ngoại thành và các trục đường ra sân bay Nội Bài. Hiện các đơn vị chức năng đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống tổ chức giao thông với rào cứng, biển báo phân làn phương tiện, kết hợp với lực lượng chức năng hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông.
Việc phân làn chính thức dự kiến được triển khai từ ngày 1/7, sau khi hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật trong tháng 6/2025. Dù chưa chính thức áp dụng chế tài xử phạt, nhưng quá trình thử nghiệm và hướng dẫn trên tuyến đường này đã cho thấy những tín hiệu tích cực về thay đổi hành vi tham gia giao thông. Người dân bắt đầu có ý thức rõ ràng hơn về làn đường của mình và di chuyển trật tự hơn trước.
Theo ghi nhận, sáng ngày 26/6, tại tuyến đường Võ Chí Công (đoạn từ sau lối xuống đường trên cao đến trước đường dẫn tách dòng từ đường Võ Chí Công xuống đường Âu Cơ) đã được dựng rào phân làn như sau: 3 làn ngoài sát dải phân cách giữa là đường dành riêng cho ô tô, các làn còn lại là hỗn hợp cho xe máy, xe thô sơ.
Anh Nguyễn Đăng Quý, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đánh giá cao hiệu quả về mặt an toàn: “Việc phân làn bằng dải phân cách cứng giúp người dân hiểu rõ làn nào dành cho ô tô, làn nào cho xe máy, từ đó hạn chế tình trạng lấn làn và lạng lách, đặc biệt trong giờ cao điểm. Tình trạng xe máy di chuyển theo kiểu “điền vào chỗ trống” giờ cũng giảm nhiều. Tôi thấy người tham gia giao thông cũng có ý thức và hành xử văn minh hơn”.
Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thị Dịu, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi qua đường Phạm Văn Đồng là tôi rất ngại vì khổ đường lớn, xe chạy nhanh, hỗn loạn, sang đường rất dễ gặp nguy hiểm. Từ khi có rào chắn và biển báo phân làn, tôi thấy mọi người đi đúng phần đường, trật tự rõ rệt”. Chị Nguyễn Thị Dịu cũng kỳ vọng mô hình này sẽ tiếp tục được mở rộng ở những tuyến phố phù hợp, góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Tách dòng ô tô - xe máy bằng dải phân cách cứng trên đường Võ Chí Công. Ảnh: Khánh Huy
Mô hình điển hình cần nhân rộng
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình giao thông (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, thực tế, 2 tuyến Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng đã phân làn bằng vạch sơn kẻ liền từ lâu nhưng người tham gia giao thông không tuân thủ. Trong giờ cao điểm, ô tô chiếm tất cả các làn đẩy xe máy chen chúc, đôi khi tạt đầu… Vì vậy, nếu không làm dải phân cách cứng thì giao thông Hà Nội mãi mãi lộn xộn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
“Trong quá trình thi công, chúng tôi đều đặt biển báo "Công trường đang thi công", đặt ụ xô va và đèn cảnh báo. Trường hợp đâm vào dải phân cách hôm 22/6 là do say rượu. Do đó, để đảm bảo an toàn trong quá trình dự án đang thi công, chúng tôi khuyến cáo người tham gia giao thông cần chú ý quan sát, tuân thủ các biển báo" - ông Nguyễn Hoàng Hải khuyến cáo.
TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá cao việc Hà Nội tiến hành lắp đặt dải phân cách cứng phân làn ô tô, xe máy trên 2 tuyến đường. “Về kỹ thuật tổ chức giao thông, đây là việc cần làm. Việc tách làn chắc chắn sẽ nâng cao an toàn hơn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi ô tô đang đi trộn lẫn với xe máy và các loại xe thô sơ khác trên hai tuyến đường này” - ông Trần Hữu Minh nói và cho rằng với mô hình giao thông hỗn hợp, việc tách tối đa dòng giao thông yếu thế (xe mô tô, xe máy, xe đạp) ra khỏi các dòng ô tô di chuyển ở tốc độ cao là hết sức cần thiết và đó là điều mà Hà Nội đang cố gắng thực hiện.
“Một tuyến đường có 5 làn, việc tách 3 làn cho ô tô và 2 làn cho xe 2 bánh là khá hợp lý. Nếu việc tổ chức giao thông bao gồm quản lý tốc độ, bố trí không gian dừng chờ và phối hợp chặt chẽ với chu kỳ đèn tín hiệu, đây có thể trở thành mô hình điển hình để áp dụng cho các trục đường chính khác của Hà Nội” - ông Trần Hữu Minh cho biết.
Ông Trần Hữu Minh cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu dán thêm sơn phản quang hoặc đặt các điểm phản quang rõ ràng trước những cọc phân cách. Ngoài ra, có thể tạo những gờ giảm tốc vừa phải trước làn đường nhằm cảnh báo cho người tham gia giao thông. “Cơ quan quản lý cần nhanh chóng nhận diện những vấn đề này và đưa ra các giải pháp kỹ thuật. Đây đều là những giải pháp rất rẻ, đơn giản và chắc chắn sẽ giảm ngay những tình huống đáng tiếc xảy ra, đồng thời giảm đáng kể ùn tắc giao thông trên tuyến đường này” - ông Trần Hữu Minh nhận định.
Theo CATP Hà Nội, việc phân làn phương tiện không chỉ là giải pháp tổ chức giao thông đơn thuần, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức, hình thành văn hóa giao thông hiện đại. Khi người tham gia giao thông đi đúng làn, đúng phần đường, nguy cơ va chạm, xung đột giữa các loại phương tiện sẽ giảm đáng kể. Đây cũng là một trong những biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông ngay từ gốc, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Trong điều kiện hạ tầng giao thông còn hạn chế, việc tổ chức lại giao thông một cách hợp lý, kết hợp đồng bộ giữa tuyên truyền, xử lý vi phạm và hoàn thiện kỹ thuật phân làn là hướng đi cần thiết. Từ những tín hiệu tích cực bước đầu, có thể kỳ vọng rằng, khi được triển khai đồng bộ và kiên trì, giải pháp này sẽ góp phần xây dựng hệ thống giao thông trật tự, an toàn, bền vững cho Thủ đô và các đô thị lớn trong cả nước.
Tại nhiều quốc gia có điều kiện tương đồng như: Thái Lan, Indonesia, Philippines…, việc phân làn phương tiện đã được triển khai từ lâu, trở thành một phần không thể thiếu trong tổ chức giao thông đô thị; từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc và tai nạn, hình thành văn hóa giao thông có trật tự, nền nếp. Tại Việt Nam, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) cũng nhấn mạnh đến vai trò của tổ chức giao thông, trong đó quy định rõ việc phân định làn đường theo từng loại phương tiện nhằm bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người và phương tiện khi lưu thông.
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Thái An