Trong bối cảnh nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên cả nước có nhiều thay đổi, nhiệm vụ cấp bách được các đơn vị chức năng đặt ra là xác định rõ các giải pháp để lập lại trật tự ATGT trong kỷ nguyên mới. Có 2 yếu tố chính đang được các cơ quan chức năng tập trung thực hiện là: ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao ý thức và văn hóa giao thông.
Lãnh đạo Công an tỉnh theo dõi kỳ sát hạch lái xe đầu tiên do Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức ngày 16 và 17-5, đảm bảo nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông cho người dân. Ảnh: Đ.Tùng
Tăng kiểm soát giao thông bằng công nghệ
Trong bối cảnh giao thông những năm gần đây ngày càng phức tạp khi số lượng phương tiện giao thông liên tục gia tăng nhưng đường sá chưa kịp được mở rộng, vai trò của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) không chỉ đơn thuần là điều tiết, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông bằng các biện pháp truyền thống, mà hơn hết là phải ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin. Đây được xem như giải pháp mới cho các vấn đề “truyền thống” trong quản lý trật tự ATGT, mở ra những tiềm năng lớn trong việc xây dựng một xã hội văn minh, an toàn.
Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát, xử lý vi phạm bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, sẽ tiếp tục đầu tư, lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông tại các giao lộ trọng điểm, tuyến đường thường xảy ra TNGT để tăng cường phạt nguội các trường hợp cố tình vi phạm giao thông.
Ngoài ra, việc chuyển đổi từ quản lý, kiểm soát các loại giấy tờ (căn cước công dân, giấy phép lái xe…) sang giấy tờ điện tử (VNeID) cũng góp phần thuận tiện hơn trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông; giúp lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ, tra cứu nhanh chóng lịch sử phương tiện, tước hoặc trừ điểm giấy phép lái xe trên môi trường điện tử.
Không chỉ vậy, Cục CSGT đang thí điểm (tại một số địa phương trên cả nước) app VneTraffic, cho phép người dân gửi phản ánh về các hành vi vi phạm giao thông, nhất là cung cấp hình ảnh, video làm bằng chứng, hỗ trợ lực lượng CSGT trong tuần tra kiểm soát, xử lý. Tại Đồng Nai, hiện việc này người dân có thể gửi trực tiếp đến trang Facebook của Công an tỉnh hoặc Phòng CSGT Công an tỉnh. Nhờ vậy, việc xử lý vi phạm trật tự ATGT được thực hiện chặt chẽ, không bỏ sót tuyến, địa bàn.
Thực tế trong thời gian vừa qua, đã có nhiều trường hợp vi phạm trật tự ATGT được camera của người dân, cơ quan khác ghi lại rồi cung cấp cho CSGT để xử lý nhanh chóng.
Như ngày 14-4, Phòng CSGT Công an tỉnh đã có văn bản gửi Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh về 2 trường hợp xe tải cố tình vượt qua đường sắt khi tàu hỏa gần đến và tông gãy cần chắn tự động xảy ra cùng tại đường ngang Km1684+780 vào ngày 9 và 12-4, tại huyện Trảng Bom. Cả 2 trường hợp đều được camera của ngành được sắt ghi lại rồi cung cấp cho cơ quan chức năng.
Trước đó, chiều 6-4, Trạm CSGT Suối Tre (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh) lập biên bản vi phạm hành chính với nữ tài xế V.N.H.T. (35 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc) vì lái xe bán tải biển số 60C-653.18 đi ngược chiều trên đường Hồ Thị Hương (thành phố Long Khánh).
Ông Lưu Minh Vũ (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) chỉ rõ: “Việc lực lượng CSGT ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông sẽ góp phần tạo nên môi trường giao thông an toàn, văn minh. Thông qua đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân cũng được nâng cao, vì bất kỳ hành vi vi phạm nào cũng có thể được cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng xử lý kịp thời, không bỏ lọt vi phạm”.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển về hạ tầng giao thông
Để đảm bảo ATGT bền vững trong kỷ nguyên mới, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh phát triển về hạ tầng giao thông. Theo đó, bên cạnh việc tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai hoàn thành hàng loạt dự án trọng điểm như: các đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Bến Lức, Dầu Giây - Liên Khương, Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng tập trung sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường tỉnh; kiến nghị triển khai giải pháp đảm bảo ATGT tại các nút giao, giao lộ trọng điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông như: ngã tư Vũng Tàu, nút giao cổng 11…
Văn minh giao thông cho hành trình an toàn
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin thì giải pháp căn cơ để đảm bảo trật tự ATGT vẫn là xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật, văn hóa giao thông, văn minh khi tham gia giao thông. Đây cũng là chủ đề của năm ATGT 2025 được UBND tỉnh Đồng Nai đề ra là “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai”.
Để làm được việc này, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan là Ủy viên Ban ATGT tỉnh, ban ATGT các huyện, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý là nhiệm vụ kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thực, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức và người dân về bảo đảm trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Huy Khánh cho hay, ngành giáo dục Đồng Nai đã thường xuyên vận động, khuyến khích học sinh đi học bằng phương tiện giao thông công cộng, xe đưa đón học sinh, xe đạp đến trường để giảm bớt phương tiện cá nhân trên đường. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động ngoại khóa trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành lái xe gắn máy, xe máy điện an toàn cho học sinh THPT. Từ đó hình thành nên ý thức, nhận thức, kỹ năng tham gia giao thông ngay từ lứa tuổi học sinh.
Mặc dù vậy, với tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp với ẩn họa về TNGT, bên cạnh việc xây dựng ý thức chấp hành các quy định pháp luật giao thông cho người dân, vẫn cần sự “cứng rắn” từ phía lực lượng chức năng. Vì việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập trật tự, kỷ cương và xây dựng một môi trường giao thông an toàn.
Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn đã yêu cầu lực lượng CSGT toàn tỉnh tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ, bố trí tập trung kiểm soát liên tuyến quốc lộ, đường tỉnh qua Đồng Nai. Nhất là các “điểm đen” về tai nạn, các điểm bất cập về tổ chức giao thông để kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm về trật tự ATGT. Cùng với đó, phối với các đơn vị liên quan xử lý nghiêm các đối tượng thanh thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; bố trí lực lượng, phương tiện phân luồng, điều tiết từ xa, giải quyết ùn tắc, hướng dẫn phương tiện tại các nút giao phức tạp…
Trên thực tế, đảm bảo ATGT là nhiệm vụ lâu dài và phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Sự phối hợp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, toàn dân không chỉ là giải pháp, mà còn là chìa khóa vàng để đạt được mục tiêu này một cách bền vững. Bằng sự chung tay, góp sức của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh và hiện đại, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng
Để thu hút người dân đi xe buýt, giảm sử dụng phương tiện đi lại cá nhân, Đồng Nai đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, chú trọng đầu tư các phương tiện xe buýt công cộng mới, hiện đại để thay thế những chiếc xe buýt cũ, quá hạn sử dụng nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời, hỗ trợ các DN vận tải khách công cộng bằng xe buýt nâng cao chất lượng dịch vụ như: đầu tư phương tiện, mở luồng tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xe buýt. Đặc biệt, Đồng Nai đã có phương án kết nối tuyến metro từ Suối Tiên về Đồng Nai.
Đăng Tùng