Tránh xe máy đi ngược chiều, ngã trúng xe ben và tử vong: Trách nhiệm pháp lý của các bên ra sao?

Tránh xe máy đi ngược chiều, ngã trúng xe ben và tử vong: Trách nhiệm pháp lý của các bên ra sao?
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 14-5, trên quốc lộ 1 hướng từ TP.HCM đi miền Tây, một tai nạn xảy ra khiến người phụ nữ bị xe ben cán tử vong tại chỗ.
Theo hình ảnh trích xuất từ camera an ninh gần hiện trường, nguyên nhân ban đầu được xác định do một người điều khiển xe máy đi ngược chiều trên quốc lộ 1.
Khi thấy xe này lao tới, một người đàn ông đang chở theo một phụ nữ lưu thông đúng chiều buộc phải đánh lái để tránh va chạm. Cú tránh bất ngờ khiến xe mất thăng bằng và ngã xuống đường.
Cùng thời điểm, một xe ben chạy cùng chiều từ phía sau lao đến và không kịp xử lý tình huống, đã cán trúng người phụ nữ, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Lực lượng chức năng có mặt điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Ảnh: CTV
Việc tránh xe máy đi ngược chiều, ngã trúng xe ben và không may tử vong sẽ ràng buộc trách nhiệm của những người liên quan và vấn đề bồi thường ra sao? Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia:
Luật sư ĐÀO THỊ BÍCH LIÊN, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Người đi ngược chiều gây tai nạn có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM
Hành vi điều khiển xe máy đi ngược chiều không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật giao thông đường bộ mà còn có thể là nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả chết người.
Căn cứ Điều 13 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, người tham gia giao thông phải tuân thủ về việc sử dụng làn đường.
Về xử lý hành chính, người điều khiển xe gắn máy đi ngược chiều (gây tai nạn giao thông) sẽ bị phạt tiền từ 10-14 triệu đồng và bị trừ 10 điểm trên giấy phép lái xe theo quy định tại điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024.
Trong trường hợp xác định người điều khiển xe máy đã đi ngược chiều, không đúng phần đường, làn đường theo quy định, từ đó gây ra tình huống nguy hiểm khiến một người điều khiển xe máy đi đúng chiều phải đánh lái để tránh va chạm, dẫn đến mất thăng bằng và ngã xuống đường, thì đây được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng có thiệt hại về sinh mạng...
Do đó, hành vi điều khiển xe máy đi ngược chiều trong trường hợp này không chỉ vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, mà còn có dấu hiệu cấu thành tội phạm. Cụ thể, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS hiện hành về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Ngoài trách nhiệm hành chính hoặc hình sự, người điều khiển xe máy đi ngược chiều còn phải bồi thường thiệt hại do nạn nhân và gia đình họ theo các Điều 590, 591, 601 BLDS 2015...
Đối với trách nhiệm của các bên liên quan khác:
- Người điều khiển xe máy chở theo nạn nhân: Nếu xác định người này điều khiển xe đúng tốc độ, đúng phần đường, và hành động đánh lái là tình huống bất khả kháng, thì sẽ không bị xem là có lỗi.
- Tài xế xe ben: Nếu tài xế đi đúng phần đường, đúng tốc độ , việc gây ra tai nạn không thể tránh được vì khoảng cách quá gần, thì không thể xử lý về hành chính, hình sự, dân sự.
- Người chạy xe máy đúng chiều: nếu đi đúng tuyến đúng làn, đúng tốc độ, xử lý tình huống phù hợp... thì hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm pháp lý nào.
Án giao thông, ranh giới giữa bị cáo và bị hại có khi rất mong manh. Do đó, việc lập biên bản hiện trường, xác định chính xác vị trí va chạm, biển báo đường, yếu tố lỗi... của các bên là rất quan trọng.
Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định cả người điều khiển xe máy và tài xế xe ben đều có lỗi - dù mức độ khác nhau - thì đây được xem là lỗi hỗn hợp. Cụ thể, người đi xe máy có thể vi phạm các quy định như đi không đúng làn đường, không đúng tốc độ, trong khi tài xế xe ben có thể có lỗi do thiếu quan sát hoặc không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn.
Nếu lỗi của cả hai bên được xác định là lỗi vô ý và có mối quan hệ nhân quả dẫn đến hậu quả chết người, thì ngoài việc bị xử phạt hành chính theo quy định về trật tự an toàn giao thông, các bên còn phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân theo tỉ lệ lỗi.
Căn cứ Điều 587 BLDS 2015, trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Như vậy, nếu nạn nhân tử vong, thì tùy theo mức độ lỗi được xác định trong quá trình điều tra, các bên có liên quan đều phải cùng nhau bồi thường một phần thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình nạn nhân.
Luật sư NGUYỄN THỊ TRÚC, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Cần xem xét cẩn trọng các chứng cứ khách quan
Luật sư Nguyễn Thị Trúc
Khi giải quyết vụ tai nạn này, cơ quan chức năng cần xem xét đến các yếu tố như mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi đi ngược chiều và hậu quả tử vong; yếu tố lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều như: Vận tốc, Có giấy phép lái xe hay không, Có nồng độ cồn hay không...
Nếu chứng minh được rằng hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi ngược chiều là nguyên nhân chính (trực tiếp hoặc gián tiếp) để người đàn ông kia xử lý đánh tay lái né tránh xe ngược chiều làm cho xe ngã và người phụ nữ ngồi sau xe té ngã ra đường đồng thời bị phương tiện giao thông phía sau cán qua người dẫn đến tử vong thì người đi xe máy ngược chiều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 260 BLHS hiện hành, tùy vào các tình tiết định khung khác (như: lỗi, nhân thân, hậu quả...).
Để xác định chính xác trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra cần xác định lỗi của các bên tham gia giao thông, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, thông qua các chứng cứ khách quan như:
Hình ảnh, video trích xuất từ camera an ninh, camera hành trình;
Lời khai của các nhân chứng có mặt tại hiện trường; lời khai của các bên tham gia giao thông
Sơ đồ hiện trường, vết phanh,dấu vết va chạm hướng di chuyển của các xe, kết luận giám định phương tiện, kết luận giám định pháp y…,;
Các yếu tố khác như tốc độ xe ben, khoảng cách, phản ứng của người điều khiển xe gặp tình huống nguy hiểm...
Chỉ khi các yếu tố này được làm rõ, mới có thể đánh giá toàn diện trách nhiệm pháp lý và đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuân thủ luật giao thông để an toàn pháp lý khi có sự kiện bất ngờ
Từ những thông tin trên, chưa đủ căn cứ để xác định lỗi của các bên tham gia giao thông trong tình huống này. Tuy nhiên, có thể đặt ra các giả thiết sau:
Luật sư Trương Văn Tuấn
- Đối với xe máy đi ngược chiều:
Trong trường hợp hai xe máy có sự va chạm nhau, thì có thể xác định là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc xe máy bị nạn mất thăng bằng ngã ra rồi va chạm với xe tải, thì người điều khiển xe máy đi ngược chiều đã vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Khoản 1 Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về “Quy tắc chung”: “Người tham gia giao thông đường bộ phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành báo hiệu đường bộ và các quy tắc giao thông đường bộ khác”.
Trong giả thiết này, người đi xe máy ngược chiều có thể bị truy cứu về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS hiện hành).
Nếu hai xe máy không va chạm nhau thì xe máy đi ngược chiều vẫn có thể bị xem là nguyên nhân gián tiếp gây ra tai nạn và phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc dân sự tùy theo mức độ lỗi và hậu quả.
- Đối với xe ben:
+ Trường hợp xe ben lấn vào làn đường dành cho xe thô sơ, chạy quá tốc độ cho phép, không giữ khoảng cách an toàn, không làm chủ tốc độ; sau đó tai nạn xảy ra, có thiệt hại sinh mạng... thì tài xế điều khiển xe ben có một phần lỗi do vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tại các Điều 12 về “Chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe”, Điều 13 về “Sử dụng làn đường”: Tài xế xe ben có thể phải chịu trách nhiệm trách nhiệm hình sự...
+ Trường hợp xe ben không lấn vào làn đường dành cho xe thô sơ, không chạy quá tốc độ cho phép, giữ khoảng cách an toàn, làm chủ tốc độ khi tham gia giao thông thì tai nạn dẫn đến người phụ nữ tử vong không có lỗi của tài xế điều khiển xe ben do được xem là sự kiện bất ngờ, bất khả kháng, tài xế xe ben không thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước.
Việc tuân thủ luật giao thông sẽ đảm bảo an toàn pháp lý cho mọi người khi có sự cố giao thông bất ngờ xảy ra trên đường.
Chính phủ đã đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao nghiên cứu xây dựng án lệ cho một số tình huống tai nạn giao thông điển hình, như đi ngược chiều trên cao tốc, đi xe máy vào cao tốc theo hướng bảo vệ người đi đúng quy định. Điều này thể hiện định hướng chính sách tư pháp rõ ràng bảo vệ người tuân thủ pháp luật, tạo cơ sở pháp lý thống nhất và có giá trị dẫn chiếu trong xét xử, giải quyết các khoảng trống pháp lý trong thực tiễn xử lý tai nạn giao thông...
Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM
THẢO HIỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/tranh-xe-may-di-nguoc-chieu-nga-trung-xe-ben-va-tu-vong-trach-nhiem-phap-ly-cua-cac-ben-ra-sao-post850080.html