Cạm bẫy tiền cọc du khách cần cảnh giác
Các đối tượng lừa đảo thường lập fanpage Facebook giả danh khách sạn thật, chạy quảng cáo rầm rộ để thu hút du khách. Chúng đưa ra các ưu đãi hấp dẫn, giá rẻ hơn so với mức giá chính thức nhằm tạo niềm tin. Khi khách có nhu cầu đặt phòng, kẻ gian yêu cầu chuyển tiền cọc từ 50-70% giá trị phòng vào tài khoản cá nhân.
Không dừng lại ở đó, sau khi nhận tiền cọc lần đầu, chúng tiếp tục viện lý do hệ thống gặp sự cố và yêu cầu khách chuyển thêm tiền để đảm bảo đặt phòng. Thậm chí, nhiều trường hợp còn bị dẫn dụ vào đường link giả danh "bộ phận kế toán khách sạn", yêu cầu cung cấp thông tin ngân hàng để "hoàn tiền", khiến nạn nhân bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản.
Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại tài chính cho du khách mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các khách sạn cũng như hình ảnh du lịch địa phương. Nhiều khách hàng khi phát hiện bị lừa đã liên hệ khách sạn thật, dẫn đến tình trạng khiếu nại, gây rối tại cơ sở lưu trú.
Trang giả mạo (phải) gần giống trang thật của khách sạn Ana Mandara Cam Ranh. (Ảnh chụp màn hình/Pháp luật TP.HCM)
Đ.T.L (23 tuổi, Hà Nội) đã cùng bạn đặt phòng đi du lịch ở Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La). Sau khi tham khảo các homestay có view đẹp, bạn Đ.T.L đã cùng bạn đặt phòng tại một homestay có tên là C.H Homestay Tà Xùa. Theo lời của L, trang này có hơn 20 nghìn lượt theo dõi và rất nhiều tương tác, vì vậy, L cùng bạn đã chủ động nhắn tin cho fanpage để hỏi về dịch vụ thuê phòng. Trong quá trình nhắn tin trao đổi, những đối tượng lừa đảo nhắn tin rất bài bản, sử dụng những tin nhắn tự động để tạo sự chuyên nghiệp.
Sau một thời gian tư vấn, thấy giá cả phù hợp nên L cùng bạn quyết định chốt lịch đặt phòng. Khi đó, đối tượng lừa đảo đã sử dụng một tài khoản ngân hàng có tên Công ty TNHH để yêu cầu L và bạn chuyển tiền cọc phòng. Vì số tài khoản ngân hàng là tên của công ty nên L và bạn rất tin tưởng, chuyển khoản 100% tiền phòng là 760.000 nghìn đồng.
Với chiêu trò tinh vi, các đối tượng không chỉ lừa đảo một lần mà còn tiếp tục lừa khách chuyển khoản lần hai. “Sau khi giao dịch chuyển khoản tiền phòng, đối tượng lừa đảo đã lấy lý do chúng tôi chuyển khoản sai nội dung nên không thể hoàn tất thủ tục cọc phòng, để chắc chắn chốt được phòng, chúng tôi phải chuyển khoản lại tiền và ghi nội dung chuyển khoản theo mã mà các đối tượng lừa đảo cung cấp.
Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản xong, các đối tượng lừa đảo nói rằng chúng tôi phải đợi 10 ngày sau mới nhận lại được tiền cọc phòng đã chuyển nhầm, còn muốn lấy ngay thì phải chuyển thêm 4 triệu đồng để kế toán công ty làm thủ tục hoàn cọc. May mắn chúng tôi không có nhu cầu lấy lại tiền cọc ngay nên không chuyển khoản tiếp”, bạn Đ.T.L cho hay.
Đoạn tin nhắn trao đổi của nạn nhân đối với đối tượng lừa đảo. (Ảnh: NVCC/Báo Lao động)
Tới ngày đi du lịch, lên homestay nhận phòng, L mới phát hiện mình bị lừa vì homestay thông báo đã kín phòng từ lâu và trang fanpage mà L đặt phòng là fanpage giả mạo.
Cũng giống như L, chị C (trú tại Sơn Tây, Hà Nội) đã đặt phòng tại trang Facebook giả mạo khách sạn tại Tam Đảo. Chị đã chuyển hơn 10 triệu đồng để đặt cọc tiền phòng nhưng khi đến khách sạn thì được thông báo không có tên đặt phòng của mình. Khi kiểm tra lại thì chị phát hiện đã đặt nhầm tại trang Facebook giả mạo.
Trước đó, tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 11/11, nhiều đơn vị kinh doanh lưu trú phản ánh tình trạng bị mạo danh để lừa tiền khách đặt phòng. Theo thống kê, đến nay đã có ít nhất 15 khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Nha Trang bị làm giả fanpage, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho du khách.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết cơ quan này đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an tỉnh để điều tra. Đồng thời, Sở cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý các trang giả mạo, đồng thời tăng cường truyền thông cảnh báo du khách.
Làm sao để tránh rơi vào bẫy lừa đảo?
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng khi đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn thông qua các nền tảng mạng xã hội. Kiểm tra và xác minh kỹ thông tin về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp dịch vụ.
“Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc đối với những khách sạn, nhà nghỉ ít được nhiều người biết đến. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với các đơn vị chức năng để kịp thời ứng phó và ngăn chặn hành vi lừa đảo”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ đặt phòng nghỉ trên mạng, nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân hoặc các trang đặt phòng, khách sạn uy tín; đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ.
Người dân nên kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, lấy số điện thoại của khách sạn gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc; cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn so với giá chung của thị trường.
Theo Luật sư Mai Anh Hiếu - Văn phòng Luật sư Kết Nối, việc giả mạo Facebook hoặc trang web khách sạn để lừa đảo tiền cọc đang trở thành một hình thức phạm tội ngày càng phổ biến trong thời đại số. Những kẻ lừa đảo thường tạo lập các tài khoản mạng xã hội hoặc website có giao diện, logo và thông tin tương tự với các khách sạn nổi tiếng, thậm chí còn sử dụng quảng cáo trả phí để tăng độ tiếp cận với khách hàng. Các đối tượng này thường tung ra các chương trình khuyến mãi "không tưởng" hoặc giảm giá mạnh, từ đó lôi kéo khách hàng chuyển khoản tiền cọc để giữ chỗ. Tâm lý “sợ hết phòng” hoặc bị bỏ lỡ cơ hội giá rẻ khiến nhiều khách hàng thiếu cảnh giác, nhanh chóng thực hiện thanh toán mà không xác minh thông tin. Sau khi nhận được tiền, kẻ gian lập tức chặn liên lạc hoặc biến mất, để lại cho nạn nhân sự hoang mang, thiệt hại tài chính, và đôi khi cả kế hoạch du lịch bị phá hỏng hoàn toàn.
Hành vi này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho nạn nhân mà còn gián tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của các khách sạn bị giả mạo. Khi khách hàng không phân biệt được thật giả, họ dễ lầm tưởng rằng khách sạn thật liên quan đến vụ lừa đảo, từ đó làm giảm lòng tin vào doanh nghiệp. Các khách sạn bị tổn hại uy tín sẽ gặp khó khăn không chỉ trong việc phục hồi hình ảnh mà còn mất đi cơ hội hợp tác với những khách hàng tiềm năng trong tương lai.
Luật sư Mai Anh Hiếu - Văn phòng Luật sư Kết Nối
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi này được xác định là tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản." Nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 6 tháng đến 20 năm tù giam hoặc chung thân, tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt và mức độ nghiêm trọng của hành vi. Trường hợp số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng nhưng hành vi có tính chất chuyên nghiệp hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hậu quả của hành vi lừa đảo không chỉ dừng lại ở thiệt hại vật chất mà còn làm suy giảm lòng tin vào các giao dịch trực tuyến, vốn là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Để tránh trở thành nạn nhân, khách hàng cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Hãy chỉ thanh toán qua các kênh chính thức đã được xác thực từ phía khách sạn, và nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, nên liên hệ trực tiếp qua số điện thoại hoặc email chính thức để xác minh. Trong trường hợp phát hiện hành vi lừa đảo, nạn nhân cần báo cáo ngay với cơ quan chức năng hoặc trung tâm hỗ trợ an ninh mạng để được hỗ trợ kịp thời.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động đăng ký bảo vệ thương hiệu số và thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động trên không gian mạng để phát hiện kịp thời các trường hợp giả mạo. Các khách sạn cũng nên phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, vừa bảo vệ khách hàng vừa giữ gìn uy tín cho doanh nghiệp. Hành vi giả mạo và lừa đảo không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là bài học về sự cảnh giác trong thời đại số hóa, nơi mà mỗi cá nhân đều cần nâng cao nhận thức để bảo vệ tài sản và quyền lợi của mình.
Thiên Trang