Trong thời kỳ chiếm đóng của Đức Quốc xã (ĐQX) trên đất Pháp, bà Gatet tham gia vào mạng lưới kháng chiến có tên Hội anh em Đức Mẹ (BOL) trong vai trò giao liên cho phong trào Nước Pháp Tự do. Gatet chủ yếu tuyên truyền và trao đổi thông tin giữa nước Pháp và các nước láng giềng. Không may bị cảnh sát Đức phát giác, Gatet bị bắt giữ vào đêm 10/6/1942 và bị đày ải trong một số ngục tù trước khi bị chuyển đến trại tập trung Auschwitz và bị hành hình ở đó.
Sự nghiệp xuất sắc thuở đầu đời
Laure Constance Pierrette Gatet sinh ở Boussac-Bourg (Creuse, Pháp) vào ngày 19/7/1913. Gia đình bà có truyền thống hiếu học khi mẹ và dì cùng theo học trường nữ sinh trung học, sau đó họ lấy được bằng tốt nghiệp trung học cùng chứng chỉ năng lực. Cha bà Gatet làm giáo viên, thanh sát viên và giám đốc các trung tâm đào tạo. Ở bậc tiểu học, Gatet học rất giỏi. Trong giai đoạn 1920 đến 1924, lần đầu tiên bà học tại trường tiểu học dành cho nữ sinh ở La Villeneuve, rồi sau đó học tại trường ở Boussac-Ville năm 1925. Tháng 4/1925, bà tham gia trường cao đẳng dành cho nữ sinh ở Aurillac (Canatal).
Suốt sự nghiệp học tập của mình, Gatet đã giành được một số giải thưởng đáng tự hào. Tháng 2/1926, với thành tích tốt nghiệp xuất sắc, Gatet đã được thưởng một chiếc xe đạp. Khi tốt nghiệp trung học, Gatet có điểm số toán và tiếng Anh rất cao. Bà cũng xuất sắc trong các môn văn học, vật lý, hóa, sử học và địa lý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Latinh, và nghệ thuật thị giác.
Trại tập trung Auschwitz - nơi nữ chiến sĩ Gatet bị sát hại.
Ngày 11/7/1930, Gatet đã vượt qua loạt bài kiểm tra A, B trong những cuộc thi đầu tiên để lấy bằng tú tài tại Đại học Bordeaux. Tháng 4/1931, Gatet được bầu làm chủ tịch “Horizon”, một dạng hợp tác xã được lập ra để tăng cường liên kết giữa các sinh viên, cũng như tổ chức nhiều dạng câu lạc bộ văn hóa khác nhau. Gatet quyết định theo học dược sĩ bởi đây là ngành khoa học phổ biến nhất ở bậc cử nhân tại thời điểm đó. Bà trải qua một kỳ thực tập bắt buộc kéo dài suốt 1 năm (7/1931-10/1932) với sự dìu dắt của ông Pasquet - chủ hiệu thuốc trung tâm thành phố đặt ở Perigueux. Sau thời gian thực tập tại Pháp, Gatet tiếp tục học tập tại Khoa dược của Đại học Bordeaux, nơi đây bà đã nhận bằng dược sĩ vào năm 1936. Cùng lúc đó, bà bắt đầu chuẩn bị lấy bằng Khoa học tự nhiên tại khoa Khoa học của đại học này.
Tháng 6/1935, Gatet lấy các chứng chỉ khoáng vật học, hóa sinh học trong tháng 6/1936 và thực vật học vào tháng 6/1938. Rồi thì Gatet nhận ra mình không thích nghề dược sĩ bán thuốc và quyết định dấn thân sang ngành hóa sinh, và đến cuối năm 1936, bà chấp nhận làm việc tại Phòng thí nghiệm hóa sinh lý của Giáo sư Louis Genevois tại khoa Khoa học. Trong thời gian ở đây, Gatet đã dành hết tâm huyết cho luận án của mình cùng việc cộng tác trong những bài báo khoa học với các đồng nghiệp khác, cụ thể là ông Pierre Cayrol - một chuyên gia về nấm men kiêm cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ trong cùng phòng thí nghiệm.
Luận án của Gatet đề cập đến sự trưởng thành của cây nho theo thời gian. Vốn có ông nội là nhà sản xuất rượu vang nên chủ đề này đặc biệt thu hút sự quan tâm của Gatet. Dựa trên 3 loại nho trắng và đỏ được thu thập từ giữa năm 1936 và 1938 mà Gatet đã làm ra nhiều chế phẩm, hỗn hợp và phương pháp để tiến hành nghiên cứu này suốt 2 năm sau đó.
Gatet bảo vệ luận án của mình vào ngày 23/2/1940. Văn phòng rượu vang quốc tế (IOW) đã công nhận công trình nghiên cứu của Gatet vào ngày 12/6/1946 (sau khi bà qua đời) với số tiền 5.000 Franc. Từ năm 1931 đến 1938, do không có việc làm nên Gatet được gia đình chu cấp tiền bạc. Trong giai đoạn học thuật từ 1938 - 1939, Quỹ Schutzenberger đã trao khoản học bổng trị giá 10.000 Francs với thời hạn 1 năm cho Gatet. Sau đó, Gatet được Quỹ nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cấp một nửa học bổng với số tiền 12.500 Franc. Ngoài ra, Gatet còn đoạt được nhiều học bổng khác.
Tham gia kháng chiến
Trước Thế chiến II, tại Bordeaux, Gatet đã gặp một nhóm người Công giáo do đức Cha Antoine Dieuzayde (một linh mục Dòng Tên) dẫn đầu tại hội sảnh Henri Bazire. Nhiều người trong số họ làm việc tại trại hè Công giáo do vị cha xứ thành lập đặt ở một nơi gần Bareges, ông cũng tổ chức để hỗ trợ cho những dân tị nạn từ Nội chiến Tây Ban Nha. Nhóm này được gọi là “Barégeois Bordeaux”. Tháng 6/1940, Cha Dieuzayde và phần lớn thành viên trong nhóm đã tìm cách kháng Đức. Gatet thường xuyên có mặt tại những buổi gặp mặt này.
Vào đêm 19 và rạng ngày 20/6/1940, Gatet ở Bordeaux với người cô của mình khi cuộc đánh bom giữa khuya bắt đầu. Theo lời làm chứng của người mẹ bà có từ năm 1955 rằng “vào lúc đó, con gái tôi, Laure, vẫn còn đinh ninh rằng nước Pháp sẽ được cứu. Con bé không chấp nhận sự chiếm đóng, thường vào đêm khuya khoắt, con bé hay khóc”.
Gatet trở về sống với người cô Marie Laure tại Bordeaux khi Đức Quốc xã (ĐQX) bắt đầu chiếm đóng thành phố này vào đầu tháng 10/1940. Từ thời khắc đó, bà bắt đầu hoạt động tuyên truyền chống lại ĐQX thông qua ông Pierre Cayrol. Tháng 1/1941, Gatet gia nhập mạng lưới cách mạng và cung cấp thông tin cho tổ chức kháng chiến Confrerie Notre-Dame (CND) được đứng đầu bởi chỉ huy Jean Fleuret tại Bordeaux. Bà tiếp tục các hoạt động tuyên truyền chống lại thế lực chiếm đóng.
Năm 1982, GS Louis Genevois viết rằng Laura Gatet đã tạo ra tuyên truyền theo chủ nghĩa Gaullist - một hoạt động nguy hiểm khiến thư ký riêng của bà phải sợ hãi. Gatet và các đồng đội trong mạng lưới CND đã tập trung gặp nhau vào mỗi sáng chủ nhật tại Victor Hugo Bordeaux. Họ trao đổi thông tin lẫn nhau. Tiếp đó, những thông tin này sẽ được gửi đến London để trao cho các điệp viên tại khu tự do hoặc ngay biên giới Anh.
Gatet giấu kỹ những tài liệu tuyệt mật trong các hộp bột nở. Bà nhận được giấy thông hành cho phép vượt biên để thăm cha mẹ mình ở Perigueux. Trong những lần thăm thân này, Gatet thường xuyên bị khám xét, song bọn Đức không thể tìm thấy bất kỳ giấy tờ nào khả nghi để buộc tội bà. Tuy nhiên, ngày 10/6/1942, Laure Gatet và 33 thành viên khác của mạng lưới CND đã bị bắt giữ. Ông Pierre Cartaud (sĩ quan giao liên của CND ở Paris) bị bắt vào ngày 29 hoặc 30/5/1942, và phải nhận tội sau khi bị tra tấn. Khoảng 5 giờ sáng, 3 sĩ quan của Sicherheitsdienst (SD, một cơ quan của lực lượng SS) ăn mặc như dân sự Pháp đã đến bắt Gatet. Bọn chúng lục soát khắp ngôi nhà suốt 3 hay 4 tiếng đồng hồ, sau đó đưa bà đi.
Sau khi bị bắt, Gatet bị chuyển đến doanh trại ở Boudet, sau đó là Bordeaux. Bị giam giữ tại đó suốt 3 ngày và mặc dù trải qua vài lần thẩm vấn nhưng Gatet kiên quyết không hé môi bất kỳ ai. Vào ngày Gatet bị bắt giữ (10/6/1942) người cô Marie Laure đã đến đồn cảnh sát trung tâm để đưa tin và sau đó bà ghé trụ sở quân đội ở Bordeaux. Một viên sĩ quan báo với bà Marie Laure về nơi giam giữ bà. Marie Laure cố gắng phóng thích cháu gái mình song không thành công. Trong một báo cáo khác (đề ngày 29/6/1942), Gatet được cho là đã trở về Bordeaux. Ngày 3/7/1942, bà Marie Laure nhận một lá thư cho biết rằng người cháu gái bà đang bị giam tại ngục thất La Sante ở Paris.
Gatet ở tại nhà tù này kể từ ngày 14/6/1942 và bà giữ liên lạc với gia đình suốt một thời gian dài. Gatet chưa từng thổ lộ với thân nhân về hoàn cảnh của mình trong tù và có vẻ ung dung đáng ngạc nhiên. Ngày 8/9/1942, một trong những lá thư mà Gatet gửi cho người cô Marie Laure có đề cập đến Pierre Cartaud và trách nhiệm phá vỡ mạng lưới kháng chiến của ông ta. Ngày 12/10/1942, bà bị chuyển đến nhà tù Fresnes và không thể truyền tin tức cho gia đình mình được nữa. Rồi bà lại được chuyển tới Fort Romainville (ngày 12/1/1943). 7 ngày sau đó, bà viết thư gửi cho gia đình nói rằng bản thân “rất ổn”.
Chân dung Laure Gatet năm 1940.
Bị chuyển đến Auschwitz
Ngày 23/1/1943, Laure Gatet và 121 tù nhân bị giam giữ tại pháo đài Romainville đã được chuyển đến trại Royallien ở Compiegne cùng với hàng trăm phạm nhân khác từ nhiều nhà tù khác nhau tại các vùng bị quân Đức chiếm đóng. Đoàn xe đặc biệt này đã thu thập hầu hết các thành viên trí thức hoặc họ hàng của PCF (Danielle Casanova và Charlotte Delbo nằm trong số họ) cùng một số người theo chủ nghĩa Gaullist gồm cả Laure Gatet.
Ngày hôm sau, hơn 230 người đã được mang tới ga Compiegne trên những chiếc xe tải và đưa lên tàu hỏa cùng với 1.200 nam tù nhân (đã được nhét lên tàu vào ngày hôm trước) để cùng bắt đầu chuyến đi kéo dài 3 ngày. Suốt chuyến đi, nhiều người bị cảm lạnh và suy dinh dưỡng. Đàn ông bị đưa tới trại tập trung Oranienburg thuộc vùng ngoại ô Berlin, trong khi phụ nữ vẫn tiếp tục đi tới Ba Lan và Auschwitz.
Những người đàn bà (thường là thành phần cách mạng) đã không đến trại hủy diệt mà đi thẳng tới trại tập trung Ravensbruck. Giới sử gia vẫn đau đầu trong việc giải thích trường hợp ngoại lệ này (chỉ có 2 đoàn xe “chính sách” đi tới Auschwitz) ngoại trừ việc này có vẻ là một lỗi hành chính nào đó. Khi những toa tàu mở ra, Gatet và những nữ phạm nhân khác được bọn lính Đức đưa đến trại phụ nữ Birkenau. Khi họ đến đây mới biết rằng mình có chút may mắn, họ hát vang bài La Marseillaise.
Gatet được xăm hình trên cẳng tay trái và lấy số đăng ký 31833 và thực hiện một số bài kiểm tra. Với những nữ phạm nhân khác trong đoàn xe chở tù, Gatet bị cách ly ở Khu 14, được giao những việc lặt vặt và ăn uống thiếu dinh dưỡng. Chính thứ này đã đủ giết chết những phạm nhân lớn tuổi. Những người sống sót được chuyển đến trại chính để chụp ảnh nhân trắc học.
Điều kiện sống trở nên tồi tệ hơn đối với hầu hết tù nhân. Kể từ ngày 24/1/1943, bất kỳ hình thức liên lạc nào giữa Gatet và gia đình mình đều bị đứt, trong khi thân nhân cố gắng tìm thông tin về bà trong vô vọng khi đã gửi nhiều thư từ tới các cơ quan công quyền khác nhau. Vào tháng 2/1943, một thư ký đề xuất việc tìm kiếm trong số các tù nhân là những nhà sinh vật học, thực vật học và hóa học nhằm thành lập cái gọi là “Kommando Raisko” - chương trình chịu trách nhiệm cho việc lùng kiếm loài cây bồ công anh mà gốc rễ rất nhiều mủ.
Họ hy vọng tìm ra một thứ có thể thay thế cao su từ cây cao su, một thứ rất thiếu trong ngành công nghiệp Đức vào thời chiến. Gatet qua đời trước khi chương trình này bắt đầu ngay giữa tháng đó. Cảnh sát Đức không gửi cáo phó cho gia đình bà, điều này giải thích việc thiếu chắc chắn về ngày mất chính xác của người quá cố. Hơn 79% nữ phạm nhân trong đoàn xe tù chở Gatet đã bị giết hại trong trại giam.
Vào tháng 4/1945, gia đình bà đã nhiều lần đến khách sạn Lutetia, nơi phần lớn những người Pháp bị trục xuất còn sống sót. Giấy chứng tử của Gatet cuối cùng cũng tới tay thân nhân bà vào ngày 19/12/1946 ở Paris, nó được ghi là “cái chết của nước Pháp” và chính thức đề ngày qua đời của bà là 25/2/1943. Ngày 15/1/1946, một buổi lễ kỷ niệm tôn giáo nhằm tưởng nhớ các nạn nhân thời Kháng chiến đã diễn ra tại nhà thờ lớn Saint Andre ở Bordeaux, cái tên Laure Gatet được nhắc đến trong nghi lễ. Nhiều nhân vật chính trị đã tham dự buổi lễ song không có người cô của bà. Tới ngày 8/3/1946, theo quyết định của Tướng Charles de Gaulle, bà đã được truy tặng Huân chương Chiến tranh 1939-1945. Và ngày 24/5/1947, đích thân Bộ trưởng Chiến tranh Pháp, Paul Coste-Floret, thăng quân hàm Trung úy cho bà.
Gatet cũng được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh vào ngày 10/11/1955 bởi Tổng thống Pháp, Renè Coty, ông cũng trao tặng cho bà Gatet Huân chương Kháng chiến Pháp. Ngày 16/6/1953, Gatet chính thức nhận được quy chế “kháng chiến từ xa” từ Bộ Cựu chiến binh Pháp thể theo yêu cầu của mẹ ruột bà từ 2 năm trước đó. Với sự tôn vinh này, mẹ bà đã nhận được số tiền 60.000 Franc.
Chưa hết, con phố nơi bà bị SS bắt giữ vào ngày 10/6/1942 đã được đặt tên mới là Laure Gatet vào ngày 2/10/1951. Một tượng đài vinh danh bà đã được dựng lên vào tháng 4/1997 ở Boussac - Bourg, gần nơi bà Gatet lớn lên.
Phan Bình (Tổng hợp)