Lấy mục tiêu tăng trưởng làm trọng điểm

Lấy mục tiêu tăng trưởng làm trọng điểm
4 giờ trướcBài gốc
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm để hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế
Những dấu ấn đậm nét
Mới đây, trước khi đi vào những nội dung trọng tâm của phát biểu khai mạc hội nghị triển khai kế hoạch phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh năm 2025, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương đã chia sẻ với đông đảo lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về những điểm sáng của KT-XH của thành phố trong năm 2024. Trong đó, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh đến tốc độ tăng trưởng đạt 8,15%; thu ngân sách trên 13.000 tỷ đồng.
Khó có thể kể hết những dấu ấn trên các lĩnh vực, song một số chỉ dấu như, công tác quy hoạch phát triển đô thị Huế; các công trình, dự án (DA) trọng điểm đi vào hoạt động đã tạo ra những năng lực mới… Từ đó, góp phần giúp tốc độ tăng trưởng của thành phố đạt và vượt kế hoạch, cũng như đóng góp cho ngân sách đáng kể.
Hiện nay, việc xây dựng định hướng phát triển các quy hoạch có liên quan đã định hình và xác định rõ các không gian phát triển, phân định rõ khu vực dồn nén đô thị, không gian bảo vệ cảnh quan, không gian bảo vệ di sản và các khu vực tập trung phát triển các khu chức năng. Với các bài toán quy hoạch cụ thể, đã xây dựng được các khu vực không gian đô thị không làm ảnh hưởng đến các khu vực có di tích, việc này nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa bảo tồn di sản và xây dựng hạ tầng hiện đại.
Theo lãnh đạo thành phố, trên cơ sở định hình các phương án quy hoạch và kịch bản phát triển, Huế đã huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các DA trọng điểm, có tác động lan tỏa, kết nối, tạo không gian, động lực cho sự phát triển.
Ngoài các DA như, Kim Long Motor Huế, AOEN MALL Huế đã đi vào hoạt động, tiến độ các DA như, tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3,... được đảm bảo, đã và sẽ thúc đẩy KT-XH của thành phố phát triển hơn trong thời gian đến.
Liên quan đến cơ cấu kinh tế, quá trình chuyển dịch theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp phù hợp với các lợi thế của địa phương, trong đó, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
“Đối với một đô thị di sản đặc trưng, công tác bảo tồn luôn được đặt lên hàng đầu. Thành phố đã tập trung đầu tư trùng tu, bảo tồn di tích Cố đô Huế; tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống; tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế và chuyên gia để áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến; chú trọng vào phát triển ngành công nghiệp văn hóa nhằm thu hút khách du lịch mà không làm tổn hại đến các di sản”, Chủ tịch UBND thành phố Huế, ông Nguyễn Văn Phương thông tin.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt trên 10%
Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ khẳng định vị thế của Huế, mà còn là cơ sở để kinh tế địa phương có nhiều hơn động lực, cơ hội phát triển.
14 chỉ tiêu chủ yếu năm 2025 được HĐND thành phố thông qua cho thấy, các cấp, các ngành, địa phương cần quyết tâm cao, nỗ lực hơn nữa. Trong đó, ngoài chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với thực tiễn, thành phố đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP từ 8,5 - 9%. “Dù chỉ tiêu tăng trưởng trên 8,5%, song thành phố phải phấn đấu tăng trưởng đạt trên 2 con số. Từng ngành, cấp, đơn vị, doanh nghiệp cần lấy mục tiêu này làm trọng điểm và vạch ra kịch bản, giải pháp phát triển cụ thể để làm thế nào tốc độ tăng trưởng 2025 đạt từ 10% trở lên”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương cho biết.
Hiện nay, các kịch bản phát triển cho năm 2025 đã được thành phố cụ thể hóa. Từng nhiệm vụ đã được giao cho từng đơn vị. Đáng chú ý, thành phố lưu ý đến việc các cơ quan liên quan cần theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các DA trọng điểm, quy mô lớn.
Theo UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế, ông Nguyễn Thanh Bình, các DA cần đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đó là: Nâng cấp, cải tạo đường Quốc lộ 49F, đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Hồng Vân; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An; đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2; đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài… Ngoài ra, hai quận Phú Xuân và Thuận Hóa cần theo dõi, đẩy nhanh tiến độ DA cải thiện môi trường nước; bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2); các DA chỉnh trang phát triển đô thị...
Trong một lần trao đổi về những lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư hiện nay của thành phố, lãnh đạo thành phố thông tin về việc 6 ngành, khu vực chính được ưu tiên. Đó là dịch vụ; công nghiệp; nông, lâm nghiệp và thủy sản; kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa; kinh tế biển và đầm phá; đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư nông thôn.
“Thành phố sẽ tập trung các giải pháp để tăng tốc trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch KT-XH 5 năm. Từ đó, khẳng định vị thế, vai trò là thành phố trực thuộc Trung ương”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương khẳng định.
LÊ THỌ
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/kinh-te/lay-muc-tieu-tang-truong-lam-trong-diem-150349.html