Gia đình ông Đặng Ánh Hoàng ở thôn Hiếu Phong, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng có 4 ha cao su cho thu hoạch hàng chục năm qua. Nhận thấy cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều nên khoảng 8 năm trước, khi kinh tế gia đình tạm ổn định, ông chuyển đổi 1 ha cao su sang trồng sầu riêng. 5 năm sau, cây sầu riêng cho thu hoạch và dần thu hồi lại vốn kiến thiết ban đầu. Hơn 1 năm qua, ông tiếp tục chuyển đổi 1 ha cao su sang trồng sầu riêng Thái. Ông Hoàng cho biết: Nếu nguồn kinh phí dồi dào có thể chuyển đổi cùng lúc diện tích lớn, còn không thì chuyển đổi từng đợt, đảm bảo nguồn thu thường xuyên.
Theo ông Hoàng, trước đó gia đình trồng giống sầu riêng Ri6, dù cho hiệu quả cao nhưng so với giống sầu riêng Thái thì không bằng, do giá sầu riêng Thái luôn cao hơn 20 ngàn đồng/kg. Bởi vậy, thời gian qua, ông chuyển 1 ha cao su sang trồng sầu riêng Thái và khi lứa sầu riêng Thái cho thu hoạch sẽ tiếp tục chuyển đổi 2 ha cao su còn lại. “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng “lấy ngắn nuôi dài” rất an toàn, thu bên này đầu tư bên kia. 1 ha sầu riêng Ri6 mới thu hoạch được 3 năm nhưng cho thu hơn 1 tỷ đồng/3 vụ, còn nếu sầu riêng Thái có thể thu về 3 tỷ đồng/3 vụ. So với cao su, điều thì thu nhập của sầu riêng cao gấp nhiều lần” - ông Hoàng khẳng định.
Ông Đặng Ánh Hoàng ở thôn Hiếu Phong, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng chăm sóc cây sầu riêng 8 năm tuổi của gia đình
Từ vườn cây trồng già cỗi, kém năng suất, giá đầu ra thấp và bấp bênh nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng. Chỉ tính riêng địa bàn xã Bình Tân, nông dân chuyển đổi khoảng 80 ha cao su, điều sang trồng sầu riêng và đến nay nhiều diện tích đã cho thu hoạch, hiệu quả cao và an toàn.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tân Hà Thị Thùy Dung cho biết: Để nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã vận động nông dân chuyển đổi các loại cây điều già cỗi, cao su năng suất thấp sang trồng cây sầu riêng. Bởi 1 ha điều già cỗi chỉ cho thu nhập 30 triệu đồng, trong khi 1 ha sầu riêng cho thu hơn 300 triệu đồng, gấp 10 lần. Tuy nhiên, hội định hướng nông dân không chuyển đổi ồ ạt cùng lúc mà thực hiện từng đợt, không trồng 1 loại cây mà trồng nhiều loại cây để duy trì nguồn thu, đảm bảo an toàn, ứng phó trước diễn biến thị trường phức tạp như hiện nay.
Lãnh đạo xã Bình Tân tham quan mô hình trồng sầu riêng 8 năm tuổi của gia đình ông Đặng Ánh Hoàng
Theo các hộ nông dân, hiệu quả kinh tế cây sầu riêng cao hơn gấp nhiều lần so với cây điều, tiêu, cao su. Tuy nhiên, để thành công không phải ai cũng làm được mà phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thổ nhưỡng, nguồn nước tưới, kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là nguồn tài chính, trong đó cần thực hiện mô hình “lấy ngắn nuôi dài”.
“Lợi nhuận từ sầu riêng là thấy rõ nhưng nếu có dòng tiền ổn định thì nên đầu tư, còn không thì chưa vội. Bởi nếu như cây điều, cao su, tháng này chưa có tiền mua phân, thuốc bảo vệ thực vật để chăm bón thì có thể để tháng sau, nhưng đối với cây sầu riêng thì không. Vì cây sầu riêng rất “khó tính”, bón phân, xịt thuốc phải theo định kỳ, không được chậm trễ. Khi phát hiện nấm bệnh là phải mua thuốc xịt ngay, chỉ cần chậm 3 ngày sẽ thất thu lớn. Vì vậy, bà con cần tính toán kỹ trước khi chuyển đổi, đầu tư loại cây trồng “khó tính” này” - ông Hoàng chia sẻ.
Hữu Phước