Lấy ý kiến vào Đề án thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ

Lấy ý kiến vào Đề án thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ
2 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô phát biểu tại cuộc họp.
Dự hội nghị còn có các đồng chí: Phạm Khắc Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo Đề án, Trường Đại học Điện Biên Phủ được thành lập trên cơ sở nguồn lực của 4 trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Bao gồm: Toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và đất đai, tài sản trên đất của 3 trường Cao đẳng: Kinh tế - Kỹ thuật, Sư phạm, Y tế; một phần đội ngũ, thiết bị phù hợp của Trường Cao đẳng Nghề. Sau khi thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 1 trường đại học và còn 1 trường Cao đẳng nghề.
Định hướng đến năm 2030, Trường Đại học Điện Biên Phủ có quy mô giáo dục đào tạo ổn định với khoảng 500 - 650 sinh viên/1năm và 500 sinh viên/1năm liên kết đào tạo. Giai đoạn 2026 - 2030 ưu tiên mở 6 nhóm ngành với 13 ngành trình độ đại học phục vụ nhu cầu nhân lực gồm: Nhóm ngành đào tạo giáo viên; nhóm ngành du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; nhóm ngành Quản lý tài nguyên và môi trường; nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; nhóm ngành kinh doanh và quản lý; nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin.
Giai đoạn 2030 - 2035, Đại học Điện Biên Phủ mở 8 nhóm ngành với 16 mã ngành đào tạo, mỗi năm tuyển mới từ 1.450 - 1.500 sinh viên đại học chính quy, và khoảng 2.000 sinh viên liên kết đào tạo theo nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đều nhất trí với phương án thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ. Đồng thời, thảo luận về vấn đề kinh phí thành lập Trường; làm rõ các nội dung về đào tạo nguồn nhân lực cho Trường; các quy định, giải pháp, lộ trình trong việc thành lập; lựa chọn các mã ngành đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó tập trung vào các vấn đề khó khăn và giải pháp chuẩn bị đội ngũ giảng viên, đặc biệt là tiến sĩ các môn chuyên ngành. Cùng với đó, lãnh đạo các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh chia sẻ những khó khăn về đội ngũ giảng viên, chất lượng và công tác đào tạo nguồn nhân lực, công tác tuyển sinh; đồng thời, mong muốn có hỗ trợ cho các giảng viên đào tạo nâng chuẩn...
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đề nghị Ban Chỉ đạo Đề án làm rõ hơn phần đánh giá ban đầu nguồn tuyển sinh trên địa bàn tỉnh và một số địa phương lân cận làm sao để mang tính toàn diện; rà soát thêm quy mô, các mã ngành đào tạo của Trường Đại học Điện Biên Phủ cho phù hợp.
Để đảm bảo cho Trường Đại học Điện Biên Phủ đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bổ sung vào Đề án các nội dung mức hỗ trợ và chính sách thu hút giảng viên; bổ sung một phương án về cơ chế tài chính; nêu rõ các hạng mục cần đầu tư thêm về cơ sở vật chất, đăng ký rõ kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2026 - 2030... Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô cũng đề nghị Ban Chỉ đạo sớm hoàn thiện nội dung Đề án trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo.
Tin, ảnh: An Chi
Nguồn Điện Biên Phủ : http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/218299/lay-y-kien-vao-de-an-thanh-lap-truong-dai-hoc-dien-bien-phu