Lễ hội áo dài quảng bá du lịch Hà Nội tới du khách

Lễ hội áo dài quảng bá du lịch Hà Nội tới du khách
4 giờ trướcBài gốc
Tôn vinh áo dài với di sản văn hóa Hà Nội
Với chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa Áo Dài”, Lễ hội áo dài 2024 diễn ra từ 4-6/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long. Lễ hội được kỳ vọng sẽ mang đến một điểm đến văn hóa, di sản độc đáo và trở thành sản phẩm du lịch thường niên của Hà Nội vào mùa thu.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 đã trở thành một sự kiện thường niên nhằm hướng đến mục tiêu phát triển, quảng bá du lịch, nhằm mục đích tôn vinh bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc sắc về tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đồng thời đưa áo dài trở thành một sản phẩm quà tặng lưu niệm ấn tượng đối với khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.
Trình diễn áo dài tại Lễ hội áo dài du lịch năm 2023. Ảnh: Hoài Nam
Thông qua những câu chuyện kể, quy mô tổ chức, các hoạt động đa dạng, ngành Du lịch Hà Nội mong muốn viết nên câu chuyện về tà áo dài như một “Đại sứ du lịch”, một di sản văn hóa. Tà áo dài sẽ mang hình ảnh Việt Nam đến với đông đảo du khách và bạn bè quốc tế, góp phần quảng bá về Thủ đô Hà Nội - Điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”- bà Giang nhấn mạnh.
Để quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam tới du khách, trong thời gian diễn ra sự kiện ngành du lịch Thủ đô sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn lấy hình ảnh áo dài làm điểm nhấn. Cụ thể, lễ khai mạc tối 4/10 với chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa Áo Dài” là sự kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng với những ca khúc hào hùng, gắn liền với lịch sử Hà Nội 70 năm của Thủ đô.
Tại Lễ khai mạc, sẽ trình diễn các bộ sưu tập áo dài của 70 nhà thiết kế đến từ khắp mọi miền Tổ quốc và các thương hiệu áo dài như OZ Design House. Trong thời gian diễn ra lễ hội các nhà thiết kế, nghệ nhân làng nghề còn tổ chức không gian triển lãm ảnh áo dài và không gian triển lãm, trưng bày giới thiệu áo dài các sản phẩm, dịch vụ du lịch, làng nghề.
Giới thiệu vẻ đẹp tà áo dài Việt Nam tại Lễ hội áo dài du lịch năm 2023. Ảnh: Hoài Nam
Góp mặt tại Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 với vai trò nhà thiết kế, hoa hậu Ngọc Hân mang đến hàng chục mẫu áo dài trong bộ sưu tập mới nhất của mình. “Hoạt động này đã giúp các nhà thiết kế trẻ có thêm cơ hội để phát triển, đưa áo dài Việt Nam được toàn cầu hóa. Đó là mục tiêu cũng như chiến lược mà những nhà thiết kế ở thế hệ chúng tôi đang mong ước. Hơn nữa, tôi mong muốn rằng áo dài của Việt Nam sẽ vươn tầm ra thế giới khi được tất cả các công ty truyền thông trên thế giới quan tâm” - bà Hân chia sẻ.
Chi hội trưởng Chi hội làng nghề - làng cổ - làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) nghệ nhân Nguyễn Văn Sử thông tin, sự kiện còn tạo cơ hội người dân, du khách chiêm ngưỡng thao diễn tạo tác tác phẩm áo dài của các nghệ nhân làng nghề truyền thống như: làng Lụa Trạch Xá, Vạn Phúc, đồng thời thưởng thức ẩm thực Hà Thành “Thăng Long ngũ vị” với các món ăn nhẹ nhàng đậm chất Hà Thành.
Quảng bá du lịch Thủ đô
Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội được nhiều tổ chức quốc tế trao tặng giải thưởng về du lịch, cụ thể Giải thưởng World Travel Awards đã trao 3 giải thưởng gồm, “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Destination), “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Break Destination) và “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination) cho ngành du lịch Hà Nội.
Quảng bá nét đẹp văn hóa tà áo dài Việt Nam tại Lễ hội áo dài du lịch năm 2023. Ảnh: Hoài Nam
“Những danh hiệu này là động lực để Hà Nội xây dựng các chương trình, tổ chức điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách. Hà Nội đang hình thành các sản phẩm du lịch mùa thu để tạo thành thương hiệu riêng, trong đó có Lễ hội Áo dài du lịch” - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Nói về lợi ích mà lễ hội áo dài mang lại cho ngành du lịch, TS Nguyễn Thu Thủy (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, chiếc áo dài có lợi thế rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tới du khách quốc tế ưa thích hoạt động trải nghiệm. Với chiếc áo dài chúng ta có thể xây dựng tour du lịch chuyên biệt, du khách mua tour được tham gia các hoạt động trải nghiệm như khách nhuộm vải, đính đá trang trí...
Sau khi làm, họ sẽ nhận được sản phẩm mà chính họ tham gia vào quá trình sản xuất. Du khách sẽ rất quý trọng một sản phẩm mà họ tự tay sản xuất nên sẽ lưu giữ, quảng bá với bạn bè. Điều này đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho du lịch.
Trình diễn áo dài tại Lễ hội áo dài du lịch năm 2023. Ảnh: Hoài Nam
Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình cho rằng, lợi ích đầu tiên mà chúng ta có được khi quảng bá tà áo dài chính là câu chuyện văn hóa Việt Nam từ đó doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch gắn với áo dài. “Hà Nội, tại các trung tâm văn hóa phố cổ, các làng nghề, có thể tạo ra hoạt động trưng bày, thông tin về ý nghĩa, lịch sử của áo dài. Thêm nữa, những chương trình trình diễn trang phục, photo tour… hoàn toàn có thể kết nối để kể câu chuyện áo dài. Du khách có thể trải nghiệm mặc thử trang phục, từ áo truyền thống của người Việt đến áo dài hiện đại, kết nối những địa điểm du lịch có không gian phù hợp với áo dài như Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các ngôi nhà trong khu phố cổ Hà Nội…”- ông Bình hiến kế.
Nói về những lợi ích mà Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 mang lại cho ngành du lịch, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá, hoạt động này là sản phẩm của các loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn , từ đó quảng bá du lịch Hà Nội và Việt Nam. Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội mở ra định hướng mới, góp phần không nhỏ để du lịch Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng trở thành điểm đến yêu mến, sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Lê Nam
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/le-hoi-ao-dai-quang-ba-du-lich-ha-noi-toi-du-khach.html