Qua nhiều năm, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn vẫn được tổ chức thường niên với quy mô ngày càng lớn. Từ năm 2023, lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa của sự kiện này đối với cả nước.
Ban tổ chức lễ hội tiến hành các nghi thức truyền thống
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội.
Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi thức tế cáo kỵ (mùng 7/3 âm lịch), chính kỵ (mùng 8/3 âm lịch) và tế tạ lễ (mùng 9/3 âm lịch). Điểm nhấn quan trọng là lễ rước kiệu - một nghi thức truyền thống thể hiện sự thành kính của người dân đối với một vị vua anh hùng. Đoàn rước kiệu xuất phát từ đền thờ, đi qua các lăng mộ Hoàng khảo, Quốc mẫu và trở về đền chính, trong sự trang trọng và thành kính của đông đảo người dân.
Nhân dân rước kiệu về Đền thờ Lê Hoàn
Phần hội lại mang không khí tưng bừng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian như: Trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của huyện, doanh nghiệp, HTX trong, ngoài huyện; Trình diễn múa trò Xuân Phả, nhảy Sạp, múa Pồn Pông, Cồng Chiêng, đánh mảng, đánh bài Điếm, bánh trưng nung; Hội thi làm cỗ chay tiến Vua và tổ chức các trò chơi dân gian phục vụ khách du lịch như Bịt mắt bắt vịt, đi cầu tre; Thi cắm trại binh; giao lưu văn nghệ quần chúng; Các hoạt động thể thao như Bóng chuyền da Nam... Đặc biệt, chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Đại Hành, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Nghi thức hóa chúc văn
Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa được dàn dựng công phu bởi các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, với chủ đề “Lê Đại Hành hoàng đế - Ngàn năm vang mãi chiến công”
Năm nay xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân đã có kế hoạch tổ chức lễ hội quy mô cấp tỉnh với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật và nhân dân địa phương. Công tác tuyên truyền, quảng bá về lễ hội được đẩy mạnh, không chỉ nhằm tôn vinh công lao của Lê Hoàn mà còn thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tại địa phương.
Ông Đầu Thanh Tùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, lễ hội đền thờ Lê Hoàn khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tình yêu quê hương trong mọi tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bên cạnh giá trị lịch sử và văn hóa, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn còn mang đến tác động tích cực đối với nền kinh tế địa phương. Mỗi năm, lễ hội thu hút hàng chục nghìn du khách, tạo cơ hội cho các hộ kinh doanh buôn bán các sản phẩm đặc sản, quà lưu niệm và dịch vụ du lịch. Các nhà hàng, khách sạn trong khu vực cũng được hưởng lợi từ lượng khách tăng cao trong những ngày diễn ra lễ hội.
Làm bánh lá răng bừa truyền thống ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Chính quyền địa phương cũng tận nhân cơ hội này để quảng bá hình ảnh quê hương, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp du lịch nhằm phát triển các tour tham quan, giúp du khách có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử và văn hóa vùng đất xứ Thanh.
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn không chỉ là dịp để người dân tôn vinh công lao vị hoàng đế kiệt xuất mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc. Qua mỗi năm tổ chức, lễ hội ngày càng phát triển, không chỉ giữ gìn những nét đẹp truyền thống mà còn tạo điểm nhấn trong bức tranh văn hóa xứ Thanh.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và các hoạt động phong phú, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025 hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần phát huy và lan tỏa giá trị của di sản lịch sử này đến với mọi thế hệ mai sau.
Một số hình ảnh trong Lễ hội năm 2024
Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2024
Trò Xuân Phả được tái hiện tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn
Người dân và du khách dâng hương tại đền thờ Lê Hoàn
Tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày ruộng
Bình Minh