Đó là thông tin được ông Bùi Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, cho biết trong cuộc họp báo công bố sự kiện Festival Gốm – Khinh khí cầu Đồng Nai năm 2025.
Đại biểu tham quan, bàn luận về Gốm Biên Hòa
Theo ban tổ chức, Festival có 50 khinh khí cầu tham gia biểu diễn tượng trưng cho 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là lễ hội khinh khí cầu quy mô nhất từ trước đến nay tại Việt Nam với nhiều hoạt động đặc sắc được diễn ra tại Khu du lịch sinh thái Sơn Tiên (phường An Hòa, TP Biên Hòa) và Công viên Nguyễn Văn Trị, bờ sông Đồng Nai. Thời gian diễn ra là từ ngày 27 đến 30 - 4.
Cụ thể, toàn bộ khinh khí cầu sẽ đồng loạt bay treo tạo nên khung cảnh ngoạn mục, ấn tượng; du khách sẽ tham gia bay treo, ngắm nhìn toàn TP Biên Hòa và vùng lân cận từ độ cao không quá 50m; tham quan lòng khinh khí cầu; đêm hoa đăng và trình diễn dù lượn, máy bay cánh vải, thả diều cỡ lớn.
Song hành cùng các hoạt động trên là Festival Gốm Đồng Nai với các hoạt động triển lãm những sản phẩm Gốm đặc sắc, mang giá trị văn hóa và thẩm mỹ cao của Gốm mỹ nghệ Đồng Nai và các dòng sản phẩm Gốm nổi tiếng trên cả nước tại Trung tâm sự kiện và Đối ngoại tỉnh (Quảng trường tỉnh).
Ông Bùi Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh chủ trì buổi họp báo
Ban tổ chức cũng sẽ tổ chức chương trình tọa đàm "Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm sứ truyền thống trong thời kỳ hội nhập" tại Trường Cao đẳng Trang trí Mỹ thuật Đồng Nai; tổ chức logo, nhận diện thương hiệu Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai; tham quan Cụm gốm sứ Tân Hạnh.
Đồng thời tại Trung tâm sự kiện và Đối ngoại tỉnh Đồng Nai cũng diễn ra sự kiện giới thiệu các sản phẩm Gốm Biên Hòa, Gốm Thanh Hà – Quảng Nam; Gốm Đỏ - Vĩnh Long; Gốm Bàu Trúc – Bình Thuận; Gốm Sứ Bình Dương và rất nhiều sản phẩm gốm đặc sắc của Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh.
Riêng đêm hoa đăng tối ngày 30-4 với nhiều khinh khí cầu được thắp sáng bay trên sông Đồng Nai được tổ chức tại Công viên Nguyễn văn Trị, TP Biên Hòa.
Theo ông Bùi Thanh Nam, sự kết hợp cả hai sự kiện, với một bên là gốm, đại diện cho dòng chảy văn hóa với làng nghề truyền thống của Biên Hòa, một bên là khinh khí cầu, thiết bị bay hiện đại như một thông điệp chở theo những hoài bão, mang theo những khát vọng của vùng Đồng Nai bay lên và bay cao hơn.
Lễ hội Khinh khí cầu tổ chức tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) trước đó
Về vấn đề vé vào cổng Khu du lịch Sơn Tiên để xem trình diễn lễ hội khinh khí cầu, ông Bùi Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết sự kiện Festival Gốm – Khinh khí cầu được tổ chức từ nguồn vốn xã hội hóa nên người dân vào xem trình diễn khinh khí cầu không phải mua vé. Chỉ mua vé khi khách có nhu cầu sử dụng các dịch khác của khu du lịch.
Nguyễn Tuấn