Ca sĩ PSY biểu diễn trong buổi hòa nhạc mở màn chuyến lưu diễn "Summer Swag 2025" của mình tại Sân vận động chính Incheon Asiad ở Incheon. Ảnh: YONHAP
“Cơn mưa” của âm nhạc và nước trở thành hiện tượng văn hóa mới
Giữa cái nóng nực oi ả của mùa hè Hàn Quốc - nơi nhiệt độ và độ ẩm cùng lúc chạm ngưỡng “chịu đựng”, không gì sảng khoái hơn là được đắm mình trong làn nước mát.
Và nếu khoảnh khắc ấy diễn ra giữa tiếng nhạc sôi động, sự xuất hiện của thần tượng và hàng ngàn con người cùng hò reo dưới những tia nước bắn tung tóe, thì đó chẳng khác gì một phép màu mùa hè.
Nhưng sau những khoảnh khắc “ướt đẫm” của tự do và phấn khích, những câu hỏi về sử dụng tài nguyên, hành vi cộng đồng và tính bền vững của loại hình lễ hội này ngày càng trở nên rõ nét. Cuộc chơi mùa hè bùng nổ cảm xúc hay thử thách trách nhiệm với cộng đồng và xã hội?
Trong vài năm trở lại đây, những lễ hội nước như: Waterbomb hay Summer Swag của “ông hoàng Gangnam Style” PSY đã không còn là các sự kiện giải trí đơn thuần.
Chúng đã trở thành hiện tượng văn hóa, một “chiến thuật sinh tồn” mùa hè thông minh, nơi mồ hôi được thay bằng làn nước phun lên từ sân khấu và mọi cảm giác nóng bức bị nhấn chìm trong nhịp đập của EDM, hip-hop và K-pop.
Được tổ chức đúng vào cao điểm mùa gió mùa, những sự kiện này khai thác triệt để “khát vọng giải nhiệt” của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ MZ (millennials và gen Z) - những người tìm kiếm trải nghiệm bùng nổ, bất chấp sự ẩm ướt.
Không gian sân khấu được thiết kế để khuấy động mọi giác quan, với vòi rồng, pháo nước, vũ đạo nóng bỏng và nghệ sĩ ăn mặc táo bạo.
Lễ hội Waterbomb, ra mắt từ năm 2015, là ví dụ điển hình. Sự kiện không chỉ thu hút hàng chục nghìn người tham dự tại Seoul, mà còn lan rộng đến các thành phố lớn như: Incheon, Daejeon và Busan.
Trong khi đó, Summer Swag 2025 của PSY đã khởi động vào cuối tháng 6 tại Incheon, đánh dấu sự trở lại rực lửa với các ngôi sao hàng đầu như: Rose (Blackpink), G-Dragon (BigBang), cùng sự góp mặt ấn tượng của PSY trên sân khấu.
Cú hích cho du lịch địa phương
Khác với các concert tập trung tại Seoul, những lễ hội nước này mang tính lưu diễn, góp phần kích hoạt kinh tế và du lịch ở các địa phương.
Theo Hanwha Hotels & Resorts, chỉ riêng lễ hội Waterbomb tháng 8.2024 đã tạo ra hơn 10 tỉ won (tương đương 7,36 triệu USD) giá trị kinh tế tại các thành phố đăng cai.
Sự lan tỏa này cho thấy sức hút không nhỏ của ngành Công nghiệp giải trí gắn với du lịch, nơi mà các nghệ sĩ không chỉ biểu diễn, mà còn trở thành lực đẩy cho dịch vụ lưu trú, ẩm thực, bán lẻ và giao thông địa phương.
Cơ hội đổi đời của những gương mặt mới
Không chỉ giúp các thành phố sôi động hơn, lễ hội nước còn “tưới mát” sự nghiệp của nhiều nghệ sĩ. Những cái tên trước đây ít được biết đến như” Kwon Eun-bi hay nhóm nhạc nữ Cignature đã bật lên thành ngôi sao sau những màn trình diễn Waterbomb lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Các clip ngắn quay lại khoảnh khắc nghệ sĩ trình diễn giữa làn nước, với thần thái rực lửa, không chỉ ghi điểm với khán giả mà còn “câu triệu view” trên Instagram, TikTok và YouTube.
Những người tham dự lễ hội tận hưởng lễ hội Waterbomb được tổ chức tại KINTEX ở Goyang (tỉnh Gyeonggi). Ảnh: Waterbomb
Khi nước bắn tung tóe đi kèm những câu hỏi nghiêm túc
Tuy nhiên, chính sự phổ biến bùng nổ của những lễ hội này cũng làm dấy lên những tranh luận không nhỏ về đạo đức môi trường và ứng xử cộng đồng.
Đáng lo ngại nhất là việc sử dụng nguồn nước uống cho các màn biểu diễn. Summer Swag của PSY từng bị chỉ trích vì dùng đến 300 tấn nước uống cho mỗi buổi diễn - con số khổng lồ khi đặt trong bối cảnh nhiều khu vực đang đối mặt với hạn hán và thiếu nước sinh hoạt.
Các nghệ sĩ như Lee El và Julian Quintart đã công khai lên tiếng về vấn đề này, đặt câu hỏi về tính bền vững của các lễ hội nước trong tương lai.
Ngoài ra, hành vi thiếu tôn trọng người khác cũng là một “vết gợn” của sự kiện. Các video lan truyền trên YouTube ghi lại cảnh một số người tham gia phun nước thẳng vào mặt, vào vùng nhạy cảm hoặc cố tình gây khó chịu cho người khác.
Trên tàu điện ngầm sau lễ hội, nhiều hành khách phàn nàn về những người ướt sũng làm nước đọng lại trên sàn tàu, ghế ngồi.
Yoo, một khán giả thường xuyên của Summer Swag chia sẻ một “chiến thuật khôn ngoan”: “Chúng tôi luôn thuê phòng gần khu vực tổ chức để tránh ảnh hưởng đến người khác và cũng tiện thay đồ, nghỉ ngơi. Không ai muốn bước vào nhà hàng hay tàu điện trong tình trạng như vừa đi bơi về”.
Lễ hội - nơi cần sự tỉnh táo trong đam mê
Theo nhà phê bình nhạc pop Lee Dae-hwa, các lễ hội nước không đơn thuần là một buổi biểu diễn mà là một trải nghiệm cần sự chuẩn bị toàn diện.
“Bạn sẽ nghe nhạc ở âm lượng lớn hàng giờ, nên đừng chỉ chọn theo tên nghệ sĩ. Hãy chọn một lễ hội mà bạn thực sự yêu thích thể loại nhạc và biết rõ không gian mình sẽ đến”, ông nói.
Lee cũng nhấn mạnh việc hiểu rõ chính sách vé, phương tiện di chuyển, quy định an ninh và giữ liên lạc với ban tổ chức là điều thiết yếu, bởi một lễ hội thành công không chỉ nằm ở sân khấu mà còn ở sự suôn sẻ của toàn bộ hành trình.
Lễ hội nước tại Hàn Quốc là một “đặc sản mùa hè”, nơi âm nhạc, sự cuồng nhiệt và văn hóa đại chúng hòa quyện vào nhau. Với những ai yêu thích trải nghiệm sôi động, đây là điểm đến không thể bỏ qua.
Nhưng đồng thời, sự phát triển của mô hình này cũng đặt ra những thách thức về ứng xử cộng đồng, sử dụng tài nguyên bền vững và đạo đức tiêu dùng giải trí.
Đó là lúc mỗi người tham dự cần làm chủ cuộc vui của mình một cách có ý thức để niềm vui không phải là thứ duy nhất đọng lại sau khi nước đã khô.
TRUNG SƠN