Ngày 12/07/2025, cộng đồng Phật tử tại thành phố Salt Lake (bang Utah, Hoa Kỳ) đã tưng bừng tổ chức Lễ hội Obon lần thứ 89, nhằm tưởng niệm tổ tiên và tôn vinh tinh thần cộng đồng.
Sự kiện diễn ra từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối tại chùa Salt Lake Buddhist Temple và khu phố lân cận, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách.
Ảnh: deseret.com
Obon là một lễ hội truyền thống có nguồn gốc từ câu chuyện về ngài Mục Kiền Liên (Mokuren), một trong mười đại đệ tử của đức Phật.
Theo kinh điển, khi biết mẹ mình sau khi mất bị đọa vào cảnh giới ngạ quỷ, nơi đầy khổ đau và thiếu thốn, ngài đã tìm đến đức Phật để cầu cứu. Đức Phật chỉ dạy rằng nên phát tâm cúng dường chư Tăng để hồi hướng công đức cho mẹ. Nhờ làm theo lời Phật dạy, mẹ ngài được siêu thoát.
Trong khoảnh khắc hân hoan vì cứu được mẹ, ngài Mục Kiền Liên đã nhảy múa, điệu múa đó về sau được biết đến với tên gọi Bon Odori, và trở thành nghi lễ đặc trưng trong Lễ hội Obon.
Theo ông Trey Imamura, Chủ tịch Lễ hội kiêm thành viên Ban điều hành chùa Salt Lake, Obon ngày nay là dịp để mọi người tưởng nhớ người thân đã khuất với lòng biết ơn và niềm vui: “Đây là một thời khắc vui tươi để nhớ về những người đã ra đi. Không phải để buồn vì họ không còn, mà để hạnh phúc vì ta từng có họ trong cuộc đời”. (Deseret News)
Lễ hội năm nay không chỉ có điệu múa Bon Odori truyền thống, mà còn có các tiết mục múa Hawaii, biểu diễn trống taiko sôi động, cùng các món ăn đậm hương vị Nhật Bản như: thịt bò và gà Teriyaki, cà tím nướng, mì lạnh Somen, Sushi chay, và cơm nắm Musubi. Nhiều người tham gia đã mặc áo Happi, Kimono truyền thống và tham gia các tour tham quan chùa do hướng dẫn viên tổ chức.
Tracy Akimoto, giáo viên múa và là người gắn bó lâu năm với lễ hội, chia sẻ xúc động: “Đối với tôi, lễ hội có ý nghĩa đặc biệt vì đứa con sơ sinh của tôi. Khi khiêu vũ trong lễ Obon, tôi cảm thấy như được gần con hơn. Vừa có chút đau lòng, nhưng cũng rất hạnh phúc”. (Deseret News)
Obon không chỉ là lễ hội Phật giáo mà còn là cầu nối thế hệ, đưa con cháu ngày nay trở về với truyền thống và hy sinh của tổ tiên. Ông Troy Watanabe, Chủ tịch chùa Salt Lake Buddhist Temple, nhấn mạnh: “Việc tổ chức lễ hội tại khu phố Nhật Bản cổ là điều rất quan trọng với chúng tôi. Bởi chính nơi đây, cha mẹ và ông bà chúng tôi từng tổ chức lễ hội. Chúng tôi muốn tiếp nối truyền thống để tri ân và tưởng nhớ công lao của họ”. (Deseret News)
Lễ hội được tổ chức bởi cộng đồng phật tử địa phương. Nền móng của chùa được hình thành từ năm 1912, khi Hòa thượng Koyu Uchida từ San Francisco đến Ogden (Utah) để tổ chức lễ cầu siêu cho các thế hệ tiên phong người Nhật.
Trong những năm đầu, chư Tăng không chỉ đảm nhiệm việc hoằng pháp mà còn lái xe đưa trẻ đến lớp học Chủ nhật, tư vấn tâm lý cho phật tử, thậm chí viết thư giúp những người khai mỏ không biết chữ.
Đáng nhớ nhất là thời kỳ Thế chiến thứ hai, khi Hòa thượng Chonen Terakawa bị đưa vào trại giam cùng nhiều lãnh đạo cộng đồng người Nhật. Trong thời gian đó, ni sư Yoshie Terakawa, cũng là phu nhân của ngài, và là một vị xuất gia được truyền giới chính thức, đã đảm trách toàn bộ phật sự, duy trì sinh hoạt tu học cho phật tử giữa thời điểm khó khăn.
Ngôi chùa Salt Lake Buddhist Temple hiện nay được xây dựng vào năm 1961, có cấu trúc đặc biệt kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại: Bên cạnh chính điện thờ Đức Phật A Di Đà theo truyền thống Tịnh Độ Tông (Jodo Shinshu), còn có bệ giảng và dãy ghế dài tương tự như nhà thờ Thiên Chúa.
Chùa trực thuộc Giáo hội Phật giáo Hoa Kỳ (Buddhist Churches of America) và có mối liên hệ với tổ đình Tây Bản Nguyện tự (Nishi Hongan-ji) tại Kyoto, Nhật Bản.
Lễ hội Obon không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, mà còn là minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của Phật giáo giữa lòng xã hội hiện đại, nơi mà mỗi điệu múa, mỗi nén hương, mỗi món ăn truyền thống đều chuyên chở tinh thần biết ơn, kết nối và tiếp nối dòng chảy tâm linh qua bao thế hệ.
Tác giả: Buddhistdoor Global/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên
Nguồn: buddhistdoor.net