Lễ hội Diwali, được tổ chức vào ngày 31/10, là một trong những sự kiện trọng đại nhất Ấn Độ nhằm kỷ niệm chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, của cái thiện trước cái ác, và mang đến phước lành, tự do, giác ngộ. Khi lễ hội diễn ra, mọi người sẽ giao lưu và tặng quà gia đình, bạn bè, đốt pháo hoặc thắp đèn dầu, nến khắp nơi để xua đi màn đêm u tối.
Nhưng lễ hội hàng năm lại tràn ngập lo lắng về ô nhiễm không khí, vì pháo nổ phát ra khói bụi độc hại có thể mất nhiều ngày để làm sạch.
Trẻ em đốt pháo trong lễ Diwali ở Ấn Độ. Ảnh: AP
Thủ đô New Delhi, một trong những thành phố có chất lượng không khí tệ nhất Ấn Độ, chịu ảnh hưởng đặc biệt bởi vấn đề này và thường bị bao phủ trong lớp sương khói xám độc hại một ngày sau Diwali.
Chính quyền ở đó và một số bang khác đã cấm sử dụng và bán pháo nổ kể từ năm 2017, yêu cầu mọi người lựa chọn các loại khác như pháo thân thiện với môi trường hoặc chương trình biểu diễn ánh sáng.
Nhưng quy định này thường bị phớt lờ. Pháo nổ có thể dễ dàng mua được từ cửa hàng hoặc các quầy hàng ven đường. Một số cư dân ở New Delhi cho rằng lệnh cấm không tạo ra nhiều khác biệt, trong khi những người khác lại coi đây là biện pháp cần thiết để chống ô nhiễm.
New Delhi và một số thành phố phía bắc Ấn Độ thường có mức độ ô nhiễm không khí cực kỳ cao từ tháng 10 đến tháng 1 hàng năm, làm hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, trường học và văn phòng phải đóng cửa. Để kiểm sóa khói mù phủ kín đường chân trời, chính quyền đã đóng cửa các công trường xây dựng, hạn chế xe chạy bằng dầu diesel và triển khai hệ thống phun nước, súng chống khói bụi.
Năm nay, sương mù dày đặc, độc hại đã bắt đầu bao trùm New Delhi. Vào ngày 30/10, các nhà chức trách báo cáo chỉ số AQI là hơn 300, được phân loại là "rất tệ".
Một số nghiên cứu ước tính rằng hơn một triệu người Ấn Độ tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Nồng độ cao các hạt vật chất nhỏ có thể đi sâu vào phổi và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm các bệnh hô hấp mãn tính.
Tình trạng ô nhiễm ở New Delhi không chỉ do pháo nổ. Khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động đốt rơm ở các tiểu bang lân cận và bụi từ xây dựng là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí của thủ đô. Nhưng các chuyên gia y tế cho biết khói từ pháo nổ có thể nguy hiểm hơn.
Giáo sư y học cộng đồng Arun Kumar Sharma tại Đại học Y khoa New Delhi cho biết: "Khói do pháo nổ tạo ra có chứa các kim loại nặng như lưu huỳnh, chì và các khí độc như carbon monoxide, gây nguy hiểm cho hệ hô hấp".
Ngọc Ánh (theo AP)