Miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa được ví như bức tranh thổ cẩm đa sắc màu với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa có vốn di sản văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc luôn được đồng bào trân quý và trao truyền cho các thế hệ mai sau. Một trong những lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa và tâm linh của người Thái chính là lễ mừng cơm mới.
Lễ mừng cơm mới là nghi lễ quan trọng của đồng bào Thái ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa
Cộng đồng người Thái ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa chủ yếu làm nông nghiệp, vì vậy các lễ hội thường gắn với hoạt động nông nghiệp. Mỗi năm, người Thái cúng mừng cơm mới một lần. Phong tục này xuất phát từ niềm tin của người Thái, họ cho rằng, để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng.
Ông Phạm Văn Tân, Phó Phòng Văn hóa Văn nghệ, Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh Thanh Hóa cho biết, khi cây lúa đã bắt đầu ngả màu thì các gia đình trong bản là người Thái đều lựa chọn ngày đẹp để tổ chức lễ mừng cơm mới. Lễ mừng cơm mới là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái luôn coi trọng và giữ gìn từ đời này sang đời khác. "Người Thái thường chọn những ngày đẹp tránh những ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông, bà, bố, mẹ hay người thân trong nhà. Người Thái có câu: “Lực lan bỏ tàm kin cón, bỏ hón kin cai đằm pang” (Con cháu không dám ăn trước, không thể ăn qua mặt gia tiên) nên gia tiên phải là người ăn cơm mới trước, nếu không cây lúa sẽ không tốt và sẽ không được mùa”.
Mâm lễ dâng cúng trong ngày lễ mừng cơm mới của đồng bào Thái
Lễ hội Mừng cơm mới là nghi lễ nông nghiệp có tính chất tâm linh để tỏ bày lòng biết ơn các đấng thần linh, ông bà, tổ tiên đã phù hộ, đã “trông nom” nương rẫy để có một vụ mùa bội thu và cầu mong mùa tới lại tiếp tục được trâu bò đầy truồng, lúa thóc đầy bồ. Vì thế, theo ông Hà Văn Thại, người uy tín ở bản Lác, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, người Thái rất chú trọng nghi thức này. Lễ mừng cơm mới được tổ chức trong phạm vi gia đình hoặc quy mô cả bản.
Dù làm trong gia đình hay ở cộng đồng thì một người không thể thiếu trong lễ mừng cơm mới của người Thái là thầy Mo, người thực hiện những nghi thức quan trọng. Thầy Mo đóng vai trò là chủ lễ, là người kết nối giữa cộng đồng với các thần linh, đọc các bài văn khấn gửi tới các thần linh, ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn vì đã cho cộng đồng một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ, thóc lúa đầy bồ, khoai,sắn đầy sân, gia súc đầy chuồng.
Lễ mừng cơm mới là một trong những lễ quan trọng và linh thiêng nhất của người Thái trong năm, đây cũng là dịp để cầu an, cầu phúc cho gia đình, dòng tộc và cho cả cộng đồng, đồng thời cũng để bày tỏ những khát vọng, mơ ước về cuộc sống bình yên, sung túc, xua đi những nhọc nhằn vất vả, lo toan trong cuộc sống hiện tại và cũng là cơ hội để cộng đồng gắn kết, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Do vậy, người Thái chuẩn bị cho lễ cúng rất chu đáo, nhiều công việc phải tiến hành từ nhiều ngày tháng trước đó.
Thầy cúng Hà Văn Đíu ở bản Lác, xã Tam Chung cho biết, cúng cơm mới đều phải có đôi gà, con lợn, hai chai rượu, 1 trình rượu cần, cơm, xôi, các sản vật nông nghiệp. Trong các lễ vật, quan trọng nhất là cơm mới, tức là cơm cốm, những người phụ nữ có uy tín trong nhà, trong bản sẽ chăm và canh đến khi thích hợp sẽ chọn những bông lúa thật đẹp, hạt mẩy cắt về để chuẩn bị cho ngày cúng cơm mới. "Cơm đó quan trọng và phải cúng ông bà, thần linh,tổ tiên trước, như thần khai hoang, thần khai phá ruộng vườn. Các bậc bề trên ăn xong con cháu mới được ăn. Mọi thứ phải thật nhiều để sang năm mới gặp nhiều may mắn”.
Người Thái chuẩn bị cho lễ cúng rất chu đáo, nhiều công việc phải tiến hành từ nhiều ngày tháng trước đó
Để chuẩn bị cho lễ mừng cơm mới bản làng người Thái rất rộn ràng, mỗi người một việc, từng thành viên phân công nhau thực hiện những yêu cầu của bà Máy, ông Mo để có một mâm cỗ đủ đầy.
Khi mâm cúng đã được chuẩn bị xong, mọi người tề tựu đông đủ cũng là lúc thầy cúng tiến hành nghi lễ. Bài khấn có nội dung cảm ơn tổ tiên, những người được con cháu “nhờ trông nom” nương rẫy, cảm tạ các vị thần linh và mừng mùa màng thắng lợi và cầu cho con cháu khỏe mạnh, mưa thuận, gió hòa giúp năm sau lại có những mùa vụ tươi tốt, lúa đầy bồ, khoai sắn đầy sân, gia súc đầy chuồng, nhà nhà hạnh phúc, con cháu đoàn kết, quốc thái dân an.
Sau khi phần lễ thiêng liêng do thầy cúng thực hiện kết thúc sẽ chuyển sang phần hội rộn ràng và đầy màu sắc
Sau khi phần lễ thiêng liêng do thầy cúng thực hiện kết thúc, không khí lễ hội chuyển sang phần hội rộn ràng và đầy màu sắc. Đây là thời điểm người Thái thể hiện niềm vui trong ngày hội qua những điệu múa, bài hát truyền thống. Những chàng trai, cô gái trong trang phục dân tộc rực rỡ cùng nhau hòa mình vào các điệu múa xòe, múa sạp. Tiếng khèn, tiếng trống vang vọng khắp bản, tạo nên một không gian tràn ngập âm thanh và sắc màu. Mọi người, từ già đến trẻ, đều say sưa trong điệu múa, khúc hát, tiếng cười nói giòn giã lan tỏa khắp bản làng.
Lễ mừng cơm mới không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và tình yêu thương trong cộng đồng người Thái. Với họ, dù đi xa đến đâu, con cháu cũng cố gắng trở về đoàn tụ trong ngày lễ thiêng liêng này vì đây là dịp để mỗi người nhắc nhở bản thân về cội nguồn, về những giá trị cao đẹp được truyền từ đời này sang đời khác.
Thu Hà/VOV2