Bộ GD&ĐT năm nay công bố điểm trung bình 12 môn học theo học bạ ở bậc THPT và điểm trung bình theo kết quả thi Tốt nghiệp.
Chấm kiểm tra ít nhất 5% bài thi Ngữ văn Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025
Theo đó, có thể dễ dàng nhận thấy, có sự chênh lệch giữa điểm trung bình theo học bạ với kết quả thi tốt nghiệp, nhất là môn Toán và môn tiếng Anh.
Cụ thể, điểm trung bình theo học bạ của học sinh ở bậc THPT gồm 3 năm lớp 10, 11, 12 là 7,03, trong khi điểm thi Tốt nghiệp THPT mức điểm trung bình ở mức thấp, 4,78. Sự chênh lệch giữa điểm học và điểm thi của môn Toán là 2,25 điểm.
Môn Toán chênh lệch giữa điểm học và điểm thi cao nhất.
Môn tiếng Anh có sự chênh lệch lớn giữa điểm trung bình học bạ và điểm thi tốt nghiệp 1,57 điểm. Điểm trung bình học bạ của học sinh toàn quốc tăng dần từ lớp 10 đến lớp 12 với mức điểm từ 6,55 đến 7,38 (trung bình 6,95), trong khi điểm trung bình thi tốt nghiệp là 5,38 điểm.
Môn Sinh học cũng có sự chênh lệch giữa hai mức điểm là 1,56; Môn Công nghệ Công nghiệp có mức trung bình theo học bạ là 8,05 trong khi trung bình điểm thi tốt nghiệp là 5,97 (chênh lệch 2,08 điểm).
Trong 12 môn thi, môn Ngữ văn có sự chênh lệch thấp nhất (chỉ 0,12 điểm) giữa điểm học (trung bình 7,12) và điểm thi (trung bình 7,0).
Đánh giá học bạ không tin cậy?
Theo thầy Nguyễn Minh Tuấn, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), trong số các môn học, môn Toán chênh lệch điểm học bạ và trung bình điểm thi tốt nghiệp cao nhất. Điều này, phản ánh mức độ “nới lỏng” trong đánh giá học bạ môn Toán hay nói một cách khác là chưa đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh.
Hệ số tương quan giữa điểm học bạ và điểm thi Toán là 0.63 (mức trung bình), cho thấy mức độ phù hợp giữa học lực thực tế và điểm số học bạ chưa cao.
“Điều này có thể phản ánh việc đánh giá học sinh ở trường chưa phản ánh sát thực lực làm bài thi chuẩn hóa”, theo thầy Tuấn.
Thầy Tuấn cũng cho rằng, từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, cho thấy, tính phân hóa của đề thi Toán cao hơn. Độ lệch chuẩn bài thi tốt nghiệp THPT của môn Toán là 1.68, lớn hơn hầu hết các môn khác. Điều này cũng cho thấy kết quả trải rộng hơn, đề thi phân hóa tốt hơn và học sinh có điểm cao hoặc thấp hơn đáng kể, thể hiện rõ hơn năng lực thật sự.
Từ tương quan giữa trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và trung bình điểm học bạ 3 năm THPT của học sinh, thầy Tuấn cảnh báo nguy cơ “ảo tưởng” về năng lực khi chỉ nhìn học bạ môn Toán. Với mức điểm học bạ trung bình cao (trên 7.0), nhưng điểm thi tốt nghiệp thấp (hơn 5.0), nhiều học sinh có thể ngộ nhận về năng lực của bản thân nếu chỉ dựa vào học bạ.
Theo các chuyên gia, mặc dù điểm trung bình học bạ và điểm thi Ngữ văn chênh lệch ít nhất (0,12) tuy nhiên điều này một phần do đặc thù môn học, đề thi và chấm thi. Trong kỳ thi Tốt nghiệp, Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất chấm thi bằng tay, đề thi mở và đáp án, barem chấm cũng mở tối đa, khuyến khích học sinh thể hiện tư duy sáng tạo.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chia sẻ, các nước có nền giáo dục tiên tiến hiện đã có xu hướng bỏ Kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Họ đánh giá học sinh chủ yếu căn cứ vào kết quả học bạ trong các năm học phổ thông. Điều này làm giảm gánh nặng thi cử, đồng thời đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện hơn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, kết quả điểm học bạ phải đảm bảo tin cậy, khách quan, phản ánh đúng năng lực học sinh.
Theo TS Khuyến, ở Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại vấn nạn "xin - cho" điểm, giáo viên có thể nới cho học sinh 1-2 điểm để làm đẹp học bạ là điều bình thường. Cách đánh giá, cho điểm học sinh của từng trường, từng vùng miền cũng khác nhau, chưa đảm bảo tin cậy.
"Việc lấy điểm học bạ để xét tuyển là không đảm bảo công bằng, khách quan và kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ra đề thi vẫn là một trong những căn cứ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh", TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.
Hà Linh