Đền Khe Rồng.
Từ TP Thanh Hóa, đi khoảng 35km qua huyện đồng bằng Nông Cống, du khách sẽ “bắt gặp” vùng đất bán sơn địa Bến Sung với đồng ruộng, khu dân cư ở giữa, bao bọc xung quanh là hệ thống đồi núi thấp, nhiều hang động. Cùng với đó, nơi đây còn có hồ Sông Mực nổi tiếng, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho cả một vùng rộng lớn. Và hồ Sông Mực với nguồn thủy sản phong phú còn nổi tiếng với cá mè Sông Mực đã đi vào đời sống ẩm thực dân gian.
Nơi đây thuở xa xưa đồi núi hoang rậm, đi lại khó khăn nên dân cư đến lập làng khá muộn. Những người Mường đầu tiên đã đến đây trú ngụ, làm ăn sinh sống, tạo nên các chòm bản Đồng Kênh, Đồng Sung, làng Luồng, Đồng Lớn... Tiếp đó, một bộ phận người Thái từ Bá Thước cũng di cư xuống khu vực Đồng Bổi... Khi về đây, những thế hệ dân cư đầu tiên đã không quản nhọc nhằn mưu sinh, vượt qua nỗi sợ hãi chống chọi với thú dữ, cùng nhau đùm bọc, sẻ chia, “tối lửa tắt đèn” bên nhau. Biến vùng đất hoang vu thành đồng ruộng màu mỡ, vườn tược tốt tươi, cuộc sống từng ngày no đủ...
Về sau, một bộ phận người Kinh từ các huyện đồng bằng lên vùng đất này khai thác, mua bán lâm sản. Vì mến mộ cảnh sắc và con người nơi đây nên đã ở lại để làm ăn, sinh cơ lập nghiệp. Đến thời Pháp thuộc, những đồi núi thấp đất đai màu mỡ ở Bến Sung đã nhanh chóng trở thành các đồn điền cà phê. Từ đây, người đến Bến Sung sinh sống mỗi ngày thêm đông đúc. Đến nay, trên địa bàn thị trấn Bến Sung có 4 dân tộc anh em (Kinh, Mường, Thái, Thổ) cùng nhau sinh sống - ông Nguyễn Sỹ Thử, công chức Văn hóa xã hội thị trấn Bến Sung cho biết.
Với lợi thế giao thông đi lại thuận tiện, từ hàng trăm năm trước, vùng đất Bến Sung đã sớm khẳng định sức hút, trở thành trung tâm giao thương, buôn bán của người dân trong vùng. Và ngày nay, thị trấn Bến Sung trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Như Thanh. Nhờ hệ thống giao thông đang từng bước được hoàn thiện, từ Bến Sung đi TP Thanh Hóa hay Khu Kinh tế Nghi Sơn đều chưa đến 40km.
Cùng với nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế thì những thế hệ người dân ở Bến Sung cũng không ngừng tạo dựng, vun đắp, giữ gìn các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Ngày nay, lên thăm Bến Sung, du khách được đắm mình trong không gian văn hóa - lịch sử và lắng lòng trong những chuyện kể.
Đó là Phủ Sung - không gian tín ngưỡng thờ Mẫu linh thiêng. Di tích tọa lạc ở làng Đồng Sung (nay là khu phố Xuân Phong) - một trong những chòm bản có con người đến cư ngụ sớm nhất ở Bến Sung. Phủ Sung tọa lạc ở thế đất cao ráo, phía trước là cánh đồng làng thoáng mát.
Truyền thuyết dân gian kể rằng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi mà bị đày xuống trần gian. Sau nhiều lần thác sinh giúp dân, nàng đã được triều đình phong kiến phong thần và Nhân dân tôn là Thánh Mẫu. Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị Thánh bất tử (Tứ bất tử) của tín ngưỡng Việt Nam. Với niềm cảm mến với Thánh Mẫu, người dân nhiều nơi đã lập đền thờ phụng, trong đó có Phủ Sung.
Theo các tài liệu lưu giữ và truyền ngôn dân gian, Phủ Sung được lập dựng vào thời Nguyễn. Cùng với việc tôn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì ở Phủ Sung còn phối thờ thần núi, thần sông. Đi qua thời gian, tín ngưỡng thờ Mẫu đã ăn sâu, trở thành nét đẹp văn hóa của người dân địa phương.
Cùng với Phủ Sung, trên đất Bến Sung còn có một địa điểm thờ Mẫu khá nổi tiếng là Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Khe Rồng (di tích còn được biết đến với các tên gọi đền Khe Rồng, đền Mẫu, đền Ba Khe, đền Đức Ông). Tuy nhiên, ngoài thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải thì ở đền Khe Rồng còn thờ nhân vật có thần hiệu Đức Ông.
Trong đó, nhân vật có thần hiệu Đức Ông được truyền ngôn dân gian vùng đất này cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, một vị tướng dưới trướng của Lê Lợi đã không may qua đời khi hành quân qua vùng đất này. Thương tiếc vị tướng tài, Lê Lợi đã cho quân sĩ đắp mộ, về sau lập dựng đền thờ nhằm ghi nhớ công lao của người đã giúp vua, giúp nước.
Di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân trong lòng núi Đồng Mười thị trấn Bến Sung.
Ngoài giá trị về mặt tín ngưỡng - tâm linh, Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Khe Rồng thực sự là điểm đến tham quan vãn cảnh hấp dẫn bước chân du khách. Đền nằm trên thế đất cao, bốn bề là cây cối xanh tốt, phía trước đền là nơi hợp nguồn của ba khe (khe Sải Vàng, khe Cầu Đất, khe Đá Phai). Từ dưới nhìn lên, ba khe trông giống như chiếc đuôi rồng, nên người dân trong vùng thường gọi nơi đây là Ba Khe hay Khe Rồng. Và từ tên đất về sau đã trở thành tên gọi đền thờ. Điều đáng nói, khu vực ba khe phía trước đền Khe Rồng cũng chính là đầu nguồn sông Mực.
Phía bên kia ba khe là những sườn đồi thấp với các suối nước nhỏ “nép mình” dưới tán cây xanh mát, quanh năm róc rách nước chảy, chim chóc hoan ca, thoảng hương hoa rừng đâu đó bay đến... tạo nên “bức tranh” sơn thủy hữu tình. Đứng ở đền Khe Rồng, thành tâm cúi mình trước phật thánh, ta cảm nhận được sự linh thiêng, vừa thấy lòng nhẹ nhõm như lạc vào chốn tiên cảnh.
Trên hành trình ghé thăm vùng đất Bến Sung tươi đẹp, sẽ là chưa trọn vẹn nếu không khám phá Lò cao kháng chiến Hải Vân trong lòng núi Đồng Mười - một thời đỏ lửa giữa rừng xanh.
Ngược thời gian trở về với những năm tháng gian khó của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1949, sau nhiều tính toán, lò cao NX1 và NX2 đã được cấp trên quyết định xây dựng trong khu rừng lim của núi rừng Đồng Mười (thuộc Bến Sung ngày nay). Từ những nỗ lực, những mẻ gang đầu tiên đã ra lò dưới tán rừng Đồng Mười xứ Thanh. Tuy nhiên sau đó, vì lý do bảo mật, toàn bộ máy móc phục vụ cho việc luyện gang đã được di chuyển vào trong hang Đồng Mười - đánh dấu sự ra đời của lò cao NX3.
Hang núi Đồng Mười dẫu rộng lớn song việc xây dựng một lò cao với những máy móc cồng kềnh lúc bấy giờ thực sự vô cùng gian nan. Vượt mọi khó khăn, với sức người và ý chí, khát vọng, một lò cao trong lòng núi đã được hiện thực hóa, đêm ngày đỏ lửa. Từ lò cao trong hang núi Đồng Mười, những mẻ gang đã ra lò, phục vụ việc đúc lựu đạn, súng cối, nồi, chảo... cung cấp cho chiến trường.
Ghé thăm Lò cao kháng chiến Hải Vân trong lòng núi Đồng Mười hôm nay, kẻ hậu sinh vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo của một công trình bề thế trong lịch sử. Để thêm một lần ngưỡng vọng trước tài năng, ý chí, khát vọng của những thế hệ cha ông đi trước.
Đứng trên núi Đồng Mười nhìn ra phía xa là cảnh quan xóm làng bình yên. Nhưng tôi cũng nhìn thấy cả những hố sâu trũng nước ở quanh chân núi - đó là dấu tích những hố bom năm xưa bị kẻ địch ném xuống nhằm phá hủy lò cao trong lòng núi. Vậy mới biết, để có cuộc sống tươi đẹp, yên bình hôm nay, ông cha xưa đã phải cố gắng chịu đựng, vượt qua gian khó và cả những hy sinh. Hiểu được điều đó, để biết ơn và trân trọng từng khoảnh khắc thanh bình của cuộc sống hiện tại...
Bài và ảnh: Khánh Lộc