Lên vùng cao xứ Huế xem lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu

Lên vùng cao xứ Huế xem lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu
4 giờ trướcBài gốc
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cùng với Tri thức dân gian Bún bò Huế, Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu vừa đón nhận tin vui khi được ghi vào danh sách di sản phi vật thể quốc gia.
Tại Quyết định 2204 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, “Bhuôih Haro Tơme - Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu ở xã Nam Đông, xã Long Quảng, xã Khe Tre, thành phố Huế” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Lễ hội Bhuôih Haro Tơme diễn ra sau mỗi vụ mùa bội thu.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, đó là cả một quá trình sưu tầm, lập hồ sơ khoa học, công phu do Phân viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung (đơn vị tư vấn) phối hợp UBND huyện Nam Đông (cũ), Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế (cơ quan thẩm định) cùng các nghệ nhân, già làng và cộng đồng thực hiện.
Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là động lực để các cơ quan ban ngành, địa phương và người dân tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trong đời sống xã hội hôm nay.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, chia sẻ: “Việc ghi danh lễ hội Bhuôih Haro Tơme vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu tại Nam Đông - vùng đất giàu truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong bản sắc văn hóa miền núi ở Huế”.
Lễ hội này được gìn giữ và truyền nối qua nhiều thế hệ.
Lễ hội mừng lúa mới là nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu, phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người, thiên nhiên, thần linh trong đời sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu.
“Đây là một trong những nghi lễ thiêng liêng và sâu sắc nhất trong năm của cộng đồng Cơ Tu. Ngoài thể hiện lòng biết ơn với vụ mùa bội thu, lễ hội còn là hành trình giao hòa giữa con người và thần linh, kết nối đất trời với cây lúa, hiện tại với cội nguồn”, ông Hải thông tin.
Khi lúa trên ruộng bậc thang chín vàng rực rỡ, mang theo hương nắng và công sức của người Cơ Tu cũng là lúc bà con người Cơ Tu ở huyện Nam Đông (cũ) lại náo nức bước vào lễ hội Bhuôih Haro Tơme.
Sau mỗi vụ mùa bội thu, lễ hội mừng lúa mới diễn ra như lời tri ân sâu sắc gửi đến thần linh, đặc biệt là thần lúa Giàng Haro khi đã ban cho bản làng có cuộc sống yên bình, ấm no, đồng thời khơi dậy niềm tin, sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, nghi lễ này có thể diễn ra trong phạm vi từng gia đình hoặc quy mô cộng đồng toàn bản làng, với các hoạt động cúng tế, hiến sinh, múa chiêng trống, điệu múa Pađil Yayă, ẩm thực truyền thống và trang trí cột tế Xơnur đầy biểu tượng.
“Được gìn giữ và truyền nối qua nhiều thế hệ, lễ hội này là nét đặc trưng trong chu trình canh tác lúa truyền thống của người Cơ Tu, đồng thời là dịp quan trọng để cộng đồng sum họp, vui chơi và thắt chặt tình đoàn kết”, ông Hải cho hay.
Rộn ràng tiếng chiêng trống, điệu hát dân gian
Giữa không gian thiêng liêng của chốn đại ngàn, lễ mừng lúa mới của người Cơ Tu diễn ra ở hai cấp độ gồm trong từng gia đình và quy mô cộng đồng. Ở mỗi nhà, sau khi thu hoạch và phơi lúa xong, chủ nhà chọn ngày lành để làm lễ cúng tổ tiên và thần lúa.
Đồng bào Cơ Tu trình diễn điệu múa thiêng.
Những hạt lúa đầu tiên được giã thành gạo, nấu thành cơm dâng lên cùng với mâm lễ gồm có gà, cơm mới, rượu cần và các món ăn truyền thống. Lời khấn nguyện vang lên như sự giao hòa giữa con người với núi rừng.
Tất cả lễ vật được bày biện trang trọng ở gian giữa ngôi nhà. Đây là nơi lưu giữ linh hồn tổ tiên, nơi kết nối quá khứ với hiện tại. Sau lễ cúng, cả gia đình mới được ăn bữa cơm đầu mùa, đánh dấu thời khắc sum họp, no đủ.
Trên quy mô lớn, lễ hội cộng đồng được tổ chức sau vài năm trúng mùa. Sự kiện trọng đại này kéo dài nhiều ngày với nhiều nghi lễ truyền thống, trong đó có dựng cột tế Xơnur, biểu tượng cho trục vũ trụ thiêng liêng nối trời và đất. Cột tế làm từ cây gạo thiêng, trang trí họa tiết sống động, mô phỏng điệu múa Pađil Yayă - điệu múa mặt trời gắn với Nữ thần lúa.
Đồng bào tái hiện lại cảnh trỉa lúa.
Đêm trước lễ chính, bản làng Cơ Tu trở nên rộn ràng hơn trong không gian huyền diệu của chiêng trống vang vọng, mùi rượu cần nồng nàn và những làn điệu dân ca Vơnot, Chachấp. Người già kể lại chuyện cổ “chàng mồ côi nhận lúa thần ban”, nhắc nhở con cháu về nguồn gốc nông nghiệp thiêng liêng.
Lễ chính được diễn ra ở sân làng, trước nhà Gươl - trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Già làng - đại diện dân bản, tiến hành nghi lễ cúng sống như báo cáo lễ vật, khấn tạ thần linh, rồi chọc tiết trâu hiến sinh linh vật cao quý nhất dâng lên Giàng như minh chứng cho lòng thành. Tiếp đến là lễ cúng chín được tổ chức cùng món ăn đã nấu, rượu cần được rót mời các vị thần, tổ tiên và dân làng hòa mình trong niềm vui hội.
Trong tiếng chiêng vang dội, điệu múa Pađil Yayă của những người phụ nữ Cơ Tu nhẹ nhàng, uyển chuyển như đưa cả bản làng trở về thuở sơ khai. Mỗi bước múa, mỗi lời hát là lời nguyện cầu cho mùa sau tươi tốt, gia đình no ấm, cộng đồng mãi yên vui, gắn bó với núi rừng.
Theo ông Hải, ngày nay, mặc dù người Cơ Tu đã chuyển từ lúa rẫy sang lúa nước, từ nhà sàn sang nhà trệt, từ kho lúa thành bao đựng…, nhưng lễ mừng lúa mới vẫn được gìn giữ và thích nghi.
Dù quy mô thu nhỏ, nhiều tập tục lược bớt, nhưng tinh thần “tạ ơn và cầu mùa” vẫn vẹn nguyên. Đó chính là sức sống của một di sản bền bỉ thích ứng, giữ lại cốt lõi nhân văn qua từng thế hệ.
Lễ hội mừng lúa mới được ghi vào danh sách di sản phi vật thể quốc gia.
“Lễ mừng lúa mới Bhuôih Haro Tơme không chỉ là nghi lễ tín ngưỡng của người Cơ Tu, mà còn là biểu tượng sinh động của bản sắc văn hóa dân tộc giữa nhịp sống hiện đại.
Việc gìn giữ và truyền trao lễ hội qua các thế hệ cho thấy sức sống bền bỉ của một di sản sống, nơi con người không ngừng tìm về cội nguồn, tri ân thiên nhiên và vun đắp giá trị cộng đồng. Đồng thời, là “cánh cửa mở” để kết nối với du khách, nhà nghiên cứu, người trẻ, những người đang tìm lại mạch nguồn văn hóa giữa đại ngàn Trường Sơn”, ông Hải thông tin thêm.
Giữa dòng chảy không ngừng của thời gian, lễ hội mừng lúa mới - Bhuôih Haro Tơme vẫn ngân vang tiếng chiêng, vẫn cháy rực ánh lửa thiêng và vẫn thấm đẫm tinh thần gắn bó giữa con người với đất trời, giữa hiện tại và cội nguồn.
Đó không chỉ là một nghi lễ nông nghiệp, mà còn là minh chứng cho bản lĩnh gìn giữ văn hóa của đồng bào Cơ Tu trước sự đổi thay của thời đại. Và trên những sườn núi quanh năm gió thổi, tiếng hát, điệu múa, mùi rượu cần, tiếng cười sum vầy... vẫn sẽ còn vang vọng mãi như một khúc sử thi sống động của chốn xứ Huế đại ngàn.
Nguyễn Hiệp - Ảnh: Sở VH, TT TP Huế cung cấp
Nguồn Du lịch TP.HCM : https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/len-vung-cao-xu-hue-xem-le-hoi-mung-lua-moi-cua-dong-bao-co-tu-c9a100365.html