Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Phán quyết của ông Joseph N. Laplante, thẩm phán tòa án quận Mỹ tại New Hampshire, được đưa ra sau hai phán quyết tương tự của các thẩm phán tại Seattle và Maryland vào tuần trước, AP đưa tin.
Ông Laplante, thẩm phán được cựu Tổng thống George W. Bush đề cử, cho biết ông không thấy thuyết phục với lý do của chính quyền Trump khi đưa ra lệnh hành pháp này. Ông cho biết ông sẽ ban hành lệnh cấm sơ bộ dài hơn sau đó để giải thích lý do của mình.
Một vụ kiện do Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đệ trình cho rằng lệnh của ông Trump là vi hiến và "cố gắng lật đổ một trong những giá trị hiến pháp cơ bản nhất của Mỹ". Vụ kiện được đệ trình thay mặt cho các nhóm bảo vệ quyền của người nhập cư có các thành viên đang mang thai và những đứa con của họ có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh này.
"Đối với những người đang cảm thấy sợ hãi hoặc bối rối ngay lúc này, tôi chỉ muốn nói rằng đây là một quyền được ghi nhận trong Hiến pháp cũng như trong luật liên bang. Và cùng các đối tác của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi lệnh hành pháp này chấm dứt một lần và mãi mãi", Phó giám đốc Dự án Quyền của Người nhập cư của ACLU Cody Wofsy, người đã tranh luận về vụ kiện, cho biết bên ngoài tòa án.
Các luật sư đại diện cho chính quyền Trump từ chối bình luận vào ngày 10/2. Tuy nhiên, chính quyền Trump khẳng định rằng con cái của những người không phải là công dân không "thuộc thẩm quyền tài phán" của Mỹ và do đó không có quyền công dân. Chính quyền đang kháng cáo lệnh chặn của thẩm phán ở Seattle đối với lệnh hành pháp của ông Trump.
Ít nhất 9 vụ kiện đã được đệ trình chống lại lệnh chặn quyền “sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ”.
Mỹ là một trong khoảng 30 quốc gia áp dụng quyền công dân theo nơi sinh - nguyên tắc jus soli. Trong hơn 150 năm qua, hiến pháp Mỹ quy định rằng bất kỳ ai sinh ra tại Mỹ đều mặc định được cấp quốc tịch nước này.
Tu chính án thứ 14 đảm bảo quyền nhận quốc tịch theo nơi sinh trên phạm vi lãnh thổ Mỹ: "Tất cả cá nhân sinh ra hoặc nhập tịch Mỹ và thuận theo phạm vi pháp lý của họ đều là công dân của Hợp chủng quốc Mỹ và của tiểu bang nơi họ sinh sống".
Vân Hải