Ở Ai Cập cổ đại, người ta dùng bình đựng nội tạng để lưu trữ một số cơ quan của người đã khuất. Ảnh: Wikimedia Commons
Theo trang allthatsinteresting.com, ướp xác là một trong những tập tục chôn cất cổ xưa nổi tiếng nhất, gắn liền với nền văn minh Ai Cập cổ đại. Bảo quản và xử lý thi thể theo nghi lễ nhằm chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chết phản ánh sâu sắc phong tục của người Ai Cập cổ, giúp các nhà nghiên cứu hiện đại hiểu rõ hơn về nền văn hóa này và công bố phát hiện của họ.
Tuy nhiên, quá trình ướp xác không chỉ đơn thuần là quấn băng quanh thi thể, đặc biệt đối với các thành viên hoàng gia và giới quý tộc. Đây là một quy trình nhiều bước, bao gồm: làm sạch thi thể, lấy ra nhiều cơ quan nội tạng, xử lý thi thể bằng muối, ướp bằng nhựa thơm và dầu, rồi cuối cùng là quấn băng quanh xác. Nhiều nội tạng được lấy ra khỏi cơ thể không bị vứt bỏ mà được đặt vào những chiếc bình tang lễ gọi là canopic.
Những chiếc bình này mang ý nghĩa tôn giáo, thể hiện sự tinh xảo trong nghệ thuật và sự quan tâm sâu sắc đến hành trình sang thế giới bên kia của người đã khuất. Quá trình phát triển của các bình này qua các thời kỳ lịch sử Ai Cập còn phác họa một dòng thời gian đầy thú vị, cho thấy thay đổi trong tín ngưỡng và nghệ thuật theo thời gian. Dù không nổi tiếng bằng các xác ướp đặt bên cạnh trong mộ, nhưng bình canopic cũng cuốn hút không kém.
Mục đích nghi lễ của bình canopic
Bình canopic có vài mục đích chính trong nghi lễ tang lễ Ai Cập.
Trước hết là để bảo quản nội tạng. Bình canopic cất giữ một số cơ quan nội tạng quan trọng như phổi, gan, dạ dày và ruột, vốn bị lấy ra trong quá trình ướp xác nhằm ngăn ngừa phân hủy thi thể. Sau khi được lấy ra, các cơ quan này sẽ được làm khô bằng muối và thoa dầu, để có thể bảo tồn lâu dài khi đặt vào trong bình canopic.
Tuy nhiên, chức năng của những chiếc bình này vượt xa mục tiêu bảo quản thể xác. Chúng được coi là yếu tố thiết yếu trong hành trình linh hồn đến thế giới bên kia. Người Ai Cập tin rằng ruột, gan, phổi và dạ dày là những bộ phận quan trọng để người chết bước sang thế giới mới, bởi họ cho rằng những cơ quan này chứa các “thực thể” riêng biệt sống sót sau khi con người qua đời, cùng với những phần khác của cơ thể.
Đặt các cơ quan này vào những chiếc bình được niêm kín nhằm đảm bảo người chết vẫn còn “nguyên vẹn” ở thế giới bên kia, do đó bảo quản kỹ lưỡng là vô cùng quan trọng và những chiếc bình thường được đặt trong cùng ngôi mộ với xác ướp.
Đáng chú ý là không phải tất cả cơ quan nội tạng đều được lưu giữ trong bình canopic. Người Ai Cập tin rằng tim phải được để lại trong cơ thể và đặc biệt họ thường loại bỏ não vì cho rằng bộ phận không đủ quan trọng để bảo quản.
Những chiếc bình đựng nội tạng này tượng trưng cho bốn người con trai của Horus. Ảnh: Wikimedia Commons
Nhiều bình canopic được trang trí bằng hình đầu người, động vật, hoặc các vị thần. Một bộ bình canopic rất phổ biến là bộ Tứ tử của thần Horus. Horus là một vị thần Ai Cập gắn liền với quyền năng và sự chữa lành. Bốn người con của ông bảo vệ bốn nội tạng khác nhau, mỗi người có sự trợ giúp của một nữ thần.
Bình có hình đầu người tượng trưng cho Imsety dùng để giữ gan, được nữ thần Isis bảo hộ. Phổi được đặt trong bình có đầu khỉ đầu chó, tượng trưng cho Hapi (hay Hapy), dưới sự bảo hộ của nữ thần Nephthys. Dạ dày được giữ trong bình có đầu chó rừng của Duamutef, dưới sự trông coi của nữ thần Neith. Ruột được đặt trong bình có đầu chim ưng của Qebehsenuef, được nữ thần Serket bảo vệ.
Hiện diện của Tứ tử Horus chỉ phổ biến từ thời kỳ Tân Vương quốc trở đi. Ý nghĩa là để kêu gọi quyền năng bảo vệ của các vị thần, trong khi các bình canopic thời kỳ trước thường đơn giản hơn, cho thấy nghi lễ tôn giáo này đã phát triển và mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc hơn theo thời gian.
Sự phát triển của bình canopic qua các vương triều Ai Cập cổ đại
Những chiếc nắp hình đầu người thường được dùng làm bình đựng nội tạng trong thời kỳ Vương quốc Trung kỳ của Ai Cập. Ảnh: Wikimedia Commons
Những chiếc bình canopic sớm nhất có từ thời kỳ Cổ Vương quốc của Ai Cập (khoảng năm 2686 - 2181 trước Công nguyên), có thiết kế khá đơn giản. Chúng được chạm khắc từ đá, không có đặc điểm nổi bật hay khắc chữ. Bình canopic thời Cổ Vương quốc đơn thuần chỉ là những chiếc bình mà hình dạng gần giống nhất với một chiếc lọ, vừa đủ để chứa nội tạng bên trong.
Về cuối thời Cổ Vương quốc, một số bình được làm từ chất liệu gốm tốt hơn và có trang trí hoa văn đơn giản, nhưng bước tiến đáng kể nhất là các bình này bắt đầu trở nên phổ biến hơn.
Tới thời kỳ Trung Vương quốc (khoảng năm 2025 - 1795 trước Công nguyên), nắp bình bắt đầu có hình đầu người. Có thể những phiên bản thô sơ trước đó cũng mang ý nghĩa tâm linh, nhưng bình có đầu người thể hiện rõ ràng hơn vai trò tâm linh của vật dụng này, đặc biệt là khi một số trong đó đã bắt đầu mô phỏng hình dáng Tứ tử Horus hoặc thể hiện hình ảnh lý tưởng hóa của người đã khuất. Kiểu thiết kế này duy trì gần như suốt đến thời kỳ Tân Vương quốc.
Thời Tân Vương quốc (khoảng năm 1550 - 1069 trước Công nguyên) chứng kiến thay đổi lớn cuối cùng trong thiết kế bình canopic, chuyển sang dạng đặc trưng với hình ảnh Tứ tử của thần Horus mang đầu thú (và đầu người trong trường hợp của Imsety). Thời kỳ này, nghệ nhân chú trọng hơn đến yếu tố thẩm mỹ: nhiều bình có thiết kế tinh xảo, làm từ chất liệu cao cấp như thạch cao tuyết hoa, canxit hoặc sứ tráng men.
Một số bình còn được khắc thần chú bảo vệ với mục đích giúp bảo quản các phần cơ thể và hỗ trợ người chết trong hành trình sang thế giới bên kia.
Tuy nhiên, dần dần chức năng thực tế của những chiếc bình này giảm sút. Tới thời kỳ Chuyển tiếp Thứ ba (khoảng năm 1069 - 664 trước Công nguyên), kỹ thuật ướp xác đã phát triển đến mức các cơ quan nội tạng thường được đặt lại vào cơ thể. Tuy vậy, những bình canopic “giả” (không chứa nội tạng) vẫn tiếp tục xuất hiện trong các ngôi mộ, cho thấy giá trị biểu tượng vẫn không hề suy giảm.
Nghiên cứu hiện đại
Những chiếc nắp bình đựng nội tạng được sơn màu ở khu vực trưng bày. Ảnh: Wikimedia Commons
Vì bình canopic vừa phổ biến vừa độc đáo, các nhà khoa học và chuyên gia đã nghiên cứu kỹ lưỡng như một chủ đề lịch sử cụ thể. Đã có nhiều nghiên cứu và phân tích mà mỗi nghiên cứu mang lại những góc nhìn mới về mục đích cổ xưa của loại bìnhnayf.
Một nghiên cứu nổi bật được công bố năm 2022. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật ADN cổ để phân tích 140 bình canopic nhằm trích xuất ADN, đánh dấu lần đầu tiên ADN được lấy ra từ các bình này. Họ còn trình bày mô hình phân hủy ADN cổ và các dữ liệu metagenomic toàn diện về vật chất bên trong bình.
Dù ADN bị phân mảnh và chất lượng thấp (có thể do quá trình ướp xác), nhưng nghiên cứu còn cho thấy sự phức tạp trong thành phần vi khuẩn, giúp hé lộ hệ vi sinh vật cổ xưa dù chưa xác định được mầm bệnh cụ thể.
Trước đó, năm 2018, một nghiên cứu khác phân tích mẫu bình canopic và xác ướp để kiểm tra kỹ hơn chất lỏng ướp xác được sử dụng. Bằng phương pháp phân tích không định hướng giống metabolomics, họ phát hiện các chất như sáp ong, nhựa thông và hợp chất từ hạt hồi, qua đó giúp hiểu rõ hơn về công thức ướp xác cổ đại.
Thêm một nghiên cứu khác diễn ra vào đầu năm 2025, khi các nhà khoa học lần đầu tiên thực hiện phân tích hóa học và mùi hương có hệ thống trên nhiều xác ướp Ai Cập thuộc các thời kỳ khác nhau. Họ xác định được “hương thơm của cõi vĩnh hằng”, với những nốt hương gỗ, cay nồng và thảo dược trong vật liệu sử dụng cho nghi lễ tang lễ.
Trong tất cả các trường hợp và nhiều nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã từng bước làm sáng tỏ thêm các nghi lễ tang lễ của người Ai Cập cổ đại. Kết quả cho thấy quá trình ướp xác là một nghi lễ nhiều tầng lớp và mang tính tâm linh, bắt nguồn từ niềm tin sâu sắc vào cuộc sống sau khi chết và hành trình sang thế giới bên kia.
Bình canopic rỗng vẫn tiếp tục xuất hiện trong các thời kỳ sau là minh chứng rõ ràng cho ý nghĩa nghi lễ. Những chiếc bình này không chỉ bảo quản nội tạng mà còn đóng vai trò là vật thể tâm linh quan trọng, tượng trưng cho sự bảo hộ của thần linh khi người Ai Cập chuẩn bị tiễn biệt người thân sang cõi vĩnh hằng.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc