Thành phố Lạng Sơn nhìn từ phía Cột cờ núi Phai Vệ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Lạng Sơn là vùng đất cửa ngõ “phên dậu,” địa đầu của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã cùng đồng bào cả nước anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử những trang vàng chói lọi.
Vị trí địa lý
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc với diện tích tự nhiên 8.310,09km2, hẹp nhất là thành phố Lạng Sơn 77,94km2, rộng nhất là huyện Đình Lập 1.189,56km2.
Lạng Sơn nằm ở vị trí đường quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm nút giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây là Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông là tỉnh Quảng Ninh, phía Nam là Bắc Giang và phía Bắc tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ.
Lạng Sơn là điểm đầu tiên của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng và Lạng Sơn-Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (tham gia hành lang xuyên Á: Nam Ninh-Singapore), là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN. Lạng Sơn cách Nam Ninh là thủ phủ của Quảng Tây, Trung Quốc khoảng 230km, cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km.
Các phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa chờ thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)
Lạng Sơn có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi thấp và đồi chiếm hơn 80%, độ cao trung bình 252 m so với mặt nước biển, nơi thấp nhất là 20m ở phía nam huyện Hữu Lũng và nơi cao nhất là núi Mẫu Sơn 1.541m. Khu du lịch Mẫu Sơn được quy hoạch là khu du lịch Quốc gia, cách thành phố Lạng Sơn 31km về phía Đông.
Dân số Lạng Sơn là 813.978 người tính đến ngày 1/4/2024 theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, đứng thứ 53 cả nước.
Lịch sử hình thành
Khi nước Văn Lang - nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải. Thời Bắc thuộc, Lạng Sơn được xếp vào quận Giao Chỉ, sau đó là Giao Châu. Thời Đinh, nước Đại Cồ Việt ra đời, Lạng Sơn được đặt làm đạo. Thời Lý, hệ thống hành chính được tổ chức quy củ với các đơn vị lộ, phủ, châu, vùng đất Lạng Sơn chủ yếu thuộc Lạng Châu. Năm 1225, nhà Trần thành lập, chia cả nước thành 12 lộ, phủ. Vùng đất Lạng Sơn thuộc lộ Lạng Giang, sau đổi thành phủ Lạng Sơn. Đến năm 1397, phủ Lạng Sơn được đổi thành trấn Lạng Sơn.
Năm 1407, nhà Minh xâm lược nước ta. Đất nước rơi vào ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Sau khi xâm chiếm nước ta, nhà Minh đổi Đại Việt thành Giao Chỉ, chia thành 17 phủ. Lạng Sơn trở thành một trong 17 phủ của Giao Chỉ. Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh, năm 1428, nhà Lê chia đất nước thành 4 đạo: Đông, Nam, Tây, Bắc. Trấn Lạng Sơn được xếp vào Bắc đạo.
Năm 1466, vua Lê Thánh Tông chia nước thành 12 thừa tuyên, trấn Lạng Sơn được đổi thành thừa tuyên Lạng Sơn. Trong thời kỳ Lê Trung Hưng (1533-1789) và nhà Tây Sơn, các đơn vị hành chính cơ bản vẫn được giữ nguyên, riêng châu Lộc Bình của trấn Lạng Sơn đổi tên thành châu Lộc Bằng (do kiêng húy tên của vua Quang Trung).
Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), thừa tuyên Lạng Sơn được đổi thành tỉnh Lạng Sơn gồm 1 phủ và 7 châu. Đến năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), nhà Nguyễn tách 2 châu (Văn Uyên, Thoát Lãng), 2 huyện Văn Quan, Thất Khê (Thất Nguyên cũ) để thành lập thêm một phủ mới là phủ Tràng Định.
Sau khi đánh chiếm đất nước ta, năm 1888, thực dân Pháp xếp tỉnh Lạng Sơn vào quân khu 12. Tháng 8/1891, thực dân Pháp bỏ quân khu để thành lập các đạo quan binh. Lạng Sơn là nơi đóng thủ phủ của đạo quan binh II, gồm 2 phủ (phủ Tràng Khánh và phủ Tràng Định), 2 huyện (Yên Bác, Văn Quan) và 4 châu (Lộc Bình, Ôn Châu, Thoát Lãng, Văn Uyên).
Ngày 20/6/1905, thực dân Pháp lại bỏ đạo quan binh và xác lập lại tên gọi cũ là tỉnh Lạng Sơn. Đầu thế kỷ XX, tỉnh Lạng Sơn có 1 phủ (Tràng Định) và 9 châu (Cao Lộc, Lộc Bình, Châu Ôn, Văn Uyên, Thoát Lãng, Điềm He, Bình Gia, Bắc Sơn, Bằng Mạc). Tháng 8/1939, thực dân Pháp cho đổi một số châu thành phủ, tỉnh Lạng Sơn lúc này có 3 phủ: Tràng Định, Văn Uyên, Cao Lộc, các châu còn lại vẫn giữ nguyên như cũ.
Đội Cứu quốc quân tập luyện tại hang Lùng Đán, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Lạng Sơn là 1 trong 17 tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, địa giới hành chính tỉnh Lạng Sơn có một số thay đổi, tháng 7/1947, Khu ủy 12 quyết định tạm thời chuyển giao huyện Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn cho tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) quản lý; ngày 07/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 48/SL tách huyện Lộc Bình (tỉnh Hải Ninh) sáp nhập về Lạng Sơn. Lúc này, tỉnh Lạng Sơn có 11 huyện, thị: Bằng Mạc, Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Điềm He, Lộc Bình, Ôn Châu, Thoát Lãng, Văn Uyên, Tràng Định và thị xã Lạng Sơn
Sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), ngày 1/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 268/SL thành lập Khu tự trị Việt Bắc gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và huyện Hữu Lũng của tỉnh Bắc Giang.
Ngày 29/7/1956, nhân việc thành lập khu tự trị Việt Bắc, theo Quyết định của Chính phủ, Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Giang đã tiến hành bàn giao huyện Hữu Lũng từ tỉnh Bắc Giang về tỉnh Lạng Sơn.
Ngày 16/12/1964, huyện Điềm He cùng 6 xã của huyện Bằng Mạc hợp nhất thành huyện Văn Quan; huyện Ôn Châu cùng 8 xã còn lại của huyện Bằng Mạc hợp nhất thành huyện Chi Lăng; huyện Văn Uyên và huyện Thoát Lãng hợp nhất thành huyện Văn Lãng. Lúc này, tỉnh Lạng Sơn có thị xã Lạng Sơn và 9 huyện.
Tháng 4/1976, tỉnh Lạng Sơn hợp nhất với tỉnh Cao Bằng thành tỉnh Cao Lạng.
Ngày 29/12/1978, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa VI ban hành Nghị quyết tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, sáp nhập huyện Đình Lập của tỉnh Quảng Ninh vào tỉnh Lạng Sơn. Từ đây, tỉnh Lạng Sơn có 10 huyện và 1 thị xã: Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình, Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan, Văn Lãng, Đình Lập, Tràng Định và Thị xã Lạng Sơn.
Ngày 17/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2002/NĐ-CP, về việc thành lập thành phố Lạng Sơn, thuộc tỉnh Lạng Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Lạng Sơn. Từ đây, tỉnh Lạng Sơn có 10 huyện, 1 thành phố.
Ngày 21/11/2019, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lạng Sơn, theo đó tỉnh Lạng Sơn có 10 huyện và 1 thành phố; 200 xã, phường, thị trấn.
Tính đến ngày 1/12/2024, tỉnh Lạng Sơn có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện và 1 thành phố; 194 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 175 xã, 5 phường và 14 thị trấn./.
Với địa thế hiểm yếu của mình, ải Chi Lăng nhiều lần được chọn làm nơi quyết chiến để tiêu diệt quân xâm lược từ phía bắc. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
(Vietnam+)