Liên hoan phim châu Âu (EUFF) lần thứ 23 sẽ công chiếu 18 bộ phim tuyển chọn từ khắp châu Âu (EU) và Ukraine. Theo ban tổ chức, sự kiện năm nay mang mục đích khám phá các chủ đề đa dạng văn hóa, giới thiệu những câu chuyện từ hành trình cá nhân đến suy ngẫm phức tạp về cuộc sống, với bối cảnh trải dài từ thành phố cổ tích đến xã hội đương đại.
Trailer của Liên hoan phim châu Âu tại Việt Nam lần thứ 23. Video: European Union in Vietnam
Các nhóm màu sắc nổi bật của 18 tác phẩm chiếu tại Liên hoan phim
Nhóm đầu tiên xoay quanh sự trưởng thành và động lực gia đình, với 4 tác phẩm mang các chủ đề về sự phát triển cá nhân, mối liên kết gia đình và sự tự khám phá:
Cô Bé Trầm Lặng (2022), bộ phim chính kịch về những khoảnh khắc kỳ diệu của sự yêu thương và vẻ đẹp thường ngày. Đây là tác phẩm của Ireland tham gia tranh giải Phim truyện quốc tế hay nhất tại Oscar 2023.
20 Ngàn Loài Ong (2023) của Tây Ban Nha, câu chuyện của một cô bé bâng khuâng về bản dạng giới tính, trong đó mối quan hệ gia đình và sự chấp nhận bản thân là chìa khóa.
Nàng Tiên Cá Thì Không Khóc (2022), tác phẩm đến từ Hungary, khắc họa những thử thách và sự trưởng thành về mặt cảm xúc của một cô gái trẻ đang học cách vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Sân Chơi (2021) tập trung vào cách những đứa trẻ bảy, tám tuổi vật lộn với thực tế khắc nghiệt của nạn bắt nạt học đường. Bộ phim nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình vì cách kể chuyện chân thực, là đại diện của Bỉ tham gia hạng mục Phim truyện quốc tế hay nhất tại Oscar 2022.
Nhóm thứ hai nhìn chung bình luận về các vấn đề bản sắc, bức tranh xã hội và sự tự trao quyền, với 3 bộ phim:
Nông Dân (2023), tác phẩm đi sâu vào cuộc đấu tranh của người dân vùng nông thôn Ba Lan đầu thế kỷ XX, sử dụng cách kể chuyện trực quan lấy cảm hứng từ nghệ thuật cổ điển Ba Lan.
Cuộc Chiến Trong Bảo Tàng (2023) kể câu chuyện của một người đàn ông thuộc tầng lớp lao động, người bị tàn tật do bị bọn côn đồ tấn công. Cùng với người bạn mới quen, anh quyết định đứng lên lập kế hoạch trả thù băng đảng tội phạm khét tiếng.
Nhà Soạn Nhạc Xứ Bohemia (2022) theo chân hành trình đấu tranh của một nhạc sĩ, người đối mặt với xung đột giữa tính chính trực của nghệ thuật và áp lực xã hội.
Những Người Con Trai (2024) kể về một nữ cảnh sát quản giáo đoan chính và cuộc gặp gỡ tình cờ trong trại giam, thứ khơi gợi sự giằng xé giữa đạo đức và lòng thù hận.
Nhóm thứ ba là phim tiểu sử hoặc lấy chất liệu từ lịch sử, có 3 tác phẩm:
Semmelweis (2023), bộ phim tiểu sử về Tiến sĩ Ignaz Semmelweis, người đã cách mạng hóa ngành y học bằng cách đưa ra các quy trình khử trùng và đấu tranh chống lại sự phản đối của cơ sở y tế.
Vẫn Còn Có Ngày Mai (2023) là câu chuyện về một người mẹ ở Roma thời hậu Thế Chiến thứ hai, đề cập đến sự hy sinh và niềm hy vọng trong thời kỳ khó khăn.
Người Đàn Ông Không Có Tội (2023) khám phá về những bất công trong lịch sử liên quan đến ngộ độc amiăng, hé lộ các cuộc đấu tranh về mặt cá nhân lẫn xã hội.
Nhóm thứ tư thuộc thể loại hài kịch với các chủ đề nhẹ nhàng hơn, dễ tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả, gồm 4 bộ phim:
Sự Thật Trần Trụi Về Ban Nhạc Zhiguli (2021) kể cuộc tái hợp của một ban nhạc rock lão thành, mang màu sắc vui tươi và đầy sự hoài niệm.
Hội Cá Vàng (2019) xoay quanh một người đàn ông bị liệt nửa người sau tai nạn, tình cờ gặp gỡ Hội Cá vàng - nhóm bốn người khuyết tật sống chung nhà. Ngày nọ, các rắc rối tài chính khiến cả hội bắt đầu chuyến phiêu lưu tới Thụy Sĩ để thực hiện một thương vụ phi pháp.
Vĩ Cuồng (1971), một trong những bộ phim hài châm biếm kinh điển của điện ảnh Pháp xoay quanh sự lạm dụng quyền lực và những giấc mơ tan vỡ trong thế giới sân khấu.
Hương Vị Hạnh Phúc (2023), bộ phim xoay quanh hành trình của một đầu bếp với khao khát tạo ra món ăn hoàn hảo, đồng thời tìm kiếm hạnh phúc cá nhân.
Nhóm thứ năm đề cập đến việc vượt qua những thử thách về giới hạn thể chất và lòng kiên trì, gồm hai bộ phim:
Trốn Chạy (2021) kể về một cô gái trẻ trong hành trình 24 giờ tìm kiếm người bạn trai mất tích. Cuộc rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố ẩn dụ về những khó khăn trong cuộc sống, đồng thời thể hiện lát cắt về xã hội Lithuania đương đại.
Thủ Quân (2022) xoay quanh câu chuyện của một thiếu niên bị chấn thương và phải ngồi xe lăn. Phim theo chân quá trình cậu bé học cách phục hồi, vượt qua khó khăn và kiên trì theo đuổi giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
Nhóm cuối cùng thuộc đề tài LGBTQ+, cũng là nhóm đặc biệt nhất khi chỉ có một ứng viên, tác phẩm Cha Tôi, Marianne (2020). Phim kể câu chuyện của một cô gái trẻ đang cố gắng làm quen với người cha đang chuyển giới, nhấn mạnh thông điệp về sự chấp nhận và tình yêu.
Đăng ký tham gia sự kiện thế nào?
ĐỊA ĐIỂM CHIẾU PHIM
Hà Nội: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ, Ba Đình
TP.HCM: Cinestar 135 Hai Bà Trưng, Quận 1
(Thông tin lịch chiếu cụ thể quý độc giả có thể tham khảo trên website chính thức của Liên hoan phim)
ĐỊA ĐIỂM NHẬN VÉ
Vé miễn phí sẽ được phân phối từ ngày 5/11 tại những địa điểm bên dưới. Mỗi khán giả nhận tối đa tổng bốn vé tự chọn. Khán giả khi tới nhận vé không cần đăng ký trước.
Hà Nội
Phái đoàn EU tại Việt Nam - Tầng 24, Tòa Tây (Sảnh Văn phòng), Trung tâm Lotte, 54 Liễu Giai, Ba Đình
Viện Goethe Hà Nội - 56-58-60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình
TP.HCM
Viện Goethe TP. HCM - 18 số 1, Cư xá Thành Đô, Quận 3