Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền là một khoảnh khắc lạ thường của nước Đức, vốn là một quốc gia nổi tiếng với chính phủ ổn định. Chuyện này mới chỉ xảy ra 2 lần trước đây trong vòng 75 năm kể từ khi nhà nước Đức hiện đại được thành lập.
Tuy nhiên, sự tan vỡ của liên minh trung tả do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu hôm 6/11 cũng đã được dự liệu từ trước, theo New York Times.
Một cuộc thăm dò toàn quốc gần đây cho thấy phần lớn người Đức muốn chấm dứt liên minh "đèn giao thông" này, được đặt tên theo màu sắc của các đảng tạo nên liên minh gồm màu đỏ dành cho đảng Dân chủ Xã hội (SPD), màu vàng dành cho đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ doanh nghiệp và màu xanh lá cây dành cho đảng Xanh.
Theo cùng cuộc thăm dò, chỉ có 14% người trả lời khảo sát vẫn tin tưởng vào liên minh 3 đảng này.
Liên minh cầm quyền ở Đức có dấu hiệu rạn nứt từ tháng 11/2023 dù trước đó nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Ảnh: New York Times.
Mặc dù phe đối lập đang tạo sức ép lên ông Scholz, thủ tướng Đức hôm 6/11 thông báo sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu sớm vào muộn nhất là tháng 3/2025.
Chuyện gì đã xảy ra?
Vào đêm 6/11, Thủ tướng Scholz đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, cũng người đứng đầu FDP, vì những bất đồng về ngân sách năm 2025 và nền kinh tế nói chung. Điều này đã dẫn đến sự kết thúc của liên minh trung tả cầm quyền.
Ban đầu, liên minh "đèn giao thông" này vừa đạt được những thành tựu nhất định vừa chiếm được cảm tình của người dân. Tuy nhiên, vào tháng 11/2023, Tòa án Tối cao Đức ra phán quyết rằng một số phần trong ngân sách chính phủ là vi hiến. Điều này đã báo hiệu cho hồi kết của liên minh cầm quyền.
Trong khi SPD và đảng Xanh muốn chi tiền của chính phủ để khởi động nền kinh tế và thực hiện các quyết sách của họ, FDP lại khăng khăng tuân thủ chặt chẽ "Black Zero", một mức trần nợ được ghi trong hiến pháp nhằm ngăn chặn việc vay các khoản tiền lớn trừ khi có trường hợp khẩn cấp.
Sự đi xuống của nền kinh tế Đức và tỷ lệ chấp thuận chính phủ giảm mạnh đã dẫn đến nhiều rạn nứt trong nội bộ liên minh cầm quyền. Những mâu thuẫn này bị rò rỉ qua các phương tiện truyền thông khiến người dân ngày càng mất niềm tin vào liên minh, gây ra sự mất ổn định giữa 3 đối tác chính trị.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters.
Sắp tới sẽ ra sao?
Thời điểm này, sự sụp đổ của liên minh cầm quyền không đồng nghĩa rằng chính phủ Đức sẽ tan vỡ. Ông Scholz sẽ tiếp tục là thủ tướng cho đến cuối năm 2024.
Ông Scholz đã cam kết sẽ triệu tập một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào ngày 15/1/2025. Giới phân tích dự đoán ông Scholz gần như chắc chắn sẽ thua cuộc bỏ phiếu. Bởi lẽ, khi không có sự hậu thuẫn của FDP, ông Scholz sẽ không còn sự ủng hộ của đa số nhà lập pháp.
Trong trường hợp thủ tướng đương nhiệm thua cuộc bỏ phiếu, ông sẽ yêu cầu tổng thống giải tán chính phủ và ấn định ngày bầu cử mới.
Cuộc bầu cử mới phải diễn ra trong vòng 60 ngày. Trong thời gian đó, ông Scholz có khả năng vẫn là thủ tướng của một chính phủ lâm thời.
Vì các đảng cần có thời gian vận động tranh cử, ngày bầu cử có khả năng cao xảy ra vào cuối ngày 9/3, sớm hơn 6 tháng so với ngày bầu cử được ấn định trước đó là 26/9/2025.
Trong khi đó, SPD và đảng Xanh sẽ phải thuyết phục đảng đối lập bỏ phiếu cho các dự luật của họ theo từng trường hợp cụ thể.
Phe đối lập và chính phủ đương nhiệm có chung lập trường về những vấn đề quan trọng như việc tăng cường quân đội, kiểm soát tình trạng nhập cư bất hợp pháp và tình hình xung đột ở nước ngoài. Do đó, chính sách của Đức về những vấn đề này nhiều khả năng sẽ không thay đổi.
Nguy cơ là gì?
Ngân sách năm tới của chính phủ Đức có thể sẽ khiến các nhà chức trách nước này phải đau đầu. Tuy nhiên, khác với Mỹ, chính phủ Đức sẽ không đóng cửa khi gặp tình trạng thâm hụt ngân sách vì các khoản chi tiêu thường xuyên sẽ giúp trả lương cho nhân viên liên bang.
Liên minh "đèn giao thông" sụp đổ kéo theo sự bất ổn ở Berlin. Ảnh: Shutterstock.
Sự sụp đổ của liên minh trung tả cầm quyền báo hiệu về một kỷ nguyên bất ổn trong nền chính trị Đức, New York Times nhận định.
Liên minh này từng được xem là thước đo cho sự phân cực chính trị ở Đức khi đây là liên minh đầu tiên cần tới 3 đảng kể từ những năm 1960. Từ lúc liên minh lên nắm quyền vào năm 2021 sau giai đoạn tương đối ổn định dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, sự chia rẽ ngày càng trở nên trầm trọng.
Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá xem liệu chiến thắng của ông Trump ở Mỹ có thể thúc đẩy sự trỗi dậy của đảng cực hữu AFD ở Đức hay không.
Trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang hồi tháng 9, các đảng cực hữu và cực tả đều có màn thể hiện ấn tượng. Tuy nhiên, những đảng lớn vẫn có cái nhìn tiêu cực về các tổ chức thiểu số này, khiến việc thành lập liên minh ở các tiểu bang trở nên khó khăn hơn.
Tình hình này có thể báo hiệu về một cuộc tranh chấp lộn xộn tương tự ở Berlin sau cuộc bỏ phiếu toàn quốc, New York Times nhận định.
Tuy nhiên, trước cả lúc diễn ra tổng tuyển cử, phe đối lập đang thúc đẩy bầu cử sớm hơn với lập luận rằng việc trì hoãn bỏ cuộc bỏ phiếu cho đến tháng 3 có thể khiến tình hình nước Đức ngày càng mất kiểm soát, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế có phần đình trệ hiện nay.
Đại Hoàng