Thấy gì từ thắng lợi áp đảo của ông Trump ở loạt bang chiến trường

Thấy gì từ thắng lợi áp đảo của ông Trump ở loạt bang chiến trường
2 giờ trướcBài gốc
Trong cuộc mít tinh khép lại chiến dịch tranh cử tại Ellipse (Washington) hôm 4/11, ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris chỉ trích đối thủ Donald Trump và cho rằng ông không đại diện cho nước Mỹ.
"Chúng ta không giống với người đàn ông ấy", bà Harris tuyên bố.
Hóa ra, người Mỹ lại tìm thấy tiếng nói chung với thông điệp của ông Trump, hoặc ít nhất là phần đông người Mỹ, tờ New York Times nhận định.
Không còn là một chiến thắng ngẫu nhiên
Trước khi cuộc đua vào Nhà Trắng 2024 ngã ngũ, một số người cho rằng ông Trump là một hiện tượng bất thường trong lịch sử chính trị Mỹ và sẽ sớm chìm vào quên lãng.
Tuy nhiên, giả định này đã bị xô đổ khi truyền thông Mỹ rạng sáng 6/11 (giờ miền Đông) đồng loạt đưa tin ông Trump thắng dồn dập tại một loạt bang chiến địa quan trọng gồm North Carolina, Georgia, Pennsylvania, Wisconsin và Michigan, qua đó vượt xa mốc 270 phiếu đại cử tri và nắm chắc chiến thắng chung cuộc.
Hôm 8/11, Đài CNN và NBC News thông báo ông Trump thắng thêm ở bang chiến địa Nevada, tức có thêm 6 phiếu đại cử tri, nâng tổng số lên 301, trong khi bà Harris có 226 phiếu.
Giờ đây, giới phân tích không thể xem chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 là một sự vô tình được nữa.
Kết quả bầu cử cho thấy ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ từ một lượng lớn cử tri. Ảnh: New York Times.
Với sự trở lại Nhà Trắng ngoạn mục, ông Trump đã khắc họa bản thân là một thế lực chính trị với khả năng định hình lại nước Mỹ hiện đại.
Sức nặng của chủ nghĩa dân túy và sự bất mãn của cử tri đối với giới tinh hoa dường như có tác động sâu sắc hơn so với những gì mà cả đảng Dân chủ lẫn phe Cộng hòa có thể hình dung, tờ New York Times nhận định.
Trong khi hàng chục triệu cử tri vẫn bỏ phiếu để ngăn ông Trump trở lại nhiệm sở, ứng viên đảng Cộng hòa vẫn khai thác thành công lối lập luận rằng nước Mỹ đang trên đà trượt dài về mặt kinh tế, văn hóa và nhập cư.
Chiến lược đó đã thuyết phục và giành được sự ủng hộ từ một bộ phận lớn người dân, khiến họ bỏ phiếu cho ông Trump.
Kết quả là, lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ đã bầu một người từng bị kết án lên làm tổng thống. Họ trao quyền lực cho nhân vật từng cố gắng đảo ngược kết quả bầu cử, gián tiếp gây ra cuộc bạo loạn tại Điện Capitol hồi 6/1/2021 và có nhiều phát ngôn cực đoan như đòi bỏ tù "những kẻ thù từ bên trong" hay đưa đối thủ chính trị ra "trước 9 họng súng trường".
Phân cực sâu sắc
Đối với các đồng minh của ông Trump, cuộc bầu cử đã chứng minh cho lập luận của chính trị gia gốc New York rằng Washington dần trở nên thiếu thực tế và nước Mỹ đã mệt mỏi với các cuộc chiến ở nước ngoài, tình trạng nhập cư ồ ạt và sự cực đoan của văn hóa "đúng đắn về mặt chính trị".
"Cuộc bầu cử lần này là một bản chụp X-quang về lập trường của người Mỹ", Peter H. Wehner, cựu cố vấn chiến lược của ông George W. Bush, nói với New York Times. "Dù kết quả có khó chấp nhận đi chăng nữa, người Mỹ phần nào có điểm tương đồng với một người đàn ông không biết giới hạn là gì".
Ông Trump được cho là đã khai thác tốt sự bất mãn và lo lắng của một lượng lớn cử tri trước thềm bầu cử. Ảnh: New York Times.
Thắng lợi của ông Trump cũng xuất phát từ màn thể hiện kém thuyết phục của chính quyền Tổng thống Joe Biden và bà Harris. Dưới thời đảng Dân chủ cầm quyền, nước Mỹ trải qua đợt lạm phát cao và làn sóng nhập cư bất hợp pháp ồ ạt. Cả hai vấn đề này đều không được kiểm soát kịp thời.
Kể từ khi thay thế ông Biden ra tranh cử, bà Harris đã xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo hướng tới sự đổi mới và tích cực, song như vậy vẫn chưa đủ để xoa dịu sự bất mãn của các cử tri.
Phó tổng thống sau đó sử dụng lại chiến lược của ông Biden khi cảnh báo về sự nguy hiểm tiềm tàng nếu ông Trump một lần nữa cầm quyền. Kết quả cuộc bầu cử chứng minh chiến lược này đã không phát huy tác dụng.
"Những người bầu cho họ (đảng Dân chủ) muốn họ đoàn kết đất nước lại nhưng họ lại không làm được", cựu Hạ nghị sĩ Florida Carlos Curbelo nói. "Thất bại của họ đã khiến nước Mỹ vỡ mộng và khiến những người ủng hộ ông Trump bỏ phiếu cho cựu tổng thống, giúp ông ấy thắng với cách biệt sít sao".
Cuộc bầu cử một lần nữa phản ánh sự phân cực sâu sắc của nước Mỹ. Giờ đây, xứ cờ hoa bước vào kỷ nguyên của sự chia rẽ, của những cuộc đối đầu giữa "họ với chúng ta" và các bên không tìm được tiếng nói chung, tờ New York Times nhận định.
Người ủng hộ ăn mừng khi ông Trump thắng dồn dập các bang chiến địa vào rạng sáng 6/11 (giờ miền Đông). Ảnh: New York Times.
Dù nổi tiếng là đất nước theo đuổi chủ nghĩa pháp quyền, nước Mỹ từng có những khoảnh khắc thể hiện sự khát khao về một lãnh đạo cứng rắn. Điều này thường xuất hiện vào những thời điểm nước Mỹ can dự vào các cuộc chiến tranh.
Tận dụng tâm lý đó của người dân, ông Trump đã khắc họa hình ảnh cuộc bầu cử năm nay tương tự một cuộc chiến.
Thời điểm cuộc bầu cử hạ màn cũng là lúc giới quan sát bắt đầu tự vấn về tình hình nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo dưới thời ông Trump.
Marc Short, người từng là cố vấn chính cho cựu Phó tổng thống Mike Pence, dự đoán nước Mỹ sẽ trải qua 4 năm khó lường.
"Tôi dự đoán sẽ có nhiều biến động về mặt chính sách và nhân sự chính quyền", ông Short nhận định. "Không hẳn là sự dao động trong giai đoạn chuyển giao quyền lực mà là biến động trong chính bộ máy của ông Trump. Một vị trí có thể được đảm nhận bởi người này hôm nay nhưng ngày mai sẽ là người khác".
Chiến thắng của ông Trump cũng phần nào phản ánh những luồng định kiến về giới tính trong nền chính trị Mỹ, New York Times nhận định.
Kết quả vòng bỏ phiếu phổ thông công bố hôm 6/11 đánh dấu lần thứ hai ông Trump đánh bại một ứng viên tổng thống là phụ nữ. Trước đó, chính trị gia gốc New York đã đánh bại cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton của đảng Dân chủ vào năm 2016.
Với lịch sử chịu nhiều cáo buộc về hành vi tấn công tình dục phụ nữ của ông Trump, cuộc đua tổng thống năm nay đã biến thành một cuộc trưng cầu ý dân về giới tính và quyền phụ nữ, New York Times nhận định.
Sẽ tương đối khó để chứng minh rằng bà Harris thất cử do tình trạng phân biệt giới tính, song vấn đề giới tính đóng vai trò quan trọng trong cách người Mỹ bỏ phiếu năm nay.
Theo cuộc thăm dò vào cuối tháng 10 của New York Times và Siena, ông Trump dẫn trước bà Harris về sự ủng hộ của cử tri nam giới với tỷ lệ lần lượt là 55 và 41 điểm %.
Phong cách tự tin của ông Trump, cùng những lời hứa về một nền kinh tế bùng nổ, đặc biệt được những người đàn ông da màu và gốc Latin ủng hộ. Điều đó đã giúp ông làm suy yếu một bộ phận cử tri quan trọng vốn là thành trì của đảng Dân chủ.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump công khai nhắm thẳng vào bộ phận cử tri là nam giới với những hình ảnh tiêu biểu như màn xé toạc áo sơ mi của cựu đô vật Hulk Hogan tại Hội nghị Quốc gia Cộng hòa hay bài phát biểu "sặc mùi tính nam" của ông Trump tại quảng trường Madison.
Vào ngày bầu cử, cố vấn Stephen Miller của ông Trump đã kêu gọi trên mạng xã hội rằng "nếu bạn biết bất cứ người đàn ông nào chưa bỏ phiếu, hãy đưa họ đến điểm bầu cử".
Theo kết quả các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau khi họ rời điểm bỏ phiếu, phần lớn người bầu cho bà Harris là phụ nữ trong khi số đông bỏ phiếu cho ông Trump là nam giới.
Đại Hoàng
Nguồn Znews : https://znews.vn/thay-gi-tu-thang-loi-ap-dao-cua-ong-trump-o-loat-bang-chien-truong-post1509465.html