Cần sớm xác lập địa vị pháp lý rõ ràng
Tại Hội thảo Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam trong tình hình mới, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định: Việc tinh gọn, hoàn thiện tổ chức bộ máy là nhiệm vụ chiến lược, nhằm phát triển toàn diện và bền vững kinh tế tập thể, đóng góp vào khát vọng hùng cường của đất nước.
Bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng, cần sớm xác lập địa vị pháp lý rõ ràng cho Liên minh HTX Việt Nam.
Bà Vân nhấn mạnh, định hướng “Tinh, Gọn, Mạnh, Hiệu năng, Hiệu lực, Hiệu quả” do Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra là kim chỉ nam trong đổi mới tổ chức. Trong đó, việc xác định đúng chức năng, nhiệm vụ là nền tảng để xây dựng cơ cấu tổ chức, phân bổ nguồn lực và chi phí phù hợp.
Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện cho HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác, giữ vai trò dẫn dắt khu vực kinh tế tập thể, đồng thời là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với các thành phần kinh tế tập thể, thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến nay, cả nước có 33.364 HTX, gần 121.000 tổ hợp tác và 133 liên hiệp HTX. Khu vực này đóng góp trực tiếp khoảng 5% GDP và gián tiếp hơn 20%, góp phần giảm chi phí sản xuất từ 8-21% và tăng giá bán 10-12%.
Tuy nhiên, địa vị pháp lý của Liên minh HTX Việt Nam chưa được xác định rõ ràng trong các kỳ Luật HTX (1996, 2003, 2012, 2023), dẫn đến sự thiếu nhất quán trong tổ chức, vận hành và quản lý.
Theo bà Vân, Liên minh hiện vẫn lúng túng trong xác định mô hình tổ chức: là hội đặc thù, tổ chức xã hội nghề nghiệp hay tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Sự không rõ ràng này ảnh hưởng đến năng lực đại diện và huy động nguồn lực cho hệ thống Liên minh HTX các cấp.
Trên thực tế, Liên minh đang vận hành theo mô hình hội quần chúng đặc thù, được giao nhiều nhiệm vụ chính trị - xã hội như: tuyên truyền, đào tạo, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng, giảm nghèo, bình đẳng giới, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số...
Bà Vân cho rằng, việc điều chỉnh mô hình tổ chức của Liên minh HTX Việt Nam không chỉ là vấn đề hành chính - pháp lý, mà là chiến lược thể chế, nhằm đảm bảo tổ chức đủ tầm, đủ tính pháp lý và năng lực đại diện cho khu vực kinh tế tập thể - thành phần được xác định là tất yếu, khách quan trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới toàn diện từ tổ chức đến tài chính
Trước yêu cầu đổi mới và tinh gọn bộ máy, các chuyên gia cho rằng Liên minh HTX Việt Nam cần sớm xác định rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động để nâng cao hiệu quả đại diện, hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể.
Theo TS. Nguyễn Tiến Định (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Liên minh HTX Việt Nam không chỉ là tổ chức hội thông thường, mà là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác trên cả nước. Liên minh cần chủ động nắm bắt nhu cầu HTX, hỗ trợ thiết thực như đào tạo, tư vấn, chuyển đổi số, tư vấn đất đai, tín dụng, phát triển vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị.
Đáng chú ý, TS Định đề xuất mô hình hoạt động dựa trên ba trụ cột: Nguồn lực Nhà nước; tự chủ tài chính thông qua cung cấp dịch vụ; và huy động nguồn lực cộng đồng - xã hội. Đây là định hướng giúp Liên minh tăng tính độc lập, mở rộng phạm vi hỗ trợ, đồng thời vẫn giữ được vai trò chính trị được giao.
Trong khi đó, PGS.TS Chu Tiến Quang - nguyên Trưởng Ban Chính sách phát triển kinh tế nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng cần định danh rõ ràng: Liên minh HTX là tổ chức hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, khác biệt hoàn toàn so với các hội dân sự thông thường. Theo Nghị định 126/2024/NĐ-CP và Nghị quyết 20-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người phê duyệt điều lệ và giao nhiệm vụ cho hệ thống Liên minh HTX từ trung ương đến địa phương.
PGS.TS Chu Tiến Quang đề xuất cơ cấu thành viên gồm 3 nhóm: Thành viên chính thức: HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác và cá nhân công dân Việt Nam. Thành viên liên kết: tổ chức có liên quan nhưng không trực tiếp hoạt động HTX. Thành viên danh dự: các cá nhân, tổ chức có đóng góp. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh cần cho phép cán bộ từ các bộ, ngành tham gia làm việc trong hệ thống Liên minh HTX để tăng cường kết nối chính sách.
Về cơ chế tài chính, các chuyên gia đề nghị Liên minh cần chủ động tổ chức các hoạt động có nguồn thu, tăng cường khả năng tự chủ thay vì chỉ phụ thuộc vào ngân sách. Tổ chức phải đóng vai trò là trung tâm hỗ trợ đa năng cho HTX từ đào tạo, quản trị, xúc tiến thương mại, tư vấn pháp lý đến kết nối tín dụng, chuyển đổi số.
Phần mình, PGS.TS Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề xuất, một mô hình tổ chức ba bộ phận chức năng lớn cho Liên minh HTX Việt Nam, nhằm giải quyết bất cập của mô hình cũ và đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới. Theo ông, ba bộ phận này cần phối hợp chặt chẽ nhưng có sự phân định rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ, mỗi bộ phận đảm nhiệm một trụ cột then chốt trong hệ sinh thái kinh tế tập thể.
Bộ máy đại diện - chính trị xã hội - vận động chính sách: Đây là trung tâm trong việc bảo vệ quyền lợi, đại diện tiếng nói của HTX, tổ hợp tác trước Đảng, Nhà nước và xã hội. Bộ phận này có vai trò tham gia xây dựng và phản biện chính sách, thúc đẩy khung pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể.
Bộ máy hỗ trợ - tư vấn - dịch vụ công ích: Đảm nhiệm các hoạt động đào tạo, xúc tiến thương mại, tư vấn pháp lý, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi cung ứng và phát triển thị trường cho các HTX. Đây là nhóm chức năng giúp nâng cao năng lực nội tại cho các HTX.
Bộ máy sản xuất - kinh doanh - đầu tư: Hoạt động thông qua doanh nghiệp trực thuộc hoặc đầu tư góp vốn, nhằm hình thành các đơn vị dịch vụ đầu mối, vùng nguyên liệu, chế biến, logistics… góp phần tạo nguồn lực tài chính và chuỗi giá trị cho khu vực HTX.
Thanh Hằng