Tinh gọn bộ máy là chống lãng phí, vì dân phục vụ

Tinh gọn bộ máy là chống lãng phí, vì dân phục vụ
10 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng bộ máy nhà nước thực sự tinh gọn, vững mạnh, kiên quyết chống lãng phí để phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng bộ máy nhà nước thực sự tinh gọn, vững mạnh, kiên quyết chống lãng phí. Ảnh: QUỐC HỘI
Lãng phí ăn mòn nguồn lực, xói mòn niềm tin
Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt, như chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân bị lãng phí khi thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước cũng bị lãng phí do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả.
Tổng Bí thư nhận định lãng phí gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại kỳ họp Quốc hội tháng 5-2023, trong 10 năm (2012-2022), số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm khoảng 10,2% (tương đương hơn 241.000 người), tuy vậy số còn lại vẫn lớn và nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng “thừa biên chế nhưng vẫn thiếu người giỏi”. Điều này cho thấy sự lãng phí nguồn lực con người khi không được sử dụng hiệu quả.
Mặt khác, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng chỉ ra rằng chi phí tuân thủ TTHC tại Việt Nam ước tính chiếm khoảng 1,5%-2% GDP mỗi năm. Con số này minh họa rõ ràng gánh nặng mà sự rườm rà, lãng phí về TTHC đang đặt lên vai doanh nghiệp và người dân.
Tinh gọn bộ máy không chỉ là hành động chống lãng phí, mà còn là tiếng gọi của tương lai, định hình một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại.
Quyết sách vì một nền hành chính phục vụ
Muốn cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy - một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước - thì phải xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, giai đoạn năm năm (2022-2026), đã thực hiện giảm 5% biên chế công chức; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tính đến ngày 30-10-2024, số biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương đã giảm theo quy định tại các nghị định của Chính phủ là 16.149 người. Như vậy, nếu tính trung bình chi phí lương, phụ cấp cho mỗi biên chế là 15 triệu đồng/tháng thì tổng số tiền tiết kiệm được gần 3.000 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm các tầng nấc trung gian, sáp nhập cơ quan có chức năng tương đồng đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.
Tại nhiều địa phương, thời gian cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh đã giảm đáng kể. Chẳng hạn, Bộ KH&ĐT báo cáo thời gian đăng ký doanh nghiệp hiện nay đã rút xuống chỉ còn ba ngày làm việc (so với năm ngày trước đây), thậm chí nhiều trường hợp chỉ còn 1-2 ngày, giúp doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động.
Khi số lượng phòng, ban, đầu mối giảm, trách nhiệm của cá nhân được đề cao hơn. Điều này khuyến khích cán bộ tự nâng cao năng lực, chủ động hơn trong công việc. Nhiều địa phương đã tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ sau sáp nhập để đảm bảo chất lượng công việc không bị ảnh hưởng, thậm chí còn được nâng cao. Bộ máy tinh gọn giúp việc kiểm tra, giám sát dễ dàng hơn. Số lượng cán bộ ít hơn tại cùng một khâu sẽ giảm thiểu khả năng xảy ra tiêu cực.
Là đầu tàu kinh tế và đô thị đặc biệt, TP.HCM luôn là hình mẫu tiên phong trong việc hiện thực hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy, phòng chống lãng phí.
Riêng quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương haI cấp, TP tính toán có 7.159 nhân sự nhận hỗ trợ nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi. Trong đó, 521 cán bộ, công chức, viên chức khối Đảng; cán bộ, công chức (không bao gồm cấp xã) là 2.015 người; viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 2.767 người.
Cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 1278 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 988 người; 418 người phụ trách công tác Đảng tại các doanh nghiệp nhà nước bị dôi dư sau sắp xếp và 450 trường hợp không đủ điều kiện tái cử, bổ nhiệm.
Đồng thời, TP.HCM đã tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề về phòng, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý tài sản công. TP đang tích cực rà soát và có phương án xử lý đối với hàng ngàn khu đất, nhà đất công bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí nghiêm trọng.
Nhìn chung, với ý chí sắt đá của Đảng, sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy được triển khai một cách kiên quyết và hiệu quả.
Tinh gọn bộ máy không chỉ là hành động chống lãng phí, mà còn là tiếng gọi của tương lai, định hình một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, thực sự vì nhân dân phục vụ. Đó là con đường để đất nước phát triển bền vững, để mỗi người dân cảm nhận được những đổi thay tích cực và đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
TRỊNH THANH TOÀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/tinh-gon-bo-may-la-chong-lang-phi-vi-dan-phuc-vu-post860553.html