Theo thông báo của không quân Ukraine ngày 16/5, một chiếc F-16 của nước này đã rơi trong khi thực hiện nhiệm vụ chặn cuộc tấn công đường không của Nga. Nguyên nhân là do sự cố kỹ thuật, phi công đã kịp thời thoát hiểm.
Tuy nhiên, giới phân tích quân sự, trong đó có chuyên gia Mikhail Khodaryonok (Nga), cho rằng Kiev đã cố ý đưa ra tuyên bố chung chung, nhằm tránh đề cập khả năng máy bay bị bắn hạ bởi tên lửa không đối không tầm xa hoặc tên lửa phòng không Nga.
Tiêm kích F-16 bay trên bầu trời Ukraine ngày 4/8/2024. Ảnh: Getty
Theo ông Khodaryonok, 3 tổn thất liên tiếp trong thời gian ngắn là đòn giáng mạnh vào uy tín của Không quân Ukraine, lực lượng được kỳ vọng sẽ cải thiện cán cân trên không nhờ sự hỗ trợ của phương Tây. Dù vậy, ông cũng nhận định những thiệt hại này khó có thể làm “lung lay” vị thế của F-16 trên thị trường vũ khí quốc tế.
“Đây là một trong những dòng tiêm kích hạng nhẹ thành công nhất. Dù sự việc gây ảnh hưởng nhất định tới hình ảnh của F-16, nhưng không đủ sức làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay hợp đồng đang được triển khai”, ông Khodaryonok nói.
Thách thức chiến lược với Ukraine
Tính đến nay, Ukraine đã công khai ít nhất 3 trường hợp F-16 gặp sự cố. Chiếc đầu tiên được ghi nhận vào tháng 8/2024, được cho là bị bắn nhầm bởi hệ thống Patriot do Mỹ viện trợ. Vụ việc gây chấn động và dẫn tới việc Tư lệnh Không quân Ukraine khi đó, tướng Nikolay Oleshchuk, bị miễn nhiệm. Sự cố thứ hai là vào tháng 4/2025, một phi công F-16 thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ. Khi đó, phía Nga tuyên bố đã bắn hạ chiếc máy bay này bằng hệ thống phòng không hiện đại.
Những tổn thất nói trên phản ánh phần nào thách thức chiến thuật trong việc đưa F-16 vào biên chế thực chiến trong bối cảnh lực lượng phòng không Nga vẫn duy trì khả năng tấn công tầm xa mạnh mẽ. Mặt khác, chúng cũng làm dấy lên nghi vấn về mức độ sẵn sàng và năng lực huấn luyện của các phi công Ukraine, vốn mới chuyển đổi sang vận hành dòng máy bay phương Tây, với hệ thống kỹ thuật và triết lý tác chiến hoàn toàn khác biệt so với các tiêm kích thời Liên Xô trước đây.
Về mặt chiến lược, việc F-16 bị bắn hạ không chỉ là tổn thất quân sự, mà còn mang hàm ý chính trị trong bối cảnh phương Tây coi việc viện trợ tiêm kích hiện đại là yếu tố then chốt để tăng cường sức mạnh phòng không cho Ukraine. Những sự cố liên tiếp có thể làm chậm tiến trình chuyển giao tiếp theo, hoặc buộc các nước tài trợ cân nhắc lại lộ trình triển khai.
Dù vậy, giới phân tích vẫn đánh giá F-16 là nền tảng tác chiến linh hoạt, có khả năng tích hợp vũ khí tiên tiến và tương thích tốt với hệ thống chỉ huy kiểm soát hiện đại của NATO. Câu hỏi lớn hiện nay không phải là liệu F-16 có phù hợp với Ukraine hay không, mà là Kiev có thể khai thác tối đa tiềm năng của nó trong điều kiện chiến tranh điện tử và áp lực tác chiến thực tế hay không.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo TASS