Nga chuẩn bị cho khả năng nối lại quan hệ thương mại với phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một cuộc họp báo ở Moskva. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Putin đã chỉ thị chính phủ chuẩn bị cho kịch bản doanh nghiệp phương Tây quay lại Nga, đồng thời đảm bảo các công ty trong nước được ưu tiên để bù đắp tổn thất do lệnh trừng phạt.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cách đây ba năm, Điện Kremlin thể hiện sẵn sàng khôi phục quan hệ thương mại với các công ty quốc tế. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi vòng đàm phán ngừng bắn tại Ukraine bắt đầu ở Riyadh, Saudi Arabia hôm 18/2.
Cuộc gặp gỡ này diễn ra trong không khí tích cực khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, trưởng đoàn đàm phán của Washington, cùng gợi ý về khả năng dỡ bỏ trừng phạt trong một thỏa thuận tiềm năng. Ngoại trưởng Rubio thậm chí còn nhấn mạnh cơ hội "mở ra một liên minh kinh tế lịch sử giữa Mỹ và Nga".
Tuy nhiên, châu Âu lại bị bất ngờ trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump loại họ khỏi vòng đàm phán và lo ngại về xu hướng xích lại gần nhau giữa Washington và Moskva.
Một trong những chủ đề được bàn thảo là việc hợp tác phát triển các dự án dầu khí ở Bắc Cực. Ông Kirill Dmitriev, lãnh đạo Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), xác nhận sau cuộc họp rằng: "Chúng tôi đã thảo luận về khả năng hợp tác chung ở Bắc Cực".
Trong phái đoàn Nga tham gia đàm phán có ông Vladimir Proskuryakov, một nhà ngoại giao chuyên trách các vấn đề Bắc Cực, làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Canada. Trước khi chiến sự nổ ra, tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil từng có các dự án khai thác dầu và khí đốt ở khu vực này, nhưng đã rút khỏi Nga sau khi chiến sự Ukraine bắt đầu.
Nga vẫn phụ thuộc vào công nghệ phương Tây trong ngành dầu khí, đặc biệt là lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Công ty Novatek của Nga đang gặp khó khăn trong việc mở rộng tổ hợp LNG-2 ở Bắc Cực do lệnh cấm vận của Mỹ đối với thiết bị chuyên dụng. Việc dỡ bỏ trừng phạt có thể giúp Nga thực hiện kế hoạch tăng gấp ba sản lượng LNG, trong khi Mỹ cũng có lợi khi tiếp cận nguồn tài nguyên khổng lồ tại Bắc Cực.
Các doanh nghiệp phương Tây khó quay lại thị trường Nga
Mặc dù có dấu hiệu tích cực về việc nối lại quan hệ thương mại, nhiều công ty phương Tây sẽ khó có thể quay lại thị trường Nga do đã mất thị phần vào tay các đối thủ từ Trung Quốc và Iran.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp phương Tây vẫn mong muốn trở lại Nga. Các nhà quản lý quốc tế từng khẳng định Nga không phải thị trường đầu tư lớn nhất của họ, nhưng lại là một trong những thị trường lợi nhuận cao nhất.
Ví dụ, tập đoàn bán lẻ Pháp Leroy Merlin vẫn duy trì hoạt động tại Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt. Trong lĩnh vực ôtô, các nhà sản xuất châu Âu như Renault-Nissan đã bán cổ phần trong tập đoàn AvtoVaz của Nga với giá tượng trưng chỉ 2 rúp và khó có khả năng được phép quay lại thị trường khi ngành công nghiệp xe hơi Nga đã phục hồi dưới sự thống trị của các hãng nội địa và Trung Quốc.
McDonald's, một trong những thương hiệu quốc tế đầu tiên có mặt tại Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, đã rời đi sau chiến sự Ukraine và được thay thế bởi chuỗi Vkusno & Tochka. Trong năm đầu tiên, thương hiệu Nga này đã phá kỷ lục doanh số của McDonald's. Tương tự, KFC cũng đã bán lại hoạt động của mình cho đối tác Nga Rostiks.
Trong khi nhiều công ty khó quay lại Nga, tập đoàn Boeing có thể là một ngoại lệ do Moskva là nguồn cung cấp titanium quan trọng trong ngành chế tạo máy bay.
Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Denis Manturov cho biết Nga sẵn sàng khôi phục hợp tác với Boeing nếu công ty Mỹ có nhu cầu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Trước hết, các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ. Hiện tại, chưa có ai đưa ra đề nghị nào cả".
Theo ông Dmitriev, việc các công ty Mỹ rút khỏi Nga đã khiến họ thiệt hại tới 324 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Trường kinh tế Kyiv (KSE), tài sản của các doanh nghiệp Mỹ tại Nga chỉ khoảng 52 tỷ USD và mang lại doanh thu 36 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2023.
Nhiều công ty phương Tây miễn cưỡng rời Nga
Người dân mua sắm tại hệ thống siêu thị Auchan ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Dù Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt, chỉ 9% doanh nghiệp phương Tây thực sự rời khỏi Nga hoàn toàn. Theo KSE, chỉ 472 công ty nước ngoài đã rút lui, trong khi 1.360 công ty khác chỉ thu hẹp hoạt động.
Một số tập đoàn, như chuỗi siêu thị Pháp Auchan, vẫn duy trì hoạt động tại Nga vì đã đầu tư hàng tỷ USD và đạt doanh thu gấp nhiều lần con số đó mỗi năm. Ngân hàng Raiffeisen của Áo cũng chưa thể tìm được đối tác mua lại chi nhánh của mình với mức giá hợp lý.
Đáng chú ý, phần lớn doanh nghiệp phương Tây rời Nga đều chuyển nhượng hoạt động cho ban lãnh đạo địa phương, kèm theo điều khoản có thể mua lại nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Mặc dù các thương hiệu phương Tây rời đi, hàng hóa của họ vẫn xuất hiện trên thị trường Nga thông qua nhập khẩu từ các quốc gia thân thiện như Thổ Nhĩ Kỳ và Kyrgyzstan. Chẳng hạn, mẫu iPhone 14 xuất hiện tại Moskva thậm chí còn sớm hơn ở London.
Nga đang trải qua một làn sóng bùng nổ tiêu dùng kể từ khi chiến sự nổ ra, khiến thu nhập khả dụng thực tế đạt mức cao kỷ lục. Các hãng xe sang Đức cũng đang vận động liên minh châu Âu (EU) nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu xe hơi sang Belarus – trung tâm trung chuyển trước khi xe đến Moskva.
Ngoài ra, các công ty Nga ngày càng linh hoạt hơn trong việc né tránh lệnh trừng phạt bằng cách thiết lập chuỗi cung ứng phức tạp với hàng chục công ty trung gian trên toàn cầu. Một nghiên cứu của EU cho thấy Nga có thể sử dụng tới 40 công ty vỏ bọc để nhập khẩu hàng hóa bị cấm vận. Theo KSE, Nga nhập khẩu tới một phần ba công nghệ quân sự từ các công ty phương Tây.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, khối lượng hàng hóa không bị cấm vận nhập khẩu vào Nga hiện đã trở lại mức trước chiến tranh, thậm chí còn cao hơn.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo bne)