Liệu có thỏa thuận lịch sử giữa ông Trump và Iran về hòa bình cho Trung Đông?

Liệu có thỏa thuận lịch sử giữa ông Trump và Iran về hòa bình cho Trung Đông?
9 giờ trướcBài gốc
Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak. Ảnh: Flash90
Trong bối cảnh Trung Đông đầy biến động và những diễn biến phức tạp xung quanh chương trình hạt nhân Iran, cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak nhận định rằng chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể theo đuổi một thỏa thuận lớn mang tính liên kết, bao gồm cả vấn đề Ukraine, Iran và Trung Đông.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với POLITICO, ông Barak nhấn mạnh Iran đã trở thành một cường quốc hạt nhân tiềm năng. Theo ông, Tehran có thể chỉ còn cách việc lắp ráp một đầu đạn hạt nhân vài tuần hoặc vài ngày, và từ 9 tháng đến 1 năm để hoàn thiện vũ khí hóa học. Nếu Iran quyết định đi theo con đường này, không một cuộc không kích chiến thuật nào từ Israel hay Mỹ có thể ngăn chặn hiệu quả.
Cựu Thủ tướng Barak cũng cảnh báo rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể bị cám dỗ thực hiện một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng ông nghi ngờ ông Trump sẽ tán thành điều đó.
Tuy từng có lập trường cứng rắn với Iran trong nhiệm kỳ đầu, tổng thống Trump đã ám chỉ khả năng đàm phán. Tháng trước, ông từng phát biểu “Chúng ta không thể hoàn toàn nhúng tay vào mọi thứ… Nhưng Iran không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Ông Barak cho rằng chính quyền Trump có thể tìm kiếm một thỏa thuận lớn bao gồm các cuộc đàm phán với Moskva, trong đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đóng vai trò kêu gọi giúp thuyết phục Tehran dừng các hành động chống lại Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel. Thỏa thuận này có thể bao gồm một hiệp ước hạt nhân mới với Iran, được quốc tế bảo trợ.
Iran đã thể hiện ý định sẵn sàng đối thoại. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố hôm 16/11 rằng Tehran sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân.
Một bước ngoặt thú vị khác là báo cáo cho biết tỷ phú Elon Musk, người được đề cử giữ vị trí lãnh đạo Bộ “Hiệu quả chính phủ”, đã gặp đại sứ Iran tại Liên hợp quốc để thảo luận các cách giảm căng thẳng giữa Washington và Tehran.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể không làm hài lòng Netanyahu và phe cánh hữu cực đoan trong chính phủ Israel. Cựu thủ tướng Barak nhận định rằng ông Trump, với tư duy thực dụng, có thể không ủng hộ các chính sách mà chính phủ Israel mong muốn.
Barak chỉ trích cách tiếp cận của Netanyahu đối với Gaza, đặc biệt là sau các cuộc tấn công ngày 7/10. Ông nhấn mạnh đánh bại Hamas không thể chỉ đơn giản là giết thêm 20.000 người dân vô tội hoặc 2.000 chiến binh Hamas, thay vào đó, cần có một kế hoạch khả thi để đưa các con tin trở về và chuyển giao quyền lực chính trị tại Gaza cho một thực thể hợp pháp, chẳng hạn như Chính quyền Palestine (PA), với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Ông Barak cũng thẳng thắn chỉ trích nội các hiện tại của Israel, bao gồm những phần tử cực đoan.
Cuối cùng, ông Barak kết luận rằng Thủ tướng Netanyahu đang đối mặt với nguy cơ chính trị lớn nếu chiến tranh tại Gaza kết thúc. Ông dự báo: “Ngay khi tiếng súng ngừng, sẽ có những cuộc điều tra quốc gia về các sai lầm an ninh và chính trị dẫn đến thảm kịch ngày 7/10. Yêu cầu từ chức của thủ tướng Netanyahu sẽ gia tăng và một cuộc bầu cử sớm có thể xảy ra”.
Trong bối cảnh này, những bước đi của tổng thống đắc cử Trump trong nhiệm kỳ mới sẽ định hình không chỉ tương lai của Trung Đông mà cả mối quan hệ Israel-Mỹ.
Việt Dũng/Báo tin tức (Theo Politico)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/lieu-co-thoa-thuan-lich-su-giua-ong-trump-va-iran-ve-hoa-binh-cho-trung-dong-20241121164843021.htm