Sự yêu thương, quan tâm và kiên trì của gia đình giúp chứng tự kỷ ở trẻ được cải thiện. (Ảnh: Bệnh viện Nhi T.Ư) Tại Nhật Bản và cũng như các nước tiên tiến trên thế giới, việc áp dụng y học tái tạo, tế bào gốc dành cho trẻ tự kỷ vẫn là một khái niệm tương đối mới. Các nhà khoa học Nhật Bản đã tách tế bào gốc tủy xương, tế bào gốc tạo máu từ chính tủy xương của trẻ tự kỷ và tiêm tĩnh mạch trở lại cơ thể trẻ, giúp tái tạo, phục hồi các tế bào thần kinh bị tổn thương. Phương pháp này mở ra triển vọng đối với trẻ tự kỷ mà nguyên nhân do bệnh lý như tổn thương não, thần kinh. Tiến sĩ, bác sĩ Takahiro Honda - thuộc Viện nghiên cứu và điều trị cấy tế bào gốc Tokyo - cho biết: "Việc xác định được những trường hợp nào phù hợp hoặc không phù hợp với phương pháp này là thách thức do liên quan mật thiết đến nguyên nhân gây ra tự kỷ. Hiện tại, nguyên nhân gây ra tự kỷ vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn. Nếu trong tương lai, các nguyên nhân này được làm rõ, triển vọng sẽ tốt hơn". Điều tra của cả các cơ quan nhà nước và tư nhân tại Nhật Bản đều cho thấy tỷ lệ trẻ mắc tự kỷ (hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ) đang có xu hướng tăng. Theo điều tra của Bộ Y tế Nhật Bản, tỷ lệ mắc tự kỷ khoảng 1%, trong khi điều tra của các viện nghiên cứu là khoảng 2 - 3%. Các nhà khoa học Nhật Bản đang áp dụng phương pháp này với khoảng 500 trẻ bị tự kỷ với kết quả rất khả quan, mở ra hy vọng điều trị từ gốc. Liên quan đến vấn đề này, báo Sức khỏe và Đời sống cũng đã thông tin, tự kỷ hiện nay đang trở thành căn bệnh đáng lo ngại với số ca mắc gia tăng trên toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về rối loạn phổ tự kỷ công bố vào tháng 3/2022, tỷ lệ trẻ em mắc chứng bệnh này là 1%, nghĩa là cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Hiện nay, thế giới chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn cho trẻ em mắc tự kỷ, song việc phát hiện sớm, can thiệp sớm và đúng cách sẽ giúp trẻ cải thiện đáng kể tình trạng bệnh lý của trẻ, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong nỗ lực tiên phong nhằm tìm ra liệu pháp mới để điều trị tự kỷ, Viện Nghiên cứu tế bào gốc Tokyo (Tokyo Stemcell Research Institute – TSRI) đã mang đến hy vọng cải thiện hiệu quả cho những trẻ em mắc bệnh tự kỷ bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc.
Bình Nguyên