Trước vấn đề trên, trong cuộc họp diễn ra ngay sau khi phía Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam (ngày 3-4-2025) của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Đúng như nhấn mạnh của người đứng đầu Chính phủ, nền kinh tế nước ta đã nhiều lần vượt qua những cú sốc, với những đối sách chủ động, linh hoạt, hiệu quả.
Chứng minh cho điều này, những năm qua, trong bối cảnh trải qua đại dịch Covid-19, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, chiến tranh thương mại giữa một số quốc gia, thiên tai, biến đổi khí hậu..., chúng ta vẫn chứng kiến quy mô thương mại của Việt Nam tăng trưởng. Điển hình là năm 2024, tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục 786,29 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua mốc 400 tỷ USD. Đây là thành tựu quan trọng trong nỗ lực phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam, đưa nước ta vươn lên vị trí 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu.
Kết quả này khẳng định, Việt Nam luôn nhất quán trong chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và cùng phát triển. Việt Nam luôn là một đối tác đáng tin cậy với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), nổi bật như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Những hợp tác hiệu quả về thương mại đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Quá trình hợp tác, Việt Nam luôn nghiêm túc thực thi các cam kết thương mại quốc tế với các đối tác, bao gồm trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Đặc biệt, Việt Nam luôn kiên trì hiện thực hóa chiến lược dài hạn là đa dạng hóa thị trường, với nhận thức đúng đắn, phù hợp thực tế thương mại toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc đơn phương.
Trở lại vấn đề Hoa Kỳ công bố áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ ngày 9-4-2025, hiện cấp có thẩm quyền của nước ta đã gửi văn bản đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
Rõ ràng, từ vấn đề Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhìn rộng ra có thể thấy, chúng ta cần hết sức bình tĩnh để tìm giải pháp thích ứng thương mại toàn cầu trong tình hình mới. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều phải thể hiện cho được hình ảnh nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, là đối tác tin cậy và sẵn sàng đối thoại có lý, có tình trên tinh thần xây dựng nhằm tìm ra phương án tối ưu cho tất cả các bên.
Trong nguy có cơ, từ một vụ việc cụ thể, chúng ta cần nhìn nhận toàn diện vấn đề để xác lập đường đi dài hơi hơn cho lĩnh vực thương mại. Đó là tiếp tục quan tâm việc chuyển đổi mô hình xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu gia tăng về chất, hàm lượng công nghệ; đồng thời tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Tiếp đến, cùng với tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đây cũng là thời điểm thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế trong nước phát triển, với động lực quan trọng là kinh tế tư nhân.
Ở góc độ cộng đồng doanh nghiệp, cần tận dụng thế mạnh sẵn có các hiệp định thương mại tự do cùng các cơ chế hợp tác song phương. Các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của thị trường nhập khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.
Trên bình diện chung, các bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm được chỉ ra trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” là: “Giai đoạn từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để định hình và xác lập trật tự thế giới mới. Những thay đổi này đang tạo ra một môi trường quốc tế đa chiều hơn, mở ra những vận hội lớn cùng nhiều thách thức lớn cho đất nước.
Trong giai đoạn giao thời, quá độ giữa cái cũ và cái mới, các nước vừa và nhỏ thường bị đặt ở thế bị động, không kịp thích ứng. Trong lần chuyển đổi này, nếu không kịp thời bắt nhịp với thế giới, nhận diện và tranh thủ cơ hội để đặt đất nước vào đúng dòng chảy của thời đại trong 10 năm, 20 năm tới, nguy cơ tụt hậu sẽ hiện hữu hơn bao giờ hết”.
Chí Kiên