Linh hoạt đưa các chính sách an sinh xã hội đến với người dân

Linh hoạt đưa các chính sách an sinh xã hội đến với người dân
4 giờ trướcBài gốc
Tuyên truyền viên bảo hiểm xã hội (bìa trái) tại về cơ sở
Điểm sáng
Trước năm 2017, người dân A Lưới chủ yếu dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có BHYT. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách BHXH đi vào thực tiễn, A Lưới trở thành đầu tàu trong việc thực hiện chính sách an sinh này.
Theo ông Võ Đại Quang, Giám đốc BHXH huyện A Lưới, mỗi khó khăn là một bài toán và giải pháp là tập trung vào BHXH tự nguyện. “Huyện có ít doanh nghiệp, đa phần là quy mô nhỏ, do đó BHXH bắt buộc rất khó phát triển. Thay vì đi theo hướng không khả thi, chúng tôi chọn BHXH tự nguyện là mũi nhọn và đã gặt hái nhiều kết quả tích cực”, ông Quang chia sẻ.
Bên cạnh đó, Huyện ủy A Lưới cũng lãnh, chỉ đạo việc đưa chỉ tiêu tham gia BHXH tự nguyện vào kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cấp ủy, tổ chức, đoàn thể. Chính sự quyết liệt này đã giúp A Lưới có những bước tiến mạnh mẽ.
Bà Hồ Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo cho hay: “Chúng tôi đã bám làng, bám bản, đối thoại trực tiếp với bà con, nhất là sử dụng tiếng dân tộc để tuyên truyền”. Xã A Ngo nằm trong khu vực với 80% dân số là người DTTS, đời sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, làm rẫy, khiến việc tiếp cận chính sách BHXH gặp nhiều trở ngại.
Thấu hiểu những khó khăn của bà con khi tiếp cận chính sách an sinh xã hội, chị Hồ Thị Hoa, một đại lý thu BHXH tại xã A Roàng, xuất thân là người dân tộc Pa Cô, luôn đồng hành cùng người dân khi tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. “Có người đi rẫy cả tháng mới về, tôi phải đi bộ hàng km để tìm gặp họ, giải thích từng chút một về lợi ích của BHXH tự nguyện”, chị Hoa kể lại.
Ngoài thuyết phục, chị Hoa còn trực tiếp hỗ trợ người dân trong việc làm hồ sơ, hướng dẫn cách đóng BHXH linh hoạt theo thu nhập. Anh Hồ Văn Tài, một nông dân tại xã A Roàng chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ BHXH chỉ dành cho cán bộ, công nhân viên chức. Nhờ chị Hoa giải thích cặn kẽ, tôi mới hiểu đây là cách để sau này mình có lương hưu, không phụ thuộc vào con cái”. Nhờ sự kiên trì của chị Hoa, xã A Roàng đã có gần 100 người dân tộc Pa Cô tham gia BHXH tự nguyện, mở ra cánh cửa an sinh cho nhiều gia đình.
Không chỉ có sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, hệ thống đại lý thu cũng đóng vai trò quan trọng. Họ vừa là người thu phí, vừa là cầu nối giữa chính sách và người dân. “Chúng tôi không đợi người dân đến đóng tiền, mà phải chủ động gặp gỡ, tư vấn và đồng hành cùng bà con”, một chủ đại lý thu tại thị trấn A Lưới nói.
Phát triển bền vững
Hiện tại, toàn huyện A Lưới đã có 1.851 người tham gia BHXH tự nguyện và tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 98,02% dân số. Con số này đã phản ánh được sự thay đổi tích cực từ việc vận động người dân tham gia các loại bảo hiểm. Dù vậy, huyện vẫn tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn.
Theo ông Võ Đại Quang, BHXH huyện đang tập trung vào các nhóm lao động tự do, tiểu thương, người kinh doanh cá thể. “Chúng tôi tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động, hướng đến nhóm hộ gia đình thoát nghèo, người bán hàng online chưa tham gia BHXH. Khi người dân nhận thấy lợi ích, họ sẽ tự nguyện tham gia”, ông Quang nhấn mạnh.
BHXH huyện cũng kiến nghị chính quyền địa phương tiếp tục có các chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho những nhóm dân cư đặc biệt khó khăn. “Chúng tôi không chỉ vận động, mà còn tìm kiếm các nguồn tài trợ để hỗ trợ kinh phí cho những người yếu thế, giúp họ có cơ hội tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội”, ông Quang nói.
Bài, ảnh: Hải Băng
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/doi-song/linh-hoat-dua-cac-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-den-voi-nguoi-dan-151074.html