Linh hoạt nguồn vốn nhà nước tham gia dự án PPP

Linh hoạt nguồn vốn nhà nước tham gia dự án PPP
5 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Ảnh: VPQH
Tăng tỷ lệ vốn nhà nước để "hút" nhà đầu tư
Sáng 30/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Trong đó, về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung quy định khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao Bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ sáng 30/10. Ảnh: Đ. KHOA
Về cơ chế tài chính đối với dự án PPP, Dự thảo Luật cho phép áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.
Đồng thời, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; bổ sung các nguồn vốn thanh toán để chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp dự án PPP và xác định thứ tự ưu tiên khi sử dụng các nguồn vốn này, gồm: dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước dành cho chi đầu tư phát triển.
Thảo luận tại Tổ về Dự án Luật, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án PPP để thu hút nhà đầu tư, nhất là những dự án đòi hỏi kỹ thuật cao. "Để thu hút được nhà đầu tư vào các dự án khó thì phần góp của Nhà nước phải vượt tỷ lệ hiện nay là 50% nhưng không quá 70%" - Phó Thủ tướng nói.
Đối với các dự án đi qua những vùng kinh tế khó khăn, sự tham gia của Nhà nước là rất cần thiết để thu hút nhà đầu tư. Do đó, việc bổ sung quy định vốn nhà nước tham gia không vượt quá 70% tổng vốn đầu tư là hợp lý.
Đại biểu Trần Hồng Minh (Đoàn Cao Bằng)
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phân tích, doanh nghiệp dự án PPP nếu có 70% vốn nhà nước sẽ trở thành doanh nghiệp nhà nước. Điều này gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp dự án PPP với các đơn vị do Nhà nước nắm giữ vốn khác.
Theo đại biểu, việc tăng tối thiểu vốn nhà nước tại dự án PPP lên 70% là mâu thuẫn với quy định hiện hành về phân loại, quản lý doanh nghiệp nhà nước. Do đó, đại biểu Cường kiến nghị tách riêng dự án PPP với phần giải phóng mặt bằng. Nhà nước sẽ chi phần vốn thực hiện giải phóng mặt bằng và chi phí này không tính vào vốn góp chung tại dự án PPP, để đảm bảo vốn nhà nước tại đây là 50%.
Cùng với đó, Chính phủ cần có cơ chế xử lý rủi ro, quy định trách nhiệm cơ quan phê duyệt dự án để chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư.
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu thảo luận. Ảnh: Đ. KHOA
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) chỉ rõ, Luật PPP năm 2020 còn thiếu quy định về hỗ trợ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm không do lỗi của nhà đầu tư, dẫn đến một số dự án gặp khó khăn trong giai đoạn vận hành, khai thác. Điều này làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, gây khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án mới.
"Cần nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo Luật điều khoản cụ thể quy định về các trường hợp cần bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ đối với các dự án PPP ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật này có hiệu lực, gồm cả những dự án đang trong quá trình vận hành, khai thác. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng, cơ chế chia sẻ rủi ro của nhà đầu tư, bên cho vay khi thực hiện trong các trường hợp này” - đại biểu Trần Văn Tuấn đề xuất.
“Hồi sinh” hợp đồng BT
Trong lần sửa đổi này, Chính phủ cũng đề xuất tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này (như: tổng mức đầu tư phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định cụ thể, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án).
Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu thảo luận. Ảnh: LÂM HIỂN
Theo đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) việc "hồi sinh" hình thức hợp đồng BT vào Dự thảo Luật lần này là một bước đi rất quan trọng và cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng mọi khía cạnh để đảm bảo sự ổn định của chính sách.
Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta đang e ngại vấn đề chênh lệch giá trị quỹ đất thực tế tại thời điểm giao so với dự kiến trong hợp đồng. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh việc các doanh nghiệp ứng trước một số vốn khổng lồ và chịu những chi phí phát sinh không ngừng trong suốt quá trình triển khai dự án là điều không dễ dàng.
Những thủ tục hành chính, việc giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài có khi lên tới hàng chục năm, khiến chi phí vốn đội lên, trong khi các lợi ích từ dự án vẫn chưa thể sinh lời.
"Nếu không đảm bảo quyền lợi và sự ổn định của doanh nghiệp, liệu chúng ta có thể kỳ vọng thu hút được các nhà đầu tư khác vào phát triển hạ tầng một cách bền vững hay không?" - đại biểu đặt vấn đề.
Trong Dự thảo Luật lần này, thay vì quá tập trung vào kiểm soát sự chênh lệch giá trị đất - một yếu tố khó lường và luôn biến động theo thị trường, nên chú trọng vào việc đơn giản hóa và tháo gỡ các thủ tục pháp lý - đại biểu Nguyễn Như So kiến nghị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, so với đầu tư công, đầu tư theo hợp đồng BT có lợi thế, như tận dụng vốn từ khu vực tư nhân, nhà đầu tư chủ động được nguồn vốn để đẩy nhanh xây dựng công trình.
Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An đã được Quốc hội cho áp dụng loại hợp đồng BT, trong khi nhiều địa phương khác kiến nghị được tiếp tục thực hiện loại hợp đồng này. Do đó, Bộ trưởng cho rằng việc mở rộng áp dụng là cần thiết để khai thác tối đa lợi thế của loại hợp đồng này.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy định tại Dự thảo Luật hiện tại vẫn chưa giải quyết được các vấn đề đặt ra khi dừng thực hiện loại hợp đồng BT trong thời gian qua.
“Để bảo đảm tính khả thi của quy định về loại hợp đồng này, đề nghị quy định theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đối với cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT theo nguyên tắc đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, hạn chế trong việc thực hiện, phát huy lợi thế của loại hợp đồng BT, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Đ. KHOA
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/linh-hoat-nguon-von-nha-nuoc-tham-gia-du-an-ppp-35946.html