Với món quà này, cộng đồng kiều bào đã cho thấy đóng góp của bản thân trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Tuy vậy để có sự ủng hộ đó thì họ phải chịu đựng rất nhiều khó khăn để khẳng định vai trò và một lòng hướng về quê hương.
Bằng việc lần giở lịch sử và tiếp xúc với các nhân chứng, họa sĩ người Pháp mang dòng máu Việt Clément Baloup đã kể lại những trang sử bị bỏ quên qua hai tiểu thuyết đồ họa (Graphic novel): Ký ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt đến Pháp giữa Thế chiến II và Ký ức kiều bào: Chân đăng – Phu mỏ người Việt ở Tân thế giới.
Bìa sách Ký ức kiều bào:Lính thợ - Lao động Việt đến Pháp giữa Thế chiến II và Ký ức kiều bào: Chân đăng – Phu mỏ người Việt ở Tân thế giới. Sách do NXB Kim Đồng ấn hành, Hoàng Thanh Thủy dịch.
Lính thợ ở Pháp
Ở tác phẩm đầu tiên, Baloup đã bám theo công trình Nhập cư cưỡng bức – Lính thợ Đông Dương ở Pháp của tác giả Pierre Daum để tái hiện câu chuyện của khoảng 20.000 lính thợ (hay ONS), một cách gọi các lao động người Việt Nam bị trưng tập bắt buộc sang Pháp làm việc trong Thế chiến thứ II (1939-1945) mà gần như đã bị quên lãng.
Bằng những điều tra, nghiên cứu của Daum, Baloup đã phủ nhận những chuyến bay đưa lính Pháp hồi hương trong đó có nhiều gia đình Việt Nam sau trận Điện Biên Phủ 1954 là những sự kiện đầu tiên đánh dấu có người Việt đến Pháp mà điều đó đã xảy ra từ hơn hai thập niên trước.
Với lợi thế hình ảnh kết hợp với nội dung, Lính thợ - Lao động Việt đến Pháp giữa Thế chiến II không chỉ kể lại câu chuyện về những người Việt bị ép đến các nhà máy vũ khí, những ruộng muối hay cánh đồng lúa… mà còn tái hiện câu chuyện vì sao Pierre Daum lại khám phá ra trang sử buồn.
Theo đó, khi đang cộng tác với tờ Liberation thì vào một ngày nọ, khi đến nhà máy Lustucru ở thành phố Arles để đưa tin về nguy cơ đóng cửa, vị nhà báo này đã vô tình đi ngang qua Bảo tàng Lúa gạo. Ở đây ông đã nhìn thấy một bức ảnh ghi chú: “Năm 1942, các nông dân Đông Dương đã đến trồng lúa ở Camargue”.
Hình ảnh Daum tìm thấy với chú thích: "Năm 1942, các nông dân Đông Dương đã đến trồng lúa ở Camargue" trong Bảo tàng lúa gạo. Ảnh: Tư liệu
Cảm thấy bất ngờ và nghĩ đây là đề tài chưa có người khai thác, có thể gây chú ý trong giới xuất bản, Daum đã ký hợp đồng với NXB Actes Sud để phát hành cuốn đầu tiên trong loạt sách Lưu trữ thời thuộc địa.
Nhờ khoản ứng trước mà Daum đã đi khắp nơi để tìm gặp các nhân chứng còn lại từ Pháp cho đến Việt Nam, qua đó khám phá những câu chuyện khắc nghiệt về những người không được lựa chọn số phận của mình.
Những người đến đây cũng rất phong phú, trong đó số ít là những người biết nói tiếng Pháp, muốn khám phá nước Pháp nên đã tự nguyện đăng ký. Nhưng con số này chỉ khoảng vài trăm, bởi phần lớn đều tuyển lựa một cách bạo lực, cưỡng chế từ tầng lớp nông dân nghèo khó và cam chịu.
Sau khi được “chọn”, họ phải ở trong các nhà kho tập trung đến hàng tháng trời trước khi bị tống vào các hầm tàu vốn dùng để chứa hàng hóa. Và khi đến Pháp họ cũng không nhanh chóng được tự do mà thay vào đó là bị đẩy vào tù, chịu đựng cái đói, cái rét trước khi bị đưa đến các nhà máy sản xuất vũ khí, ruộng muối hoặc nhà máy dệt với điều kiện lao động khủng khiếp, chịu đựng ruồi muỗi, mùa hè nóng nực, mùa đông rét buốt cũng như các vết thương do bột thuốc súng gây ra…
Họ cũng phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc khi đa số đều bị người dân chính quốc “đè đầu cưỡi cổ”. Làm việc quần quật suốt nhiều năm nhưng họ không được lãnh một đồng lương nào, tên tuổi cũng bị xóa mờ chỉ còn những con số, trong khi nỗi hoài hương thì vẫn cồn cào.
Tuy vậy theo thời gian những người Việt xa xứ này nhanh chóng làm quen với người Pháp và có khoảng 3.000 người đã nhanh chóng lập gia đình, dẫn đến số đông quyết định ở lại dù họ nhiều dịp có thể về đoàn tụ gia đình sau khi Thế chiến kết thúc, diễn ra từ năm 1948 đến 1952.
Tác giả Clement Baloup (thứ 3 từ trái sang) sinh năm 1978, có bố là người Việt trong số những kiều bào bị cưỡng bức lao động đã đến nước Pháp.
Daum và Baloup cũng cho thấy đóng góp của những người Việt xa xứ này khi ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần Người đến đây để tham gia hội nghị Fontainebleau, sau đó là gom góp nguồn lực gửi về quê hương.
Không dừng ở đó, cuốn sách còn cho thấy nỗ lực của rất nhiều người không muốn câu chuyện này bị quên lãng. Theo đó khi tác phẩm của Daum ra mắt, không ít người dân Camargue nói riêng và người Pháp nói chung không muốn đón nhận sự thật bởi họ không muốn bị “định vị” như một dân tộc áp bức.
Nhưng nhờ nỗ lực của cộng đồng người Việt và các nhân chứng sống, mà vào tháng 10 năm 2014, một công trình tưởng niệm quốc gia đã được khánh thành trước tòa thị chính của nơi này, trong đó Quận trưởng của quận Arles đã nhắc lại rằng: “Bằng cách dựng tượng đài tại nơi đây của nền cộng hòa, chúng ta trả lại cho những con người ấy vị trí mà chúng ta còn nợ trong ký ức quốc gia”.
Công trình tưởng niệm quốc gia ghi nhớ những lao động Đông Dương bị cưỡng bức đến Pháp tại Camargue. Ảnh: RFI
Hy vọng và bi kịch tại “Tân thế giới”
Thế nhưng đó cũng không phải lần đầu tiên mà lao động Việt đi ra nước ngoài bởi vào năm 1891, đoàn người đầu tiên đã cập bến New Caledonia sau những tuần dài lênh đênh trên con tàu Le Chéribon gồm 791 lao động Bắc Kì rời cảng Hải Phòng.
Tuy vậy cũng giống thành phần đến Pháp, trong số đó chỉ khoảng 50 dân phu là tình nguyện đi theo hợp đồng để trở thành “chân đăng”, còn lại số đông là những tù khổ sai Côn Đảo. Họ được đưa đến đây để lấp đầy tình trạng thiếu nhân lực khi New Caledonia lúc này rất giàu tài nguyên như niken, crom, cobalt…
Ở Việt Nam, New Caledonia khi ấy được gọi là Tân Đảo hay Tân Thế Giới với ý nghĩa ngập tràn hy vọng. Từ năm 1891- 939, ước tính có khoảng 3.300 lao động ở đây (trừ nạn đói năm 1928 khiến một năm sau ghi nhận ở đây có khoảng 6.400 người Việt).
Trong đó nghèo đói là nguyên nhân chính khiến người Việt đến đây bởi thu nhập có khi cao gấp 30 lần lúc còn ở Đông Dương. Nhưng không chỉ có thế, Baloup còn cho thấy những nguyên nhân phức tạp hơn, như một số người đơn giản là bị bạn bè rủ rê trong khi những người khác thì tìm thấy ở đó phương cách tránh khỏi tình huống bị gia đình ràng néo như hôn nhân sắp đặt...
Ban đầu họ ký một hợp đồng lao động kéo dài 5 năm, nhưng rồi đã nhanh chóng nhận ra đó chỉ là lời hứa suông. Năm tháng cứ thế nối dài, họ không thấy ngày về. Trong khoảng thời gian sinh sống trên hòn đảo mà người Việt gọi là Hòn Sỏi, họ phải trải qua điều kiện làm việc khủng khiếp gần như nô dịch trong các hầm mỏ và đồn điền.
New Caledonia tươi đẹp nhưng ẩn sau đó là "địa ngục".
Cuốn sách được kể dựa trên góc nhìn của nhiều nhân vật hư cấu, nhưng trong đó đáng quan tâm nhất là từ một người phụ nữ - giới ít được quan tâm trong lịch sử thành văn. Trong thực tế, phụ nữ đến đây cũng không hề ít, với tỉ lệ năm đàn ông một phụ nữ. Nhiều người trong số họ bị cưỡng hiếp, lạm dụng. Nhưng cũng tại đây, rất nhanh chóng, những cặp đôi với sức trẻ và tình yêu đã tìm đến nhau để tạo dựng gia đình và nuôi dạy con cái.
Cũng như ở Pháp, tại Tân Đảo họ bị bóc lột, phân biệt chủng tộc. Bởi Thế chiến II bùng nổ, họ không được đưa về quê nhà đúng hạn nên nhiều người đã đấu tranh đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc trong lúc chờ được hồi hương. Tuy vậy điều này không hề dễ dàng và nhiều biến cố đã xảy ra khiến không ít người bỏ mạng.
Baloup cũng rất tinh tế khai thác mạch truyện về những người bản địa Kanak dũng cảm đứng lên giành quyền lợi. Từ đó, khi Bộ luật Bản địa bị bãi bỏ ngày 7.4.1946, những người lao động người Việt này đã tận dụng quyền "thường trú tự do" được công nhận cho tất cả các dân phu có hợp đồng để nhảy việc và đi lại trên đảo, từ đó xây dựng những cơ ngơi riêng.
Bằng hình ảnh, sự đau đớn của những gia đình phải chia ly hiện lên rất thật.
Và cũng như ở Pháp, dẫu các chuyến tàu hồi hương đã diễn ra vào hai năm 1949, 1950 nhưng nhiều người chọn ở lại vì đã quen thuộc với cuộc sống ở Tân Thế giới. Tại đây họ từng bước thành lập một cộng đồng gắn bó, gửi về nước nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, trong đó có chiếc Peugeot 404 như đã nêu ở phần đầu.
Có thể nói hai tác phẩm này không đơn thuần là những sự thật lịch sử mà dưới cách kể giản dị của Baloup cùng những hình ảnh đánh động cảm xúc, một lịch sử về một cộng đồng người Việt ở nước ngoài tuy “nhỏ” nhưng xứng đáng để tưởng nhớ, đã được tái hiện. Chính sự kết hợp này đã khiến lịch sử đi sâu vào nhiều ngóc ngách cũng như lan tỏa đến nhiều thế hệ.
Bài: Minh Anh - Ảnh: NXB Kim Đồng.