Những ký ức không quên ở 'địa ngục trần gian' Côn Đảo

Những ký ức không quên ở 'địa ngục trần gian' Côn Đảo
9 giờ trướcBài gốc
Giữa cơn mưa chiều tháng 7, chúng tôi đến thăm nữ cựu tù chính trị Võ Thị Hồng Phú (hiện ở trong căn nhà tình nghĩa tại số 75 đường Thống Nhất (phường Diên Hồng) nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025).
Bên ly trà ấm nóng, thế hệ trẻ chúng tôi được nghe bà kể lại câu chuyện phục vụ cách mạng của mình, đặc biệt là hành trình vượt qua những khổ ải, tra tấn dã man của địch nơi ngục tù Côn Đảo, với ý chí không khuất phục và ngọn lửa sục sôi cách mạng.
Bà Võ Thị Hồng Phú bên Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày do Chính phủ trao tặng. Ảnh: Minh Chí
Bà Phú sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Nghĩa Bình (cũ), trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Vì vậy, từ nhỏ bà đã hun đúc ý chí tham gia cách mạng. Năm 1972, giữa cao điểm chiến sự tại miền Trung, bà cùng chị họ và một người bạn xung phong tham gia làm giao liên. Không may, trong một lần vận chuyển tài liệu tại vùng núi Phù Mỹ, cả 3 bị địch bắt.
“Lúc bị bắt, 3 chị em tôi đã hứa với nhau dù có bị đánh, bị hành hạ cũng không hé nửa lời, thậm chí có chết cũng không khai. Bởi, giữ im lặng là giữ mạng sống cho cả đơn vị”-bà Phú kể lại với giọng khẳng khái.
Bị giam tại Phù Mỹ hơn nửa năm, sau đó, chị em bà bị địch chuyển về Quy Nhơn để tra khảo thêm gần 2 tháng, nhưng chúng vẫn không khai thác được thông tin gì. Cuối cùng, chúng đày bà và nhiều đồng đội ra nhà tù Côn Đảo.
Từng giấy khen, huân chương, kỷ niệm chương đều được bà Phú đặt ở vị trí trang trọng. Ảnh: Minh Chí
“Trong suốt thời gian bị địch giam cầm, tôi đã phải đối mặt với những hình thức tra tấn vô cùng tàn bạo, cả thể xác lẫn tinh thần. Bị đánh đập đến ngất đi, tỉnh lại, rồi bị đánh tiếp. Có lần tôi ngất xỉu, chúng vẫn xối nước muối để tôi tỉnh rồi tiếp tục tra khảo. Cơ thể gầy gò, ốm yếu dần nhưng mỗi ngày vẫn phải lao động khổ sai, tối về bị nhốt trong những chiếc hầm không ánh sáng”-bà Phú kể lại, đôi mắt ngấn lệ vì xúc động.
Dẫu vậy, bà Phú chưa bao giờ khuất phục trước nanh vuốt kẻ thù. Để bảo vệ mình và đồng đội, bà chỉ khai rằng mình là dân công và không hề biết thông tin gì thêm. Mặt khác, bà cùng đồng đội luôn động viên nhau vượt qua những ngày tháng khốc liệt.
Năm 1974, bà cùng nhiều tù chính trị khác ở Côn Đảo được tự do theo thỏa thuận trao trả tù binh giữa ta và địch. Trở về trong thể trạng yếu ớt, mang theo những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần, vì vậy, bà Phú không thể tiếp tục ra tiền tuyến. Thay vào đó, bà tham gia công tác hậu phương, chung sức hoàn thành mục tiêu giải phóng tỉnh Bình Định (cũ) vào cuối tháng 3-1975.
Sau khi chăm chú lắng nghe câu chuyện của bà Phú, em Phạm Gia Bảo (ở tổ 7, phường Hội Phú) bày tỏ: “Chúng em từng học về chiến tranh, về lịch sử dân tộc nhưng hôm nay là lần đầu tiên em cảm nhận được sự thật khốc liệt, gian khổ qua lời kể của người trong cuộc. Càng nghe, thế hệ trẻ chúng em càng biết ơn những hy sinh to lớn của thế hệ ông bà đi trước; càng trân quý và nỗ lực gìn giữ giá trị của hòa bình".
Hiện tại, bà Phú đang sống cuộc đời giản dị trong căn nhà tình nghĩa ở phường Diên Hồng. Bà có lương hưu, trợ cấp thương binh và được các tổ chức, đoàn thể thường xuyên quan tâm, chăm sóc.
Bà Phú vui vẻ nói: “Mỗi dịp 27-7, lãnh đạo địa phương, Hội Cựu chiến binh đều đến thăm hỏi, tặng quà, động viên tôi. Không ít lần, các cháu đoàn viên, thanh niên đến nghe tôi kể chuyện tham gia cách mạng. Tôi rất vui khi thế hệ trẻ hôm nay luôn biết quý trọng lịch sử, thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công với cách mạng”.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đóng góp của bà Võ Thị Hồng Phú và bao người con ưu tú của đất nước vẫn là ngọn lửa truyền cảm hứng về tình yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
MINH CHÍ
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/nhung-ky-uc-khong-quen-o-dia-nguc-tran-gian-con-dao-post561547.html