Livestream 'bóc phốt' - biểu hiện của lệch chuẩn văn hóa!?

Livestream 'bóc phốt' - biểu hiện của lệch chuẩn văn hóa!?
một ngày trướcBài gốc
Những ngày gần đây, việc streamer, nhạc sĩ ViruSs mở các phiên livestream đối chất về mối quan hệ tình cảm với nhiều cô gái, bao gồm rapper Pháo, ca sĩ Emma Nhất Khanh và hot girl Ngọc Kem đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người. Điều đáng nói là những buổi phát sóng này còn có dấu hiệu trở thành một công cụ kiếm tiền từ sự tò mò và tranh cãi của cộng đồng mạng (trong các phiên live của mình, ViruSs bật tính năng giới hạn bình luận, chỉ người đăng ký hội viên mới có thể tham gia thảo luận. Có cả nghìn người đã nạp tiền, với mức phí trung bình 130.000 đồng/tháng, để được "mở khóa" bình luận, trả lời hoặc hưởng một số đặc quyền khác).
Streamer ViruSs đang gây tranh cãi khi nói về chuyện tình cảm trên mạng xã hội. Ảnh: internet.
ViruSs sinh năm 1990 tại Hà Nội, xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, từng theo học piano tại Nhạc viện Hà Nội. Anh nổi tiếng trong cộng đồng game thủ trước khi trở thành streamer, nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất âm nhạc. Một số ca khúc nổi bật do ViruSs sáng tác hoặc đồng sản xuất gồm: "Thằng điên", "Yêu được không", "Trời giấu trời mang đi", "Đom đóm", "Nói chia tay thật khó"...
Chuyện cá nhân lẽ ra nên được giữ kín thì nay lại trở thành một màn tranh đấu không hồi kết trên không gian mạng. Sự bùng nổ của internet khiến những câu chuyện tình yêu vốn dĩ rất riêng tư lại trở thành tâm điểm bàn tán của hàng triệu người.
Nguy hiểm hơn, những việc đó để lại những dư chấn không nhỏ trong cách nhìn nhận của giới trẻ về tình yêu, sự riêng tư và cách đối mặt với mâu thuẫn. Những vụ đấu tố công khai này vô tình tạo ra một mô hình ứng xử lệch lạc: khi giận dữ, hãy lên mạng kể hết, khi chia tay, hãy biến nó thành một cuộc chiến. Giới trẻ nhìn vào những “thần tượng” của mình và bắt đầu học theo, bởi trong mắt họ, người nổi tiếng luôn là tấm gương, dù đôi khi chính những người đó cũng không nhận thức được trách nhiệm của mình.
Thường xuyên lướt mạng xã hội, anh Trần Hoàng Duy (24 tuổi, huyện Thạch Hà) chia sẻ: Mình không phủ nhận rằng những vụ drama như thế này rất thu hút. Nó khiến người ta tò mò, muốn tìm hiểu và bình luận. Nhưng nếu nghĩ kỹ lại, điều đó có thực sự mang lại giá trị gì không?
"Mạng xã hội đúng là một con dao hai lưỡi. Có những người dùng nó để chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng, nhưng cũng có người biến nó thành nơi bêu riếu, vạch trần nhau không chút do dự. Có thể họ nghĩ đây là cách để bảo vệ bản thân, nhưng thực chất họ đang tạo ra một làn sóng tiêu cực, khiến người trẻ như tụi mình cảm thấy chuyện tình cảm cũng chỉ như một vở kịch", anh Nguyễn Minh Anh (22 tuổi, TP. Hà Tĩnh) chia sẻ.
ViruSs bật tính năng yêu cầu người xem trả phí để có thể bình luận hoặc tham gia thảo luận trên livestream TikTok. Ảnh: internet.
Có thể thấy, hệ lụy của hoạt động này không chỉ dừng lại ở việc tình yêu trở thành một cuộc chiến công khai. Nó còn khiến giới trẻ mất dần khái niệm về sự riêng tư và lòng tôn trọng đối với chính mình và người khác. Nếu những người nổi tiếng có thể đem hết chuyện cá nhân lên mạng, tại sao người bình thường lại không thể? Nếu bóc phốt người yêu cũ là điều hợp lý, vậy còn ranh giới nào giữa sự tổn thương thực sự và sự lợi dụng đám đông để tìm kiếm sự nổi tiếng?
Không ít người trẻ ngày nay bắt đầu áp dụng mô hình “chia tay phải có khán giả”. Họ viết status dài dằng dặc, đăng tải tin nhắn riêng tư, thậm chí là công khai cả những góc khuất của mối quan hệ mà đáng lẽ ra chỉ nên thuộc về hai người. Rất nhanh chóng, hàng nghìn bình luận cổ vũ, chỉ trích hoặc bàn tán cứ thế tuôn ra, biến một câu chuyện lẽ ra rất riêng tư thành một đề tài giải trí cho đám đông.
Chưa dừng lại ở đó, giới trẻ ngày nay không chỉ học cách biến chuyện tình cảm thành nội dung giải trí mà còn dần mất đi sự kiềm chế trong cảm xúc. Khi sự tức giận có thể được giải quyết bằng một bài đăng bóc phốt, người ta sẽ dần quên cách giải quyết vấn đề một cách sáng suốt. Họ quên rằng những gì được đăng tải lên mạng sẽ mãi mãi ở đó, trở thành một dấu vết không thể xóa nhòa trong cuộc đời mình. Một giây phút bồng bột có thể tạo ra những hệ lụy kéo dài hàng năm trời, và khi nhận ra điều đó, có lẽ đã quá muộn để “quay đầu”.
Người nổi tiếng luôn được xem là những người đặc biệt, có tiếng tăm và sự nổi bật trong xã hội nhưng họ cũng phải có trách nhiệm với những gì họ thể hiện trước công chúng. Bởi mỗi lời nói, mỗi hành động của họ đều có thể trở thành một thông điệp mạnh mẽ đối với hàng triệu người trẻ đang dõi theo.
Những vụ đấu tố như ViruSs, Ngọc Kem và Pháo không phải là lần đầu tiên và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng. Nhưng mỗi lần một drama mới xuất hiện, chúng ta lại chứng kiến thêm một lần các bạn trẻ bị cuốn vào vòng xoáy thị phi, nơi sự tổn thương bị đẩy lên thành nội dung câu view và giá trị của tình cảm dần trở thành thứ hàng hóa rẻ tiền bị đem ra trao đổi trên những bài đăng công khai.
Vấn đề không chỉ nằm ở người trong cuộc mà còn ở chính cách mà chúng ta tiếp nhận và phản ứng trước những câu chuyện như thế này. Khi mạng xã hội vẫn còn là một sân khấu rộng lớn cho những cuộc đấu tố, khi sự tò mò của đám đông vẫn còn nuôi dưỡng những vụ bóc phốt không hồi kết, thì những “vở kịch” tương tự vẫn sẽ tiếp diễn, kéo theo những hệ lụy dài lâu cho cả một thế hệ.
Trước việc nhạc sĩ ViruSs và những ‘người yêu cũ’ bóc phốt nhau trên mạng gây ồn ào dư luận những ngày qua, trả lời các cơ quan báo chí, Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Danh Hoàng Việt cho biết, bộ đã giao các cơ quan chức năng tìm hiểu sự việc và sẽ có những thông báo mới nhất.
Mỹ Tâm
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/livestream-boc-phot-bieu-hien-cua-lech-chuan-van-hoa-post285252.html