Nhu cầu điện năng tại Việt Nam tăng 2 con số
Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Bộ Tài chính tổ chức vào chiều 21/5, ông Keith Mark Doten - Giám đốc Tư vấn giao dịch, PWC Việt Nam - cho rằng: Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong thời gian qua, hiện Việt Nam xếp thứ 32 thế giới về tăng trưởng GDP.
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc NIC - phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Quang Hùng
Ông Keith Mark Doten dự báo, giai đoạn 2026-2030, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng, có thể đạt trên 7,5% và có thể nằm trong Top 20 thế giới, nên nhu cầu về điện năng để phục vụ phát triển kinh tế sẽ tăng theo.
Cũng theo ông Keith Mark Doten, hiện Việt Nam vẫn đang là quốc gia đang phát triển, nên nhu cầu về điện năng tại Việt Nam tăng cao hơn các quốc gia khác. Ví dụ, nếu GDP tại Việt Nam tăng 5% thì nhu cầu điện năng cần tăng 7% mới đáp ứng được nhu cầu kinh tế. Trong khi đó, Singapore nếu GDP tăng trưởng 2% thì nhu cầu điện cần tăng 1,5%.
Trong khi đó, tại Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025, để cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng Việt Nam có thể cần đạt mức tăng trưởng điện năng lên tới 2 con số để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
Cùng quan điểm trên, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - cho rằng, với nhu cầu gia tăng mạnh mẽ của năng lượng cho phát triển kinh tế, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, trong đó sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng là một trong những giải pháp cần tính đến.
Theo các chuyên gia kinh tế, LNG đã trở thành một loại nhiên liệu ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội. Đặc biệt, việc sử dụng khí thiên nhiên để phát điện được xem là giải pháp giúp phát triển năng lượng gắn liền với việc bảo vệ môi trường.
Hiện trên thế giới, LNG được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt thay thế khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện. Tại nhiều quốc gia, than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên là 3 loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng phổ biến để phát triển điện.
Trong đó, điện khí LNG là loại năng lượng kỳ vọng giúp giảm phát thải carbon, nhờ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường và bầu khí quyển. Điện khí LNG còn có ưu điểm linh hoạt, đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn do yếu tố thời tiết như năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tổ chức vào chiều 21/5. Ảnh: Nguyễn Hòa
Khơi dậy tiềm năng phát triển LNG tại Việt Nam
Chia sẻ về tiềm năng phát triển LNG tại Việt Nam, ông Song Soohwan – Giám đốc thương mại LNG - SK Innovation E&S, cho rằng: Việt Nam hoàn toàn có thế mạnh phát triển chuỗi giá trị LNG, Việt Nam là một trong những quốc gia có năng lực sản xuất ngành khí, đồng thời có thế mạnh trong phát triển con người và hạ tầng trong ngành LNG.
Đặc biệt, theo đại diện Tập đoàn SK, SK mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đồng thời đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình chuyển dịch năng lượng hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Tập đoàn SK cũng đang theo đuổi nỗ lực để đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển chuỗi giá trị LNG và coi Việt Nam là “đối tác quý” trong phát triển chuỗi giá trị LNG” - ông Song Soohwan khẳng định.
Thừa nhận Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển chuỗi giá trị LNG, tuy nhiên, theo ông Keith Mark Doten, vấn đề công nghệ và nhân sự trong phát triển LNG vẫn là rào cản với Việt Nam. Theo đó, để tham gia tích cực hơn vào chuỗi giá trị LNG, Việt Nam cần chú trọng đến yếu tố công nghệ và nguồn nhân lực cho phát triển LNG.
Với những ưu điểm nổi bật, LNG được đánh giá là giải pháp phù hợp để Việt Nam đáp ứng nhu cầu sử dụng điện đang gia tăng, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo ông Yoo Youngwook - Phó Chủ tịch điều hành Bộ phận toàn cầu và Năng lượng tái tạo - Tập đoàn SK Innovation E&S: LNG là nguồn điện quan trọng cho Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và môi trường. Song, để tham gia vào chuỗi giá trị LNG, Việt Nam cần phải hiểu rõ sự khác biệt giữa LNG và điện than, thủy điện và có giải pháp phát triển hợp lý nguồn điện này.
Hội thảo Đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cũng tập trung làm rõ vai trò của LNG trong Quy hoạch điện VIII, đồng thời giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến trong ngành công nghiệp LNG, kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc trong chuỗi giá trị LNG, đồng thời thảo luận về các thông lệ quốc tế trong đầu tư và mô hình hợp đồng, hướng tới phát triển bền vững và hiệu quả lĩnh vực LNG tại Việt Nam.
Nguyễn Hòa