Theo Army Recognition, đây được xem là bước tiến lớn trong chiến lược hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc, nhằm xây dựng và củng cố lực lượng tác chiến trên biển, và mở rộng ảnh hưởng trên vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
J-35, còn được gọi là FC-31 phiên bản hải quân, sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong biên đội không quân của tàu Phúc Kiến - tàu sân bay thế hệ mới của hải quân Trung Quốc (PLAN) - được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS). Đây là công nghệ hiện tại chỉ có hải quân Mỹ sử dụng.
Tiêm kích tàng hình thế hệ năm J-35 của Trung Quốc xuất hiện trên boong tàu sân bay Type 003 Phúc Kiến trong quá trình chạy thử trên biển - Ảnh: Army Recognition
Bước nhảy công nghệ
Khác với các tiêm kích J-15 hoạt động trên hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông theo cấu hình cất cánh kiểu “nhảy cầu” (STOBAR), J-35 được phát triển để vận hành theo chuẩn CATOBAR - cất cánh bằng máy phóng và hạ cánh bằng móc hãm. Máy bay có nhiều cải tiến phù hợp với môi trường tác chiến trên tàu sân bay như bộ càng hạ cánh gia cố, cánh gập để tối ưu không gian chứa, cùng hệ thống móc hãm khi hạ cánh.
Về thiết kế, J-35 mang hình dáng của một tiêm kích tàng hình thế hệ 5 với thân máy bay ít góc phản xạ radar, cửa hút khí tối ưu và tích hợp cảm biến bên trong. Những yếu tố này giúp máy bay hoạt động hiệu quả trong môi trường phòng không phức tạp, tương tự vai trò của F-35C trong biên chế hải quân Mỹ.
J-35 được trang bị hai động cơ, ban đầu sử dụng WS-13E, sau đó chuyển sang loại WS-19 với lực đẩy lớn hơn và độ tin cậy cao hơn trong các phiên bản sản xuất gần đây. Nhờ đó, máy bay có thể mang tải trọng lớn hơn.
Tiêm kích tàng hình J-35 bay biểu diễn tại triển lãm hàng không và vũ trụ quốc tế Trung Quốc (Airshow China), diễn ra tại Châu Hải, tỉnh Quảng Đông hồi tháng 11 năm ngoái - Ảnh: Reuters
J-35 sở hữu khoang vũ khí bên trong có thể mang tên lửa đối không tầm xa PL-15, tên lửa hồng ngoại tầm ngắn PL-10 và các loại bom dẫn đường chính xác. Bên cạnh đó, máy bay tích hợp radar mảng pha chủ động (AESA) cùng hệ thống ngắm điện quang đặt dưới mũi, tương tự hệ thống nhắm mục tiêu quang điện tử (EOTS) trên F-35.
So với F-35C của Mỹ, J-35 có một số điểm mạnh như: cấu hình hai động cơ, tăng độ an toàn và lý tưởng cho hoạt động cường độ cao. Tuy nhiên, F-35C vẫn vượt trội ở khả năng tác chiến mạng, hợp nhất dữ liệu cảm biến và hệ thống bảo trì chiến đấu đã được kiểm nghiệm thực tế. Mức độ hoàn thiện phần mềm, độ bền lớp phủ tàng hình và tích hợp tác chiến phối hợp của J-35 hiện vẫn còn là dấu hỏi, dù khoảng cách này đang dần được rút ngắn.
Từ năm 2021, hình ảnh J-35 bay thử ở độ cao thấp xuất hiện nhiều. Điểm xác thực rõ nhất về mục tiêu sử dụng trên tàu sân bay là loạt ảnh vệ tinh và hình ảnh tại nhà máy tập đoàn máy bay Thẩm Dương và căn cứ Tây An - Nghiễm Lương, cho thấy các nguyên mẫu mang màu xám hải quân, có cánh gập và thiết bị móc hãm hạ cánh.
Mới đây, xuất hiện hình ảnh hai chiếc J-35 đang bay thử với các đặc điểm cho thấy đã gần đạt chuẩn tiền sản xuất hàng loạt. Nguồn tin từ truyền thông quân sự Trung Quốc cho biết số lượng ban đầu có thể đạt khoảng 50 chiếc mỗi năm. Với tốc độ này, hải quân Trung Quốc có thể sớm biên chế đầy đủ phi đội cho tàu Phúc Kiến cũng như các tàu sân bay tương lai.
Tàu sân bay Phúc Kiến, biểu tượng công nghệ mới
Tàu sân bay Type 003 Phúc Kiến là bước đột phá công nghệ quan trọng của hải quân Trung Quốc. Được hạ thủy vào tháng 6.2022, đây là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sử dụng hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS), cho phép tăng tốc độ phóng máy bay và cải thiện đáng kể chu kỳ hoạt động.
Với lượng giãn nước khoảng 80.000 tấn và sàn đáp phẳng toàn chiều dài, Tàu có chiều dài 316m, rộng 76m, Type 003 có kích thước tương đương tàu lớp Kitty Hawk của Mỹ. Tàu được trang bị động cơ đẩy điện tích hợp (IEP), vận hành các loại máy bay hạng nặng, tăng cường khả năng xuất kích và duy trì tần suất tác chiến cao. Ước tính, tàu có thể mang theo khoảng 60 máy bay các loại, trong đó có J-15, J-35, máy bay cảnh báo sớm KJ-600 và trực thăng.
Tàu Phúc Kiến đã bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển từ tháng 5.2024. Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định tàu có thể đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào nửa cuối năm 2025. Các đơn vị đóng tàu và công nghệ quốc phòng Trung Quốc đang đẩy nhanh việc tích hợp các hệ thống điều khiển chiến đấu, liên lạc và điều phối không lưu nội địa nhằm đưa Phúc Kiến tiến gần hơn với tiêu chuẩn của các tàu sân bay hạt nhân Mỹ dù không sử dụng động cơ hạt nhân.
Sự kết hợp giữa J-35 và tàu Phúc Kiến đánh dấu Trung Quốc là quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, vận hành tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 từ tàu sân bay CATOBAR. Điều này mở rộng đáng kể năng lực tấn công tầm xa, chiếm ưu thế trên không và thực hiện nhiệm vụ trinh sát sâu vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với khả năng hoạt động xa bờ, J-35 trở thành công cụ gia tăng đáng kể sức mạnh hải quân Trung Quốc, đồng thời đặt ra thách thức mới đối với các hệ thống phòng không của khu vực. Trước bước tiến này, nhiều nước như Ấn Độ và Nhật Bản đã gia tăng đầu tư vào lực lượng không quân, hải quân và năng lực tác chiến tàu sân bay. Mỹ cũng tăng cường hiện diện bằng các nhóm tàu sân bay, cũng như tổ chức nhiều cuộc diễn tập chung với đồng minh trong khu vực nhằm duy trì tự do hàng hải và ổn định an ninh biển.
STOBAR (Short Take-Off But Arrested Recovery) là hệ thống cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay, trong đó máy bay cất cánh bằng động cơ riêng với sự hỗ trợ của đường băng ngắn có mũi cong (ski-jump), không cần máy phóng. Hạ cánh sử dụng cáp hãm đà để dừng máy bay. Ưu điểm của STOBAR là thiết kế đơn giản, chi phí thấp, dễ bảo trì, phù hợp với các tàu sân bay nhỏ hơn như Liêu Ninh và Thiểm Tây của Trung Quốc. Tuy nhiên, hệ thống này hạn chế tải trọng máy bay, khiến chúng không thể mang nhiều vũ khí hoặc nhiên liệu, giảm hiệu quả chiến đấu.
CATOBAR (Catapult Assisted Take-Off But Arrested Recovery) sử dụng máy phóng (thường là điện từ - EMALS) để hỗ trợ cất cánh, cho phép máy bay mang tải trọng tối đa. Hạ cánh cũng dùng cáp hãm đà. CATOBAR tiên tiến hơn, hỗ trợ đa dạng máy bay, kể cả máy bay cảnh báo sớm, nhưng công nghệ phức tạp, chi phí cao, như tàu Phúc Kiến và tàu lớp Ford của Mỹ.
Hoàng Vũ