Tâm điểm đầu tư mới
Từ cuối năm 2024 đến nay, mức độ quan tâm và đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô tăng mạnh. Nhu cầu tập trung nhiều ở những khu vực dọc tuyến đường Vành đai 4 và các hành lang công nghiệp kết nối Hà Nội với Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương.
Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam thực hiện được TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), công bố tại hội thảo “Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô” tổ chức hôm nay (15/5).
Đánh giá về thị trường bất động sản sau quá trình sáp nhập tỉnh, thành, ông Khôi nhận định, đây là cơ hội mở rộng không gian đô thị và tạo ra dư địa phát triển rất lớn. Bất động sản sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất khi nguồn lực được tập trung và quy hoạch trở nên nhất quán hơn.
Đặc biệt, đối với Vùng Thủ đô Hà Nội (gồm Hà Nội và 9 tỉnh lân cận: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên), việc sáp nhập sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Từ đó, thị trường bất động sản khu vực này hứa hẹn chuyển mình mạnh mẽ.
Ông Khôi cho biết, các đô thị vệ tinh quanh Hà Nội đang nổi lên là điểm đến đầu tư sôi động nhờ hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện và quỹ đất dồi dào.
“Những năm gần đây, các tỉnh lân cận Hà Nội thu hút mạnh dòng vốn đầu tư bất động sản. Nhiều nhà đầu tư đã và đang đổ xô về vùng ven, tạo nên làn sóng dịch chuyển rõ nét khỏi khu vực nội đô chật chội”, ông Khôi nhấn mạnh.
Hội thảo “Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô”. Ảnh: T.K
Theo ông, sự quan tâm tập trung tại các trục giao thông lớn như Vành đai 4 và các hành lang công nghiệp liên kết với Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Dòng tiền dịch chuyển đang biến các đô thị vệ tinh thành tâm điểm mới của thị trường.
Lý giải sức hút của các đô thị vệ tinh, chuyên gia cho rằng quỹ đất còn rộng và giá hợp lý là yếu tố then chốt.
Các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam... có thể cung cấp quỹ đất lớn để phát triển các khu đô thị hiện đại, điều mà trung tâm Hà Nội khó thực hiện do hạn chế quỹ đất.
Cùng với đó, hệ thống giao thông liên vùng đang được hoàn thiện mạnh mẽ. Các dự án trọng điểm như đường Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến cao tốc liên tỉnh hướng tâm (Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên... ), và hệ thống đường sắt đô thị tương lai sẽ kết nối vùng lõi với vùng ven hiệu quả hơn.
Nhờ đó, việc sinh sống tại Bắc Ninh, Hưng Yên hay Vĩnh Phúc và làm việc tại Hà Nội đang trở nên thuận tiện, thúc đẩy xu hướng giãn dân ra khỏi nội đô.
Phân khúc nào sẽ dẫn dắt thị trường?
Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes, nhận xét, mặt bằng giá tại các tỉnh vùng Thủ đô hiện vẫn thấp hơn Hà Nội từ 3-5 lần, tạo ra "cơ hội kép" cho cả nhà đầu tư và người mua ở thực.
Ông Chung dự báo thị trường các tỉnh sẽ phục hồi mạnh sau tháng 6/2025.
Cả ông Chung và ông Khôi đều nhận định, phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu thực sẽ dẫn dắt thị trường nhờ yếu tố vị trí thuận tiện và pháp lý rõ ràng.
Ngoài ra, bất động sản công nghiệp và logistics cũng có tiềm năng bứt phá mạnh trong Vùng Thủ đô, khu vực đang là điểm sáng FDI với các khu công nghiệp lớn tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương.
“Nhu cầu nhà xưởng, kho bãi, dịch vụ hậu cần sẽ tăng cao khi dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Khôi phân tích.
Đối với nhà đầu tư, ông Chung khuyến nghị nên tập trung vào giá trị thực của bất động sản, ưu tiên sản phẩm có pháp lý minh bạch để tránh rủi ro. Đồng thời, cần phân bổ vốn hợp lý và cân nhắc các thị trường tỉnh vệ tinh có tiềm năng tăng trưởng. “Chiến lược đầu tư dài hạn thay vì đầu cơ ngắn hạn sẽ giúp tối đa hóa lợi nhuận bền vững”, ông Chung nhấn mạnh.
Hồng Khanh