Giá bán và giao dịch đất nền Đông Anh đều giảm

Giá bán và giao dịch đất nền Đông Anh đều giảm
3 giờ trướcBài gốc
Nhiều nhà đầu tư mua đất theo tâm lý đám đông đang đứng ngồi không yên khi bị 'chôn' vốn. Trên các trang giao dịch, mua bán bất động sản, không khó để bắt gặp những bài đăng với nội dung “giảm giá” hay “bán cắt lỗ”. Song hầu hết đều có rất ít lượt tương tác, dù bài được đăng tải ở những hội nhóm có vài trăm nghìn thành viên.
Phóng viên Đài Hà Nội đã trực tiếp khảo sát những nơi từng là điểm nóng “sốt đất” tại Đông Anh như Cổ Loa, Đông Hội, Tiên Dương. Tại những nơi này, không còn cảnh tấp nập như thời điểm đầu năm, lượng người đến mua đất nền giảm đi rất nhiều.
Sau cơn sốt vừa qua, đến nay, đất nền Đông Anh đã bắt đầu hạ nhiệt. Lượng giao dịch giảm hẳn cho thấy rằng, khi giá đất cao quá so với giá trị thực, nguy cơ bong bóng sẽ xuất hiện. Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Đông Anh cũng ghi nhận lượng hồ sơ đăng ký biến động đất đai giảm nhiều so với trước. Ba tháng đầu năm chỉ có khoảng hơn 300 giao dịch. Đây là hệ quả tất yếu từ việc thị trường chủ yếu mua đi bán lại giữa các nhà đầu cơ. Khi giá bị đẩy lên quá cao, giao dịch sẽ không phát sinh.
Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và phát triển bất động sản SGO Homes nhận định: "Đến thời điểm này, tôi thấy sau một giai đoạn tăng giá, bắt đầu thị trường có dấu hiệu đi ngang và giá ở một số địa phương có dấu hiệu giảm nhẹ. Thanh khoản trong quý I/2025 cũng nhận thấy đang chậm và chỉ tốt ở một số các dạng cục bộ, về mặt bằng chung thì đang chậm hơn so với năm 2024".
Trên thực tế, đất nền Đông Anh là khu vực liên tục có biến động. Các cơn “sốt đất” được thổi từ các yếu tố đòn bẩy là thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông và các siêu dự án. Thời điểm đầu năm nay, đất nền được thổi tăng theo ngày. Không ít người ở tâm thế tìm hiểu thị trường dễ lao vào đầu tư theo đám đông, theo hiệu ứng thị trường. Tuy nhiên, “đám đông, hiệu ứng” này đều là cuộc chơi do giới đầu cơ tạo ra để kiếm lời.
"Mọi người không nên theo xu hướng tin đồn. Những chuyện như Ba Vì lên thành khu vực hành chính - dồn dập nhưng sau một thời gian không có đầu tư nào, không có hoạt động phát triển kinh tế nào, rõ ràng nó lại quay trở lại thấp hơn, khốc liệt hơn giá trị ban đầu. Dẫn đến câu chuyện đó, tôi cho rằng cũng là lời cảnh tỉnh", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam chia sẻ.
Qua từng cơn “sốt đất”, đối tượng thiệt hại nhiều nhất vẫn chính là người mua cuối cùng. Giá giảm, giao dịch ít khiến không ít người rơi vào cảnh nợ nần. Không chỉ ở Đông Anh, cơn sốt đất nền cũng tái diễn tại nhiều huyện ven đô như Đan Phượng, Hoài Đức và Thạch Thất. Sự sôi động chỉ sau thời gian ngắn, đến nay lại trầm lắng.
Dữ liệu khảo sát thị trường cho thấy, trong quý I/2025, Hà Nội chỉ ghi nhận khoảng 4.000 giao dịch đất thổ cư, giảm 59% so với quý trước và giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực phía Tây Hà Nội - nơi từng là điểm nóng của thị trường ghi nhận mức giảm sâu nhất. Hà Đông dẫn đầu với mức sụt giảm khoảng 71%, tiếp theo là Nam Từ Liêm 60%, Cầu Giấy 58% và Bắc Từ Liêm 55%.
Vương Giao
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/gia-ban-va-giao-dich-dat-nen-dong-anh-deu-giam-329850.htm