Nhà đầu tư miền Bắc trở lại thời 'đánh bắt xa bờ'

Nhà đầu tư miền Bắc trở lại thời 'đánh bắt xa bờ'
7 giờ trướcBài gốc
Thời gian gần đây, thông tin về việc sáp nhập hành chính và quy hoạch đã khiến thị trường bất động sản tại các khu vực vùng ven trở nên sôi động trở lại. Ở phía Nam, 3 khu vực ghi nhận mức biến động giá mạnh nhất là Bình Dương, Nhơn Trạch và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đáng chú ý, theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, nhiều nhà đầu tư đến từ miền Bắc đã đổ về các khu vực này để mua bất động sản.
Ở Cần Giờ, anh M.C., một môi giới bất động sản tại thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TP.HCM) thậm chí cho biết có những nhà đầu tư phía Bắc cầm "tiền tươi" hàng chục tỷ đồng để vào gom đất.
Đất nền ở một số khu vực vùng ven TP.HCM đang được nhiều nhà đầu tư phía Bắc săn đón. Ảnh: Quỳnh Danh.
Lý do dịch chuyển
Nhìn lại giai đoạn cuối năm 2023 đến 2024, sau thời kỳ bất động sản phía Nam tăng "nóng", một bộ phận lớn nhà đầu tư đã rút khỏi thị trường này và bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở thị trường miền Bắc, đặc biệt là loại hình chung cư, khi giá chung cư Hà Nội thời điểm đó đang thấp hơn nhiều so với TP.HCM.
Sự chuyển dịch này đã khiến giá chung cư tại Hà Nội liên tục tăng từ năm ngoái đến nay, dần thu hẹp khoảng cách với TP.HCM. Thậm chí, trong bối cảnh thị trường bất động sản chung trên cả nước còn trầm lắng, nhiều căn hộ tại Hà Nội đã tăng giá 30-40% chỉ trong vài tháng.
Từ giữa năm ngoái, nhiều chủ đầu tư ở Hà Nội cũng tung ra giỏ hàng mới, chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp, tiếp tục đẩy mặt bằng giá tăng mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo quý I của CBRE cho thấy đà tăng giá tại Hà Nội đang chững lại, cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp.
Tương tự, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc kinh doanh của Batdongsan.com.vn - cho biết sau giai đoạn tăng nóng, thị trường Hà Nội đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, lượng tin đăng tại TP.HCM lại ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn.
"Điều này cho thấy dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển ra các khu vực vùng ven, thậm chí là các tỉnh xa, thay vì chỉ tập trung ở trung tâm", ông Tuấn nhận định trong buổi họp báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản quý I.
Theo chuyên gia, việc dòng tiền dịch chuyển khiến thị trường chung cư Hà Nội hạ nhiệt. Ảnh: Thế Bằng.
Đồng thời, ông cũng cho biết khi đơn vị này phân tích dữ liệu tìm kiếm bất động sản theo khu vực phía Bắc, phía Trung và phía Nam lại có sự phân hóa rõ nét.
"Nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng tìm kiếm bất động sản ở các khu vực vùng ven và tỉnh chưa phát triển, bởi họ cho rằng giá tại các đô thị trung tâm đã quá cao. Ngược lại, nhà đầu tư từ miền Trung và miền Nam lại ưu tiên tìm kiếm đất nền tại các khu vực gần trung tâm hơn", ông nói.
Tại dự án The Meadow (huyện Bình Chánh, TP.HCM), đại diện Gamuda Land Việt Nam cho biết tỷ lệ bán thành công trong giai đoạn 1 mở bán lên đến 92%. Trong đó, khoảng 55% khách hàng là nhà đầu tư từ phía Bắc. Hiện, doanh nghiệp đang chuẩn bị mở bán giai đoạn 2 với số lượng có hạn.
Quản lý một sàn giao dịch bất động sản có trụ sở tại TP.HCM cũng xác nhận xu hướng này. Thực tế, ông cho hay không chỉ The Meadow mà các dự án nhà liền thổ nói chung ở phía Nam hiện đều thu hút lượng nhà đầu tư phía Bắc tương tự. Bởi loại hình này nắm bắt đúng khẩu vị của số đông nhà đầu tư phía Bắc.
Sàn môi giới và chủ đầu tư cũng "Nam tiến" trở lại
Theo ông Đinh Minh Tuấn, làn sóng dịch chuyển của giới đầu tư bất động sản không chỉ đến từ các nhà đầu tư cá nhân, mà còn ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ của các sàn giao dịch lớn từ miền Bắc đang "Nam tiến". Khi các sàn này vào thị trường phía Nam, họ đồng thời mang theo lượng lớn khách hàng, tập trung đầu tư vào các khu vực vùng ven TP.HCM.
Bên cạnh đó, ông Tuấn nhìn nhận nhà đầu tư phía Bắc thường có xu hướng đi theo các chủ đầu tư lớn. Do đó, việc các tập đoàn có tên tuổi như Vingroup hay Ecopark đẩy mạnh hoạt động tại khu vực phía Nam đã kéo theo dòng tiền từ các nhà đầu tư miền Bắc. Tuy nhiên, thay vì mua trực tiếp sản phẩm trong dự án, nhóm nhà đầu tư này thường chọn "gom" đất xung quanh để đón đầu tiềm năng tăng giá.
"Nhà đầu tư phía Bắc chủ yếu đi theo các chủ đầu tư lớn, các sàn lớn. Đồng thời, họ nhận thấy giá bất động sản vùng ven TP.HCM hiện vẫn còn khá 'mềm'. Trong khi giá một số mảnh đất tại khu vực cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km đã chạm ngưỡng gần 100 triệu đồng/m2, thì vùng ven TP.HCM mới chỉ dao động ở mức 40 triệu đồng/m2, nên người ta nhìn thấy được cơ hội. Hiện, làn sóng này đang rất rõ ràng", ông Tuấn nói.
Dưới góc độ nhà đầu tư, chị T.T (30 tuổi, Hà Nội) cũng nhìn nhận giá đất ở vùng ven TP.HCM vẫn dễ mua hơn so với Hà Nội. "Ở TP.HCM, cầm 3 tỷ là có thể mua đất nền vùng ven, trong khi Hà Nội nếu cùng số tiền này thì khó tìm 1 mảnh đất ưng ý trong bán kính 40 km", chị T. nói với Tri Thức - Znews.
Trong ảnh là khu đất Vingroup dự kiến xây Khu đô thị mới Tân Mỹ tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km. Ảnh: Quỳnh Danh.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills TP.HCM cũng ghi nhận xu hướng này. Ông cho biết trong quý II đến quý III năm nay, thị trường sẽ chứng kiến sự dịch chuyển rõ nét hơn.
"Hiện tại, một số khu vực như Bình Chánh, Long An, Bình Dương... đang ghi nhận hoạt động tìm kiếm, mua bán diễn ra rất sôi động", ông Duy nói.
Theo ông Duy, nhà đầu tư miền Bắc có kinh nghiệm trong việc quan sát quá trình phát triển hạ tầng và hiểu rõ rằng khi hạ tầng hoàn thiện, giá bất động sản sẽ tăng. Vì vậy, họ có xu hướng đầu tư vào TP.HCM và các vùng ven - những nơi hạ tầng vẫn đang được xây dựng - để đón đầu cơ hội sinh lời.
Ngoài ra, các thông tin liên quan đến sáp nhập hành chính, quy hoạch và phát triển hạ tầng cũng đang góp phần làm thị trường "nóng" lên. Cả nhà đầu tư ở Hà Nội và TP.HCM đều đặc biệt quan tâm đến các thay đổi này, nhằm đón đầu làn sóng tăng giá nhờ sự liên thông và kết nối giao thông giữa các khu vực.
Quản lý sàn giao dịch bất động sản ở TP.HCM nói trên cũng nhìn nhận nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng mua đón đầu chính sách, hạ tầng, nên sẵn sàng tìm đến các bất động sản ở vùng ven và các tỉnh, thành phố cấp 2 hơn, miễn dự án đó có "câu chuyện" riêng để kỳ vọng. Điều này khác với giới đầu tư phía Nam - cũng mong muốn đón đầu chính sách, hạ tầng, nhưng đa số phải có khả năng kết hợp ở và đầu tư dòng tiền.
Với các dự án ở phía Nam mong muốn thu hút nhà đầu tư phía Bắc, đội ngũ của ông hợp tác với các đại lý có sẵn chi nhánh và tệp khách tại các tỉnh thành phía Bắc, để trực tiếp tiếp cận giới đầu tư mục tiêu này.
Về loại hình được quan tâm, ông Duy nhận định đất nền vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chính sách siết chặt về pháp lý và yêu cầu phát triển bởi doanh nghiệp uy tín đã khiến nguồn cung đất nền trở nên hạn chế.
Trong bối cảnh đó, các sản phẩm nhà liền thổ có quy hoạch đồng bộ, pháp lý đầy đủ đang được chú ý nhiều hơn nhờ khả năng sinh lời và tính an toàn.
Đối với loại hình căn hộ, dù có nguồn cung lớn, ông nhìn nhận phân khúc này ít thu hút bằng nhà liền thổ do khả năng sinh lời và giá trị sử dụng.
Ở nhóm căn hộ cao cấp và siêu sang, ông nhìn nhận nhóm nhà đầu tư chính vẫn là người nước ngoài, bởi họ đã từng đầu tư vào bất động sản trung tâm và hiểu rõ sự khan hiếm cũng như tiềm năng tăng giá của dòng sản phẩm này, nên không ngần ngại xuống tiền.
Tuy nhiên, sau nhóm nhà đầu tư nước ngoài, ông cho biết nhà đầu tư từ Hà Nội cũng rất quan tâm đến phân khúc này.
"Nhà đầu tư Hà Nội thường có tiềm lực tài chính mạnh và yêu thích các sản phẩm ở khu vực trung tâm. Trong khi đó, nhà đầu tư từ TP.HCM hoặc các tỉnh phía Nam chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong nhóm này", ông nói thêm.
Liên Phạm
Nguồn Znews : https://znews.vn/nha-dau-tu-mien-bac-tro-lai-thoi-danh-bat-xa-bo-post1545286.html