Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến đầu tháng 4/2025, có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại chủ yếu là tôm, cá tra, cá ngừ và nhuyễn thể đang trên đường vận chuyển sang Mỹ. Ngoài ra, hơn 31.500 tấn hàng khác dự kiến sẽ được xuất khẩu trong tháng 4 và 5 tới đây, chưa kể gần 38.500 tấn đã được ký kết cho các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2025.
Trong khi các lô hàng đang “lơ lửng” giữa đại dương, ngày 3/4 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump tuyên bố sẽ ký sắc lệnh áp thuế đối ứng đối với hàng hóa từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, mức thuế dự kiến lên tới 46%.
Hơn 37.000 tấn thủy sản Việt Nam vẫn đang trên đường sang Mỹ sau khi có thông báo dự kiến áp thuế 46%.
Động thái này ngay lập tức làm dấy lên lo ngại lớn từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu. Từ trước đến nay, các hợp đồng thủy sản xuất sang Mỹ thường được thực hiện theo hình thức DDP (giao hàng tận kho), tức là doanh nghiệp Việt Nam chịu toàn bộ chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế… trước khi giao hàng và chỉ nhận thanh toán sau khi hàng đến tay đối tác.
Trong bối cảnh thuế tăng đột biến từ mức 5% lên tới 46%, các doanh nghiệp rơi vào nguy cơ thua lỗ nặng nề, thậm chí phá sản nếu không kịp thời điều chỉnh hợp đồng và kế hoạch tài chính.
Một phép tính đơn giản từ VASEP cho thấy, một lô hàng tôm trị giá 500.000 USD trước đây chỉ chịu 25.000 USD thuế (5%), thì với mức thuế mới sẽ phải nộp tới 230.000 USD, tức tăng thêm 205.000 USD, gấp 9 lần và hoàn toàn ngoài khả năng dự tính. Điều đáng lo ngại hơn, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch hàng năm khoảng 2 tỷ USD, chiếm tới 20% tổng giá trị xuất khẩu ngành.
Trong đó, 70% lượng thủy sản xuất khẩu là sản phẩm nuôi trồng như tôm, cá tra, cá nước ngọt, gắn liền với sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân tại các tỉnh miền Tây và duyên hải. Phần còn lại là thủy sản khai thác như cá ngừ, cá biển, cũng là nguồn sống chủ yếu của hàng trăm ngàn ngư dân. Vì vậy, mức thuế cao không chỉ là cú sốc với doanh nghiệp mà còn đe dọa đến chuỗi giá trị toàn ngành, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân vùng biển và vùng đồng bằng.
Trước tình hình này, VASEP đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Bộ trưởng liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính… vào cuộc sớm để đàm phán với phía Hoa Kỳ.
Các đề xuất tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính: Xác định lại mốc áp dụng thuế; Đàm phán giảm thuế suất xuống mức hợp lý hơn; Áp dụng cơ chế thuế đối ứng công bằng giữa hai bên.
Cụ thể, VASEP đề nghị Chính phủ Việt Nam thống nhất với Hoa Kỳ về việc lấy mốc “ngày xếp hàng lên tàu” (load onto vessel) theo vận đơn (B/L) làm thời điểm áp dụng thuế mới, nhằm bảo vệ các lô hàng đã rời cảng trước khi quyết định có hiệu lực.
Đồng thời, kiến nghị giảm mức thuế 46% xuống mức phù hợp hơn, dựa trên các yếu tố khách quan như: Việt Nam không thao túng tiền tệ (theo báo cáo gần nhất của Bộ Tài chính Mỹ), thặng dư thương mại là kết quả chuỗi cung ứng toàn cầu có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Mỹ, và mặt hàng thủy sản là nhu yếu phẩm không thể thiếu với người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là các bang ven biển.
VASEP cũng đề xuất Chính phủ tách riêng từng nhóm hàng thủy sản để đàm phán mức thuế riêng biệt thay vì áp đồng loạt 46%. Điều này sẽ tránh được việc đánh đồng bất công giữa các sản phẩm có đặc điểm sản xuất, giá trị gia tăng và mức độ cạnh tranh khác nhau.
Một đề xuất đáng chú ý là việc Việt Nam có thể chủ động áp thuế nhập khẩu 0% với các sản phẩm thủy sản từ Mỹ, đặc biệt là tôm và cá ngừ - mặt hàng mà Việt Nam gần như không nhập khẩu để làm cơ sở yêu cầu Hoa Kỳ áp mức thuế tương tự đối với thủy sản Việt Nam.
Trong khi các cơ quan chức năng đang gấp rút tính toán phương án ứng phó, cuộc điện đàm diễn ra vào tối 4/4 giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump mang lại tín hiệu tích cực ban đầu. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và vì sự ổn định, phát triển của khu vực.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi để giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa từ Mỹ và đề nghị Hoa Kỳ áp mức thuế tương ứng với hàng hóa từ Việt Nam. Đồng thời, ông cũng kêu gọi Hoa Kỳ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư tại Việt Nam, mở rộng chuỗi cung ứng hai chiều.
Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi để sớm ký kết một thỏa thuận thương mại song phương, điều được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc về thuế, đưa quan hệ kinh tế Việt - Mỹ lên tầm cao mới và đảm bảo sự phát triển bền vững cho các ngành hàng chiến lược, trong đó có thủy sản.
Trong lúc chờ kết quả đàm phán, nhiều doanh nghiệp đang tính tới việc tạm ngưng xuất hàng mới sang Mỹ hoặc chuyển hướng sang các thị trường khác như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Tuy nhiên, các thị trường này vốn đã có sự cạnh tranh cao và yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe, không thể thay thế ngay lập tức vai trò của thị trường Mỹ.
Linh Nguyễn