Theo kế hoạch được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố, từ 5/4, hàng hóa nhập khẩu của hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ vào Mỹ bắt đầu chịu thuế 10%. Và nếu không có gì thay đổi, từ 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, lên tới 50%. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị áp dụng mức thuế cao với 46%.
Công ty TNHH Sao Đại Dương nuôi tôm tại xã Thạch Trị, TP Hà Tĩnh.
Ngay sau khi chính sách thuế quan của Mỹ được công bố, tình hình thương mại các mặt hàng xuất khẩu trong nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã có sự biến động. Điển hình đầu tiên là tôm thương phẩm, mức giá được điều chỉnh giảm theo từng ngày khiến Công ty TNHH Sao Đại Dương (TP Hà Tĩnh) “đứng ngồi không yên”.
Anh Trịnh Đức Hòa – Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương cho biết: “Ngày 3/4, giá tôm được các công ty ở miền Nam thu mua 171.000 đồng/kg nhưng sang ngày 4/4 thì mức giá đã được điều chỉnh còn 166.000 đồng/kg. Mặc dù hàng của công ty không xuất đi thị trường Mỹ nhưng chính sách áp thuế của Tổng thống Donald Trump đang tác động gián tiếp đến doanh nghiệp. Công ty hiện có 15 ao tôm vụ đông với sản lượng trên 40 tấn chuẩn bị xuất bán. Chúng tôi đang lo giá bán sẽ còn giảm, việc cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng sẽ khiến thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn”.
Công ty TNHH Sao Đại Dương đầu tư hệ thống làm sạch đáy ao tự động để nâng cao năng suất, giảm chi phí.
Trước tình thế khó khăn, Công ty TNHH Sao Đại Dương đang tính toán các chi phí, tiếp tục kéo dài thời gian nuôi, cân nhắc phương án cắt lỗ để tối ưu nguồn lực, giảm thiểu thiệt hại. Song song với đó, công ty cũng đẩy mạnh ứng dụng số hóa, cải tiến công nghệ vào quy trình sản xuất để giảm chi phí nuôi và nâng cao năng suất lao động. Một trong những công nghệ được công ty triển khai áp dụng là hệ thống làm sạch đáy ao tự động, công nghệ quản trị và tự động hóa... đang giúp doanh nghiệp tiết giảm điện, nước và nhân công.
Cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ, hiện nay, Công ty CP Sao Mai (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) đang làm việc với đối tác Hàn Quốc để đánh giá tác động và có những điều chỉnh về đơn hàng vì sản phẩm của công ty được Hàn Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Trước đó, các chính sách thương mại Mỹ - Trung đã gây tác động khá lớn, khiến sản lượng, kim ngạch xuất khẩu của Công ty CP Sao Mai sụt giảm.
3 tháng đầu năm, Công ty CP Sao Mai mới chỉ sản xuất được 20 triệu vỏ bao (giảm 15% so với cùng kỳ năm 2024), đạt doanh thu 81 tỷ đồng (giảm 25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024).
Công ty CP Sao Mai chịu tác động gián tiếp từ điều chỉnh chính sách thuế của Mỹ.
Chị Trần Thị Khuyên – đại diện Công ty CP Sao Mai cho biết: “Công ty chủ yếu nhập nguyên liệu nhựa về sản xuất. Từ đầu năm đến nay, các chính sách thương mại toàn cầu tác động khiến tỷ giá USD tăng mạnh. Bởi vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của công ty cũng chịu tác động mạnh từ biến động tỷ giá. Hiện nay, với những diễn biến của thị trường thế giới, nhất là tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi gặp không ít thách thức. Để ứng phó, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để có thể sử dụng nguyên liệu hạt nhựa trong nước vào sản xuất mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Mới đây, Công ty CP Sao Mai đã đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì dán đáy, dây chuyền máy tráng, dây chuyền máy cắt bao tự động... để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công.
Cùng với Công ty CP Sao Mai, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Tĩnh đang theo dõi, nắm bắt tình hình để đưa ra các biện pháp kịp thời ứng phó. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang kỳ vọng nhiều vào kết quả đàm phán của Chính phủ với Mỹ để kéo giảm thuế quan.
Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh.
Ông Phạm Đình Nhân - Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh cho biết: “Khi Mỹ đánh thuế cao sẽ xảy ra trường hợp các doanh nghiệp may mặc trong nước chuyên đi thị trường này đổi hướng sang các thị trường khác nên doanh nghiệp sẽ chịu tác động mạnh. Để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, công ty sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất lao động và đáp ứng ngay những thay đổi có thể có từ thị trường. Cùng đó, công ty sẽ chủ động tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng và đa dạng thị trường nhằm không bị lệ thuộc vào đối tác truyền thống”.
Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Hà Tĩnh và có sản phẩm xuất thị trường Mỹ.
Theo thống kê của Sở Công thương, 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 376 triệu USD, đạt 15% kế hoạch năm 2025 và giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2024 (riêng Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh chiếm kim ngạch xuất khẩu hơn 296 triệu USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 80 triệu USD (giảm 79,5% so với cùng kỳ năm 2024 – cùng kỳ năm 2024 đạt 390 triệu USD) với mặt hàng chủ yếu là phôi thép, dệt may.
Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Thị trường Mỹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh nên chính sách thuế mới không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động xuất khẩu của tỉnh.
Tuy nhiên, chính sách thuế của Mỹ vẫn có một số tác động gián tiếp, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp Hà Tĩnh. Mặt khác, khi các nước có biện pháp thương mại để "trả đũa" thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác xuất khẩu. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, trao đổi với sở công thương các địa phương khác để có phương án tham mưu UBND tỉnh triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu”.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Hà Tĩnh cần nỗ lực triển khai các giải pháp ứng phó với chiến tranh thương mại.
Trước mắt, Sở Công thương Hà Tĩnh khuyến nghị doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, tiếp cận mở rộng thị trường; đầu tư vào công nghệ, cải tiến sản phẩm để tăng giá trị và sức cạnh tranh; xem xét lại chuỗi cung ứng, tìm nguồn nguyên liệu thay thế, cải tiến quy trình sản xuất để giảm chi phí; đảm bảo hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về xuất xứ để tránh các biện pháp trừng phạt thương mại hiện nay.
Trâm Phương - Ngọc Hà