Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở 25 phường, xã của tỉnh Nghệ An.
Lợn chết trôi trên kênh, mương
Theo phản ánh của người dân sống cạnh kênh N2, xã Minh Châu, tuyến kênh thường xuyên xuất hiện trôi từ nơi khác đến, có những con đã bị phân hủy, bốc mùi. Thông tin từ Ủy ban nhân dân xã Minh Châu cho biết, trong tuần qua, Phòng Kinh tế cùng các xóm và lực lượng đoàn thanh niên phối hợp vớt, xử lý 23 xác lợn được phát hiện trên kênh N2. Sau khi thu gom, tất cả đều được tiêu hủy khẩn cấp, rắc vôi bột tránh phát tán mầm bệnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Châu Lê Mạnh Hiên cho biết: “Tuyến kênh N2 chảy qua nhiều địa phương trước khi đổ về xã Minh Châu, là khu vực cuối nguồn. Chúng tôi đã giăng lưới B40 trên tuyến kênh để ngăn xác lợn trôi về địa bàn xã”.
Tại xã Quảng Châu, từ ngày 4 đến 17/7, xã đã thu gom, tiêu hủy 7 xác lợn trôi theo các tuyến kênh thủy lợi lớn như kênh 142 từ xã Đông Thành và kênh N8 từ đập Bara Đô Lương về địa bàn. Trưởng Phòng Kinh tế xã Quảng Châu Đinh Thị Trang cho hay, số lợn chết đã phân hủy nặng khiến việc thuê máy múc hỗ trợ cũng rất khó, nhiều người từ chối. “Ngày 16/7, số lợn tại trại chăn nuôi nhỏ lẻ của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Trung (xóm 4) có biểu hiện mắc bệnh nên đã được thú y địa phương và gia đình tổ chức tiêu hủy theo quy định, đồng thời gửi mẫu đi xét nghiệm. Chúng tôi thật sự rất lo lắng về nguy cơ dịch bệnh lây lan từ lợn chết bị vứt ra kênh, mương thủy lợi”, bà Trang bày tỏ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Thành Nguyễn Văn Dương chia sẻ, gần 10 xác lợn chết trôi từ trên kênh Đào, phía thượng nguồn đập Bara Đô Lương về. Mỗi xác lợn phải tốn cả triệu đồng để thuê người vớt, chôn lấp. Đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng vứt lợn chết bừa bãi ra kênh, mương thủy lợi ở tỉnh Nghệ An. Trong các đợt dịch tả lợn châu Phi trước, sự việc tương tự cũng từng xảy ra...
Nguy cơ dịch bùng phát mạnh
Nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan và tái bùng phát được tỉnh Nghệ An xác định là do tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh đạt thấp, chưa bảo đảm yêu cầu phòng bệnh, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường. Đặc biệt, người chăn nuôi vẫn còn giấu dịch, vứt xác vật nuôi mắc bệnh ra môi trường làm phát tán, lây lan dịch bệnh...
Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Nghệ An (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An) Trần Võ Ba cho biết, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch đang gặp khó khăn. Trong khi đó, số cán bộ thú y bán chuyên trách ở cấp xã đang thiếu. Tính đến ngày 7/7 đã có 1.296 con lợn bị chết, buộc tiêu hủy, tổng trọng lượng hơn 54 tấn.
Chi cục đã có văn bản tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, lực lượng công an các phường, xã tăng cường tuần tra, kiểm soát trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn trái phép, lợn bệnh, vứt lợn chết ra môi trường... để xử lý nghiêm.
Theo số liệu Ủy ban nhân dân xã Hoa Quân cung cấp, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát mạnh từ cuối tháng 6, đến nay đã lan rộng đến 22/28 xóm. Hơn 1.000 con lợn, tổng trọng lượng gần 60 tấn của 126 hộ chăn nuôi đã bị chết, buộc tiêu hủy. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giai Lạc Nguyễn Thị Vân cho biết, địa bàn hiện có 24/34 xóm ghi nhận dịch tả lợn châu Phi, dịch bùng phát từ giữa tháng 4; số lợn chết, buộc tiêu hủy lên tới 1.950 con...
Ngày 15/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện khẩn, yêu cầu các cấp, ngành liên quan tập trung cao độ phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ lây lan trên diện rộng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường phải tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch kéo dài, lây lan.
Các địa phương sớm ổn định tổ chức bộ máy hoạt động của chính quyền cấp xã, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức; phân công, giao nhiệm vụ cho các phòng, bộ phận, đơn vị liên quan, trong đó có nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản theo quy định của Luật Thú y năm 2015 và các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường giám sát, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và thành lập các tổ kiểm tra lưu động để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm... Người dân không nên giấu dịch, không vứt xác động vật ra môi trường, tiêm phòng đầy đủ vắc-xin; đồng thời khai báo kịp thời khi vật nuôi có dấu hiệu ốm, chết.
TRẦN TRUNG HIẾU