Trong quá trình vận động cử tri, tỷ phú Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ áp thuế quan từ 60% trở lên đối hàng hóa Trung Quốc. Đồng thời, ông cũng đề cập ý tưởng đánh thuế từ 10% đến 20% đối với sản phẩm của tất cả các nước khác.
Các đồng minh của tỷ phú Donald Trump gợi ý rằng thuế quan thực chất là một công cụ đàm phán chứ không phải một khoản thuế đánh vào người tiêu dùng tại chính nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo diễn giải của Bloomberg, nếu Mỹ đe dọa các đối tác thương mại bằng thuế quan, những nước này sẽ ngay lập tức nhượng bộ và đưa ra các điều khoản có lợi cho hàng hóa mà Mỹ sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài.
Điều kiện để tỷ phú Donald Trump thực hiện lời đe dọa
Để chiến lược đó đạt hiệu quả như mong muốn, Mỹ phải có lợi thế mặc cả. Tuy nhiên, trong môi trường kinh tế vĩ mô hiện nay, Bloomberg cho rằng Mỹ không thực sự có đòn bẩy đủ mạnh.
Khi tỷ phú Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018, lạm phát lõi đang duy trì quanh mức 2,3% và lãi suất vay mua nhà kỳ hạn 30 năm thấp hơn con số hiện tại khoảng 3 điểm %.
Thực tế ấy đồng nghĩa với việc chính quyền tỷ phú Donald Trump có đủ bộ đệm kinh tế để theo đuổi mục tiêu mà không gây thiệt hại quá nhiều cho người tiêu dùng trong nước.
Lần này, lạm phát chỉ vừa rời khỏi mức đỉnh 40 năm và người mua nhà vẫn đang vật lộn với mức lãi suất cao. Các đối tác thương mại của Mỹ biết nền kinh tế này không thể chịu đựng thêm nhiều thiệt hại.
Liệu bức tranh có tốt lên trong ngày ông Trump nhậm chức vào đầu năm 2025? Khả năng là rất thấp và thậm chí tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn một chút, Bloomberg nhận định.
Vào tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tức CPI lõi) đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Người tiêu dùng phải vật lộn khi chi phí bảo hiểm xe cơ giới nhảy vọt 14%, hóa đơn thú y cao hơn 7% và chi phí nhà ở vẫn trên đà tăng so với một năm về trước.
Trong 5 tháng gần nhất, tỷ lệ lạm phát tính theo CPI lõi luôn dao động trong khoảng từ 3,2% đến 3,3%. Một số người có thể kết luận rằng xu hướng thiểu phát đã tạm ngừng lại.
Khả năng thiểu phát quay trở lại
Mặc dù vậy, Bloomberg lạc quan hơn về quá trình thiểu phát, dự báo rằng xu hướng thiểu phát sẽ quay trở lại vào năm 2025 nếu không cú sốc chính sách nào xảy ra.
Chi phí nhà ở và bảo hiểm thường hạ nhiệt chậm hơn các khoản mục khác, trong khi đó có rất ít dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát mới có thể phát sinh từ chuỗi cung ứng hoặc thị trường lao động.
Nhìn chung, Bloomberg nhận định lạm phát giống như một bệnh nhân đang dần hồi phục. Bệnh nhân có thể sẽ hồi phục hoàn toàn nhưng cũng dễ bị tổn thương trước những mầm bệnh mới.
Và đối với người tiêu dùng, ký ức về lạm phát vẫn còn rất mới. Chỉ số nhạy cảm về giá của Morning Consult - đo lường khả năng người tiêu dùng sẵn sàng từ bỏ việc mua hàng do giá cả tăng cao bất ngờ - đã đi lên đáng kể trong những năm gần đây.
Trong số các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, đồ điện tử, quần áo và đồ nội thất là những sản phẩm mà người tiêu dùng sẵn sàng bỏ qua nhất thay vì chấp nhận mức giá cao hơn dự kiến.
Không rõ các doanh nghiệp sẽ phản ứng như thế nào nếu chi phí đầu vào tăng vọt và người tiêu dùng phản đối việc các nhà cung cấp chuyển phần chi phí này vào giá bán hàng.
Song, giữa rủi ro biên lợi nhuận của doanh nghiệp suy yếu hoặc lạm phát tăng cao hơn, không ai mong muốn kết cục tiềm tàng nào.
Rủi ro đầu tiên sẽ khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp Mỹ đi xuống giữa lúc thị trường nói chung vẫn đang hứng phấn.
Rủi ro thứ hai sẽ khiến chi phí vay mua nhà tiếp tục duy trì ở mức cao, cản trở sức mua của người tiêu dùng - động lực giúp giữ vững đà tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua.
Bảo Long/Bloomberg