Lo ngại hộ kinh doanh trục lợi khi miễn thuế ba năm

Lo ngại hộ kinh doanh trục lợi khi miễn thuế ba năm
8 giờ trướcBài gốc
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của các đại biểu tại thảo luận tổ khi cho ý kiến về Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân với 5 chính sách đột phá thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Để tháo gỡ nút thắt về tiếp cận vốn, dự thảo Nghị quyết nêu: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa ba năm đầu thành lập kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập. Đánh giá cao những ưu đãi cụ thể này, các đại biểu tổ Hà Nội cũng lo ngại rằng, quy định ưu đãi trên có thể khiến các doanh nghiệp hoạt động ba năm rồi lại đóng cửa để lập doanh nghiệp mới nhằm hưởng ưu đãi mới. Đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề, chính sách này có thể khiến các doanh nghiệp dễ dàng được “khai sinh” rồi nhanh chóng “khai tử” để trục lợi chính sách.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) phát biểu: “Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa ba năm đầu thành lập, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập, dễ dẫn đến tình trạng các cá nhân, tổ chức cứ 'khai sinh' rồi 'khai tử' doanh nghiệp để hưởng mức ưu đãi này. Thời gian qua, nhiều người lập doanh nghiệp, hoạt động hết ba năm được miễn thuế xong, đến năm thứ tư phải đóng thuế thì lại xóa doanh nghiệp rồi đăng ký dưới tên vợ, con, thậm chí thuê xe ôm đứng tên chủ doanh nghiệp, bởi đăng ký thành lập doanh nghiệp rất dễ dàng. Từ đó sẽ không tạo ra được doanh nghiệp hoạt động ổn định. Do vậy cần thay đổi về thời gian ưu đãi thuế đối với hộ kinh doanh, để vừa tạo điều kiện cho đơn vị, vừa không thất thu ngân sách".
Phát biểu tại phiên họp tổ chiều 15/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính – cơ quan “chắp bút” Dự thảo Nghị quyết cho hay: để thể chế hóa Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, cả Quốc hội và Chính phủ đều sẽ có Nghị quyết về vấn đề này. Với việc xây dựng nghị quyết, cả Chính phủ và Quốc hội đều xác định: vấn đề đề gì đã rõ, đã “chín” thì quy định luôn vào nghị quyết, vào chương trình dựng pháp luật kỳ này (như vấn đề thanh kiểm tra một lần). Vấn đề gì cần thời gian kiểm nghiệm thì sẽ quy định sau.
Về cơ chế với các hộ kinh doanh – doanh nghiệp nhỏ - doanh nghiệp vừa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cơ quan soạn thảo có nghiên cứu rất kỹ về chính sách để làm sao 5 triệu hộ kinh doanh có động lực lên làm doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ được tạo động lực tăng quy mô. Với hộ kinh doanh, lần này sẽ bỏ thuế khoán, bỏ lệ phí môn bài để giúp các hộ này kinh doanh mức độ minh bạch.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay: "Dự thảo đã đề cập tới các giải pháp như đưa công nghệ thông tin vào đây, xuất hóa đơn thông qua máy tính tiền, thí điểm thôi, thu thuế tăng đáng kể để tăng mức độ minh bạch và công bằng. Chúng tôi có chính sách hỗ trợ họ. Đặc biệt là về thuế".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân được xây dựng, ban hành trong thời gian ngắn. Do vậy, sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh lý để nghị quyết khi ra đời là đi vào cuộc sống, đảm bảo khi ban hành sẽ phát huy được hiệu lưc, hiệu quả trên thực tế. Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp trí tuệ để dự thảo có chất lượng tốt nhất, có tính thực tiễn, có tính hành động cao nhất, tác động tốt tới khu vực kinh tế tư nhân của đất nước.
Hoàng Hợp
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/lo-ngai-ho-kinh-doanh-truc-loi-khi-mien-thue-ba-nam-329857.htm